Thế giới

Hiệu ứng Donald Trump lý giải nguyên nhân Anh chọn rời EU

Việc nhiều người dân Mỹ ủng hộ quan điểm đặt Mỹ lên trên hết của ông Donald Trump có nét tương đồng với mong muốn rời EU của đa số người Anh.

Việc nhiều người dân Mỹ ủng hộ quan điểm đặt Mỹ lên trên hết của ông Donald Trump có nét tương đồng với mong muốn rời EU của đa số người Anh.
 

Ứng viên tổng thống đảng Cộng hòa Mỹ Donald Trump trong chuyến thăm Scotland.

Tâm điểm của chiến dịch dẫn đến việc Anh bỏ phiếu để rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) - quyết định còn được gọi là Brexit - là mong muốn giành lại sự độc lập bị "mất đi" giữa một thế giới toàn cầu hóa. Đó cũng chính là tâm lý mà ông Donald Trump dựa vào để trở thành ứng viên đại diện mặc định của đảng Cộng hòa Mỹ, khi chiến dịch tranh cử của ông tập trung vào những khẩu hiệu "đặt Mỹ lên trên hết" và "làm cho Mỹ vĩ đại một lần nữa".

Trong cuộc trưng cầu dân ý hôm 23/6, 52% người Anh đã chọn phương án rời khỏi EU, trong khi 48% chọn ở lại, với tỷ lệ người đi bầu 72,2%.

"Tôi thích nhìn thấy những người khác lấy lại đất nước của họ. Và đó là điều đang thực sự xảy ra ở Mỹ", ông Trump nói trong chuyến thăm sân golf của mình ở miền tây Scotland.

Theo AP, nỗi lo lắng dẫn đến Brexit đã tồn tại ít nhất một thập kỷ tại Anh, khi nước này phải đón làn sóng người nhập cư từ Nam và Đông Âu và nền kinh tế toàn cầu lao vào suy thoái. Các lãnh đạo nghiêng về phe cánh hữu đã nhấn mạnh mối lo ngại mang màu sắc chủ nghĩa dân túy về tác động của những yếu tố nói trên đối với tiền lương, cũng như lo ngại về việc mất bản sắc dân tộc, chủ yếu trong bộ phận nông thôn nước Anh và xứ Wales có đa phần người da trắng sinh sống.

"Tôi thật sự thấy mọi thứ đã thay đổi và chúng thay đổi quá nhanh", Muriel MacGregor, nhân viên một khách sạn ở Aberdeen, Scotland, nói.

MacGregor, 52 tuổi, nói rằng không giống như nhiều bạn bè, bà tự hào khi chọn phương án "ra đi". '' Đây không phải là đất nước mà tôi biết khi tôi lớn lên. Tôi không biết chính xác chuyện gì sẽ xảy ra tiếp theo. Tôi nghĩ chả ai biết cả. Nhưng tôi thực sự cảm thấy chúng ta cần một điều gì đó khác, bởi vì tình hình hiện giờ không hiệu quả", bà nói.

Cuộc trưng cầu dân ý của Anh đã phá vỡ sự hiệp nhất của lục địa sau Thế chiến II và khiến thị trường trên toàn cầu sụt giảm. Tuy nhiên, cuộc "ly dị" này được ca tụng bởi những người cảm thấy đất nước đã mất đi bản sắc kể từ khi kết nối với các phần còn lại của châu Âu.

"Hoàn toàn tuyệt vời, tin tuyệt nhất từ trước đến nay. Chúng tôi muốn Anh trở lại như thời nhiều năm trước đây", Allen Laurence, 65 tuổi, một người bán hàng tại chợ cá Billingsgate ở đông London nói. "Tôi rất vui, rất hài lòng, vì đất nước nói chung".

Tương quan ở Mỹ

Tiếng nói của những người Anh này cũng có sự đồng điệu với hàng triệu cử tri Mỹ ủng hộ tỷ phú Trump. Ông đã khai thác mối lo ngại tương tự về một đất nước thay đổi quá nhanh, để lại quá nhiều người đằng sau. Ông cam kết sẽ ngăn chặn nhập cư bất hợp pháp và mang lại công việc trong ngành sản xuất, mà theo ông, đã bị các nhà máy ở nước ngoài "cướp mất".

Nhiều người xem khẩu hiệu "Làm Mỹ vĩ đại một lần nữa" như một lời hứa đưa đất nước trở về thời điểm họ tin rằng nước Mỹ là nhà lãnh đạo độc tôn của thế giới. Ở Tổng thống Barack Obama, họ thấy một nhà lãnh đạo quá nhanh chóng xin lỗi vì đất nước của mình.

"Tôi muốn chúng ta đưa Mỹ trở lại", Shirley Sharpe, 61 tuổi, một người ủng hộ ông Trump từ Greensboro, North Carolina, nói trong tháng này. Sharpe nói rằng bà thất vọng về hướng đi của đất nước dưới thời ông Obama.

"Chúng ta cần phải đưa đất nước trở lại cho chính chúng ta", bà nói. "Chúng ta phải chăm sóc bản thân trước khi lo cho những người nhập cư hoặc người khác. Chúng ta phải lo cho chính mình đã".

Đối với Chad Benson tại Dallas, Georgia, đã đến lúc Mỹ tái khẳng định sự vĩ đại của mình.

"Tôi nghĩ điều làm ông Donald Trump khác biệt với các ứng viên khác là ông ấy mang tư tưởng vì nước Mỹ", Benson, 40 tuổi, làm việc trong ngành công nghiệp năng lượng, cho biết. "Ông ấy tự hào là một người Mỹ. Ông muốn người Mỹ lại có thể tự hào vì họ là người Mỹ".

Benson phàn nàn rằng ông Obama "dường như đặt các nước khác lên trước người dân Mỹ".

Cách tiếp cận của ông Trump với dân nhập cư tuy gây tranh cãi nhưng cũng hấp dẫn với một bộ phận cử tri ở Mỹ. Những người này nói rằng kế hoạch xây một bức tường dọc theo biên giới với Mexico của ông và cam kết trục xuất khoảng 11 triệu người nhập cư bất hợp pháp là những lý do họ bị ứng viên này thu hút.

Đối với Jose Portillo, 55 tuổi, sống tại New Mexico, kế hoạch đối phó với nạn nhập cư bất hợp pháp của ông Trump là trọng tâm hấp dẫn mình. Làm việc trong ngành vận tải, Portillo từng là người theo đảng Dân chủ cho đến khi ông đổi đảng để bỏ phiếu cho tỷ phú Trump. Ông nói rằng ông đã chán ngấy những người định cư bất hợp pháp, và lập luận rằng họ lợi dụng lỗ hổng của hệ thống trong khi ông làm việc chăm chỉ để chơi đúng luật.

"Có quá nhiều người lười biếng sống nhờ hệ thống", Portillo nói. "Tôi ước gì tôi có thể chế ra một cây chổi lông thép để ông ấy có thể bắt đầu dọn dẹp nhà cửa".

Lanhee Chen, từng là cố vấn chính sách của Mitt Romney, ứng viên tổng thống đảng Cộng hòa năm 2012, nói rằng có những điểm tương đồng không thể phủ nhận giữa tâm lý của người dân hai nước, bao gồm cả mối lo ngại sâu sắc về tác động của lao động nước ngoài. Tuy nhiên, ông cũng nói rằng vẫn có sự khác biệt rõ rệt.

"Cuộc bỏ phiếu ở Anh rốt cuộc chỉ là cuộc trưng cầu dân ý về chính sách và tâm lý đó", ông nói. Còn cuộc bầu cử ở Mỹ hiện là một cuộc đấu giữa những con người".

Ông Trump thì cho rằng rõ ràng có sự tương tự giữa hai bên.

"Mọi người muốn đưa đất nước của họ trở lại", ông nói. "Họ muốn có độc lập theo một cách nào đó. Và theo tôi, khi nhìn vào châu Âu với tâm lý đó, sẽ còn nhiều điều hơn nữa xảy ra ngoài cuộc trưng cầu dân ý".

Theo Phương Vũ (VnExpress.net)