Thế giới

Hi Lạp: vì đâu từ kiêu hãnh đến cúi đầu?

Chỉ chưa đầy một tuần sau khi thể hiện sự quật cường với cuộc trưng cầu ý dân gây chấn động, chính phủ và Quốc hội Hi Lạp chấp nhận cúi mặt đầu hàng trước các chủ nợ châu Âu.


Thủ tướng Hi Lạp Alexis Tsipras từng lên án chính sách thắt lưng buộc bụng châu Âu ép Athens thực hiện, nhưng giờ đầu hàng trước các chủ nợ - Ảnh: Reuters


Chỉ vài ngày trước, chính quyền Thủ tướng Hi Lạp Alexis Tsipras lên án dữ dội các chủ nợ châu Âu là “những kẻ tống tiền”. Trong cuộc trưng cầu ý dân, đại đa số người dân Hi Lạp nói “không” với những yêu sách thắt lưng buộc bụng cùng khổ mà châu Âu đưa ra để cứu trợ tài chính Athens.

Nhưng giờ thì mọi sự hào hứng bị dập tắt hoàn toàn.

Chính quyền Thủ tướng Tsipras trình khối đồng euro kế hoạch cải cách tài chính với các biện pháp thắt lưng buộc bụng ngặt nghèo không kém gì những điều kiện mà người dân Hi Lạp phản đối trong cuộc trưng cầu ý dân.

Quốc hội Hi Lạp cũng thông qua kế hoạch này với hi vọng được châu Âu hỗ trợ hơn 53,5 tỉ euro trong vòng ba năm tới.

Điều đó có nghĩa là kết quả trưng cầu ý dân hoàn toàn không tạo ra lợi thế đàm phán cho Hi Lạp như Thủ tướng Tsipras từng khẳng định.

Trên thực tế, với kế hoạch cải cách này, chính quyền Athens sẽ phải thắt lưng buộc bụng cùng khổ tương tự trước đây. Và đó là thất bại của Đảng cầm quyền Syriza lẫn cả đất nước Hi Lạp.

Có thể thấy chính quyền Thủ tướng Tsipras xác định dù các biện pháp thắt lưng buộc bụng là vô cùng đau đớn và có thể khiến khủng hoảng tài chính nước này thêm tồi tệ, nhưng cắt đứt quan hệ với khối đồng euro sẽ là một thảm họa.

Báo Washington Post dẫn lời chuyên gia Mark Medish, cựu quan chức Bộ Tài chính Mỹ, nhận định kết quả trưng cầu ý dân của Hi Lạp từ “không” đã trở thành “có”.

Đảng Syriza lên nắm quyền ở Hi Lạp với lời hứa chấm dứt thời kỳ thắt lưng buộc bụng cùng khổ mà không khiến nước này bị đẩy khỏi khối đồng euro. Đó chỉ là lời hứa hão, hoàn toàn không hiện thực bởi châu Âu nắm trong tay quyền kiểm soát Hi Lạp. Các ngân hàng Hi Lạp phải dựa vào nguồn vay khẩn cấp từ Ngân hàng Trung ương châu Âu (EBC) để sống sót.

Nếu EBC cắt khoản hỗ trợ này, các ngân hàng Hi Lạp sẽ phá sản. Hi Lạp sẽ buộc phải rời khối đồng euro. Ngay sau khi chính quyền Thủ tướng Tsipras tuyên bố tổ chức trưng cầu ý dân, ECB lập tức quyết định không tăng tiền hỗ trợ khẩn cấp cho các ngân hàng Hi Lạp. Lập tức hệ thống tài chính nước này lao đao. Lời đe dọa đó đủ mạnh để khiến chính quyền Athens chùn tay.

Cuối cùng cuộc trưng cầu ý dân chỉ là một sô diễn vô nghĩa. Đảng Syriza dọa rời khối đồng euro nhưng thực tế không hề muốn hoặc không đủ quyết tâm làm điều đó. Hi Lạp sẽ phải tiếp tục thắt lưng buộc bụng, tiếp tục vay nợ mới để trả nợ cũ. Mà thắt lưng buộc bụng thì lấy sức đâu để tăng trưởng, không có tăng trưởng thì lấy tiền đâu để trả nợ.

Vậy là sẽ lại tiếp tục vay, tiếp tục nợ trong khi bị mắc kẹt với đồng euro quá đắt đỏ đối với đất nước này. Hi Lạp hoàn toàn không có đường thoát khỏi vòng xoáy luẩn quẩn đó.

Việc Đảng Syriza lên nắm quyền với chính sách chống thắt lưng buộc bụng, giờ phải quỳ gối nài nỉ châu Âu xin được thắt lưng buộc bụng quả thật là một “bi kịch Hi Lạp”.

Trước đó, nhiều nhà kinh tế nổi tiếng như Paul Krugman hay Joseph Stiglitz, hai chuyên gia đoạt giải Nobel, cho rằng việc rời khối đồng euro có thể khiến Hi Lạp rơi vào hỗn loạn trong thời gian trước mắt, nhưng sẽ là cơ hội để nước này tự quyết định vận mệnh, thực hiện các biện pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Nhưng Hi Lạp quyết định chọn phương án ở lại với khối đồng euro. Theo các chuyên gia, cơ hội duy nhất để Hi Lạp tìm thấy tương lai là các chủ nợ chấp nhận giảm một phần khối nợ khổng lồ nước này đang gánh. Nếu không, vòng xoáy luẩn quẩn lấy nợ trả nợ của Hi Lạp sẽ không bao giờ chấm dứt.
 
>> Hy Lạp sẽ cạn tiền mặt trong hai ngày tới
 
Theo H.Trung (Tuổi Trẻ)