Thế giới

Hỗ trợ công ty Trung Quốc, ông Trump vi phạm hiến pháp?

Chỉ 72 giờ sau khi Trung Quốc đồng ý cho Indonesia vay nửa tỉ USD để thực hiện một dự án mang lại lợi nhuận cá nhân cho Tổng thống Donald Trump, ông đã ra lệnh hỗ trợ một nhà sản xuất điện thoại của chính phủ Trung Quốc.

"Chủ tịch Tập Cận Bình của Trung Quốc và tôi đang hợp tác để đưa công ty điện thoại lớn của Trung Quốc, ZTE, trở về con đường kinh doanh một cách nhanh chóng. Có quá nhiều công việc bị mất ở Trung Quốc. Bộ thương mại đã được chỉ thị để hoàn thành công việc này" - ông Trump thông báo trên Twitter sáng 13-5 (giờ địa phương).

Ông Trump đã không hề đả động gì đến sự kiện trước đó. Cụ thể, vào ngày 10-5, nhà phát triển của một khu nghỉ dưỡng ở ngoại ô thủ đô Jakarta - Indonesia đã ký thỏa thuận nhận khoản vay 500 triệu USD từ chính phủ Trung Quốc và 500 triệu USD từ các ngân hàng của Trung Quốc để thực hiện dự án. Trong khi đó, đế chế kinh doanh của gia đình ông Trump, Tổ chức Trump, lại có thỏa thuận cấp giấy phép đặt tên Trump cho khu nghỉ dưỡng này. 

Cho dù từng hứa hẹn rút khỏi công việc kinh doanh của gia đình trong chiến dịch tranh cử nhưng ông Trump vẫn chưa thực hiện điều này và tiếp tục thu lợi nhuận cá nhân. "Đây dường như là một sự vi phạm khác nữa điều khoản của hiến pháp" - ông Richard Painter, một ứng viên đảng Dân chủ tại thượng viện ở bang Minnesota, nhận định, ám chỉ việc cấm nhận tổng thống nhận các khoản chi từ các chính phủ ngoại quốc.

Hỗ trợ công ty Trung Quốc, ông Trump vi phạm hiến pháp?
Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình. Ảnh: Reuters

Nhà Trắng không phản hồi câu hỏi của tờ Huffington Post về việc có mối dây liên quan nào giữa dự án MNC Lido City với chỉ thị của ông Trump về công ty điện thoại ZTE không. Trong cuộc họp báo thường ngày hôm 14-5, Phó Thư ký báo chí Nhà Trắng Raj Shah cũng từ chối trả lời về vấn đề này. 

Tổ chức Trump ngày 14-5 cũng thừa nhận sự liên quan tới dự án khu nghỉ dưỡng nhưng không trả lời câu hỏi công ty sẽ kiếm được bao nhiêu tiền từ phí cấp phép hoặc quản lý. 

Về những câu hỏi liên quan đến ZTE trong cuộc họp báo, ông Shah trả lời: "Bộ trưởng Thương mại Wilbur Ross sẽ xem xét vấn đề theo quy luật và pháp luật hiện hành". Ông này cũng xác nhận rằng ZTE là một lo ngại lớn của Trung Quốc và Chủ tịch Tập. "Trong mối quan hệ song phương của chúng tôi có sự cho và nhận" - ông Shah nhấn mạnh.

Đặc biệt, điện thoại của hãng ZTE bị cộng đồng tình báo và quân sự Mỹ xem là một mối đe dọa về an ninh. 

Thêm vào đó, công ty này từng bị phạt 1,2 tỉ USD vào năm 2017 sau khi bị phát hiện vi phạm lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Iran và Triều Tiên. Hồi tháng 4, chính phủ Mỹ ban hành lệnh cấm ZTE mua linh kiện từ Mỹ trong 7 năm, khiến công ty này phải đóng cửa.  

Theo Bảo Hạnh (Nld.com.vn)