Thế giới

Hồ sơ Thảm sát Mỹ Lai: Lời kể của những người may mắn sống sót

Năm mươi năm sau cuộc thảm sát kinh hoàng và đẫm máu tại thôn Mỹ Lai thuộc làng Sơn Mỹ, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi, những người dân sống sót trong vụ việc tàn ác này đã kể lại hồi ức với cơ quan thông tấn DPA News.

Ngày 16.3

Hồ sơ Thảm sát Mỹ Lai: Lời kể của những người may mắn sống sót
Bà Phạm Thị Thuận

Đó là một buổi sáng như mọi buổi sáng khác, Phạm Thị Thuận vừa mới thực dậy và đang bắc nồi luộc khoai. Ngay lúc đó, lính Mỹ trên trực thăng hạ cánh gần làng và bắt đầu bắn giết.

Đó là ngày 16.3.1968 – cao điểm của cuộc chiến của cuộc chiến. Những tên lính Mỹ thuộc Đại đội C (hay còn được biết đến với cái tên Đại đội Charlie của Tiểu đoàn số 1, Trung đoàn bộ binh số 20, Lữ đoàn bộ binh số 11, Sư đoàn bộ binh số 23, Lục quân Mỹ) được lệnh tới làng Sơn Mỹ để truy quét quân du kích Việt Nam. Một địa điểm trong đó là thôn Mỹ Lai bởi tình báo quân đội cho rằng, dân làng ở đây đang nuôi giấu du kích.

“Họ giết những người ở ruộng đầu tiên, rồi sau đó là gia súc”, bà Thuận lúc này đã 80 tuổi nhớ lại. “Chúng tôi chỉ làm để nuôi sống bản thân. Chỉ có một vài vũ khí được tìm thấy, thương vong duy nhất của quân Mỹ ngày hôm đó là một binh sĩ tự bắn vào chân mình”.

Không tha cả trẻ em

Cuộc phỏng vấn chấn động trên kênh CBS News hồi năm 1969

Những tên đồ tể Mỹ coi toàn bộ dân làng, bao gồm cả phụ nữ và trẻ em, là kẻ thù. Một trong số đó là Binh Nhì Paul Meadlo đã thuật lại những gì mình đã làm trong một cuộc phỏng vấn với kênh CBS News hồi năm 1969.

“Cứ xả đạn mà không cần nhắm thì sẽ không biết mình đã giết bao nhiêu người bởi mọi việc diễn ra quá nhanh. Tôi có lẽ đã hạ sát khoảng 10-15 người”, Meadlo nói với người phỏng vấn Mike Wallace.

“Đàn ông, phụ nữ và cả trẻ em?”, Wallace hỏi.

“Vâng”, Meadlo trả lời.

“Cả trẻ em??”, Wallace hỏi lại.

“Vâng, cả trẻ em”, Meadlo xác nhận.

Những tiếng cười man rợ

Hồ sơ Thảm sát Mỹ Lai: Lời kể của những người may mắn sống sót - 1
Ông Phạm Thành Công

Phạm Thành Công – cựu giám đốc Khu chứng tích Sơn Mỹ - năm nay đã 61 tuổi. Trong cái ngày định mệnh ấy, ông đã mất mẹ, một anh trai và ba chị em gái. Khi đang ẩn nấp trong hầm tránh bom, lính Mỹ đã bắn gia đình ông trước khi ném lựu đạn vào trong hầm. Nếu không có thi thể của người nhà che chắn, Công đã không sống tới ngày hôm nay.

“Khi nhận được mệnh lệnh kiểu vậy, tại sao những người lính lại nghe theo?”, ông tự hỏi trong một cuộc gặp gần đây tại Khu chứng tích. “Chúng giết người một cách vô cảm. Khi xác người la liệt dưới đất, bọn chúng còn cười”.

Bà Thuận là một trong những trường hợp may mắn. Bà và hai đứa con cùng với khoảng 170 người khác đã được hộ tống tới một con kênh gần đó.

Trước đó, bà đã may mắn thoát chết trong vụ bắn giết. Giống với trường hợp của ông Công, thi thể của dân làng đã đè lên bà và hai con nhỏ, vô tình thành lá chắn giúp ba mẹ con bà an toàn.

Chỉ có 6 người sống sót

Hồ sơ Thảm sát Mỹ Lai: Lời kể của những người may mắn sống sót - 2
Ông Hugh Thompson (giữa) trong một lần về thăm Sơn Mỹ hồi năm 1998

Theo thông tin của Khu chứng tích Sơn Mỹ, bà Thuận và các con nằm trong nhóm 6 người sống sót cuộc bắn giết. Bà đã phải chờ hàng giờ đợi lính Mỹ rời đi.

“Chúng ngồi ở bờ sông và chờ ở đó. Chúng tôi chỉ thoát khi chúng đi nơi khác”, bà Thuận kể.

Cuộc thảm sát chỉ kết thúc khi Chuẩn úy Hugh Thompson phát hiện hành động của đồng đội khi đang bay trực thăng quan sát.

“Tôi thấy dường như đang có quá nhiều cuộc bắn giết vô cớ ở dưới đó”, ông nói qua radio vào lúc đó. “Có điều gì không ổn về việc này”.

Khi nhìn thấy nhóm 11 dân làng sống sót đang chạy trốn lính Mỹ, ông đã cho hạ cánh chiếc trực thăng của mình xuống để ngăn chặn tội ác. Thompson ra lệnh cho xạ thủ súng máy Lawrence Colburn nhằm vào đồng đội của mình và sẵn sàng khai hỏa nếu những người này cố gắng tấn công bất kỳ ai khác. Những tên đồ tể đã phải dừng lại trong lúc ông gọi thêm trực thăng để sơ tán dân thường.

Mối quan hệ Việt Nam-Mỹ

50 năm sau vụ thảm sát, cả ông Công lẫn bà Thuận đều khẳng định không hề thù ghét người dân Mỹ.

“Chúng tôi rất yêu mến họ. Chúng tôi có độc lập ngày nay là nhờ họ biểu tình phản đối cuộc chiến”, ông Công cho hay. “Tôi sẽ không thể quên ngày hôm đấy lính Mỹ đã hạ sát đồng bào của tôi. Thế nhưng, chúng tôi đang cố gắng tha thứ cho họ để hướng tới tương lai”.

Còn với bà Thuan, việc mối quan hệ ngày càng phát triển giữa Việt Nam và Mỹ ngày nay là một điều đang khen ngợi.

“Ngày nay, người dân Mỹ và người dân Việt Nam đang hợp tác để tạo dựng tình bạn”, bà nói. “Khi đang kết bạn, chúng ta sẽ phải cùng cố gắng đảm bảo rằng, sẽ không còn một cuộc thảm sát nào nữa”.

Theo Tiểu Đào (Dân Việt)