Thế giới

Hồi ức kinh hoàng của một nạn nhân vụ vỡ đập ở Lào

Lời kể của nạn nhân người Việt trong giây phút thoát khỏi thảm họa vỡ đập thủy điện

Với những người dân tại làng Xay Done Khong nằm gần Đập thủy điện Xe-Pian Xe-Namnoy, cơn ác mộng tới quá nhanh và quá bất ngờ, cuốn trôi đi không chỉ nhà cửa, tài sản mà còn cả hy vọng về tương lai.

Vào 23:00 ngày 23.7 tại làng Xay Done Khong (Lào), một tiếng động lớn đã khiến Petchinda Chantamart, 35 tuổi, phải bật dậy. Ban đầu, cô tưởng vừa nghe thấy tiếng bom. Thế nhưng, những tiếng động lạ sau đó mà theo cô nhớ lại giống như tiếng gió mạnh đã khiến Chantamart lạnh sống lưng.

Bản năng mách bảo cô rằng: Một trong những con đập đang xây dựng gần ngôi làng nơi cô sinh sống đã bị vỡ. Ngay lập tức, Chantamart nhanh chóng đập cửa những người hàng xóm xung quanh, báo động mọi người phải lên khu vực đất cao hơn.

“Nước đang tới rồi bà con ơi!” - cô Chantamart gào thét.

Chỉ trong nửa giờ, nước đã ngập hơn 9m và còn tiếp tục tăng lên. Chantamart và nhiều người đã chạy thoát được. Thế nhưng, không phải ai cũng may mắn thoát được cái nạn 5 tỷ m3 nước ập lên đầu.

Kể lại về thảm họa xảy ra vào hôm thứ Hai (23.7), người phụ nữ 35 tuổi này cho biết hàng trăm người dân Xay Done Khong đã thoát nạn nhưng vẫn còn 15 người, trong đó có 9 trẻ em, vẫn mất tích. Vào cái đêm định mệnh ấy, cô đã không kịp tới cảnh báo họ vì nước dâng lên quá nhanh.

“Thật lòng, tôi rất lo cho người làng tôi” - Chantamart trăn trở.

Hồi ức kinh hoàng của một nạn nhân vụ vỡ đập ở Lào
Người dân trú ẩn tại Paksong, Lào vào hôm 25.7. Ảnh: Thời báo New York.

Sau khi chạy lên được chỗ đất cao tránh nước, cô Chantamart cùng dân làng được các binh sĩ và quan chức địa phương di chuyển tới thị trấn Paksong nằm ở phía tây con đập để trú ẩn. Trong căn nhà kho vốn từng được dùng để dự trữ cà phê, hàng trăm người lớn và trẻ nhỏ trong những bộ quần áo lấm lem bùn đất phải chia sẻ chỗ nằm trên những tấm bạt trải trên nền bê tông, ăn cơm bằng những bát nhựa xốp được chuẩn bị bởi một căng tin tạm bợ ở bãi đỗ xe bên ngoài.

Nhìn lên bầu trời đầy âm u, cô Chantamart cảm thấy tuyệt vọng về ngôi làng của mình, về tình thế hiện tại.

“Toàn bộ đã đi cả rồi, không còn một ngôi nhà nào” -  Chantamart thở dài.

Nhắc về thảm họa vừa xảy ra, Chantamart lắc đầu ngán ngẩm, nói rằng không rõ ai phải chịu trách nhiệm với vụ vỡ đập. Tuy nhiên, trong tình cảnh hiện tại, Chantamart cho rằng chính phủ và công ty xây dựng đập cần phải sốt sắng hơn trong việc trợ giúp các nạn nhân.

“Mọi người đều sốc, sợ hãi và cảm thấy buồn bã với những mất mát của mình và của người khác” - Chantamart nói.

Hồi ức kinh hoàng của một nạn nhân vụ vỡ đập ở Lào - 1
Các tình nguyện viên chuẩn bị cơm cho những người dân trú ẩn tại Paksong, Lào. Ảnh: Thời báo New York.

Theo lời kể của Chantamart, khoảng 70% dân làng Xay Done Khong là người dân tộc thiểu số và phần lớn trong số này đều làm nghề trồng lúa, cà phê. Thỉnh thoảng, họ cũng kiếm được công việc lao động chân tay vào ban ngày.

Giống như cô Petchinda Chantamart, Den Even Den cũng là một nông dân tại làng Xay Done Khong. Vào đêm 23.7, Den cũng đã chạy thoát kịp. Thế nhưng, tài sản bấy lâu nay tích lũy cũng đã trôi theo dòng nước, Den đã trắng tay.

“Mọi người ở đây đều mất hết - gia súc, gia cầm, nhà cửa” - Den kể với phóng viên.

Trả lời phỏng vấn với Thời báo New York, ông Khamla Souvannasy - một quan chức của thị trấn Pakson cho biết địa phương này đang gặp rất nhiều khó khăn để hỗ trợ hàng trăm con người đang trú ẩn tại nhà kho.

“Tình hình thời tiết đang là một trở ngại lớn” - ông Souvannasy nói. “Chúng tôi vẫn đang phải kiếm thêm chiếu cho người dân”.

“Thảm họa tới quá nhanh. Không có cách nào để chuẩn bị kịp thời. Thế nhưng, chúng tôi sẽ cố gắng hết sức có thể”.

Theo Tiểu Đào (Dân Việt)