Thế giới

Hành trình từ đại tá tình báo Nga tới nạn nhân bị hạ độc ở Anh

Từng là đại tá tình báo Nga bị kết án tù, Skripal được trao đổi để đến Anh sống và cuối cùng gục ngã bởi chất độc thần kinh.

Cảnh sát Anh ngày 7/3 xác nhận cựu đại tá tình báo Nga Sergei Skripal và con gái Yulia là nạn nhân trong một "vụ giết người bằng chất độc thần kinh". Skripal và con gái được tìm thấy trong tình trạng nguy kịch trên ghế băng ngoài một trung tâm mua sắm ở thành phố Salisbury hôm 4/3.

Skripal, 66 tuổi, từng phục vụ trong lực lượng tình báo quân đội Nga (GRU) và thăng tiến dần với quân hàm đại tá. Đến năm 1999, ông được cử sang làm việc tại trụ sở Bộ Ngoại giao ở Moscow, cho đến khi bắt đầu việc kinh doanh vào năm 2003, theo Guardian.

Một năm sau, cơ quan an ninh Nga (FSB) bắt giữ Skripal ở Moscow sau khi tìm thấy các bằng chứng cho thấy ông ta đã hoạt động như một điệp viên hai mang cho tình báo Anh. Skripal bị cáo buộc đã tuồn các tài liệu mật cho Cục Tình báo Mật (MI6) của Anh để nhận về khoản tiền 100.000 USD.

Trong số những tài liệu mà Skripal chuyển cho MI6 có danh sách các điệp viên GRU đang hoạt động trên khắp châu Âu. Một người phát ngôn của FSB so sánh Skripal với đại tá Oleg Penkovsky, người bị tử hình vào năm 1963 vì cung cấp các thông tin mật của Liên Xô trong cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba cho Mỹ.

Tòa án quân sự Nga cho rằng hoạt động của Skripal đã "giáng một đòn mạnh vào an ninh hải ngoại của nước Nga". Ông ta bị truy tố với tội danh "phản quốc bằng hình thức gián điệp" và bị kết án 13 năm tù.

Trong khi Skripal đang ngồi tù ở Nga, Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) cũng bắt đầu cất mẻ lưới mà họ đã dày công điều tra gần 10 năm. Một mạng lưới gián điệp ngầm của Nga hoạt động trên đất Mỹ để khai thác thông tin từ các nhà hoạch định chính sách, chuyên gia phân tích và doanh nhân bị FBI bóc gỡ, 10 điệp viên Nga bị bắt.

Trong nhóm điệp viên này có người phụ nữ xinh đẹp Anna Chapman sống ở New York. Là con gái một nhà ngoại giao Nga, với tên gọi thời con gái là Anna Kushenko, Chapman từng làm việc ở ngân hàng Barclays ở Anh và được trao quốc tịch Anh sau khi kết hôn với một công dân nước này, theo ABC News.

FBI cho biết sau khi chuyển đến Mỹ và hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản ở New York, Chapman đã tiếp cận và tìm cách khai thác thông tin từ các quan chức cấp cao trong nội các Mỹ về vũ khí hạt nhân, về chính sách của Mỹ đối với Iran… Vào thời điểm vụ bắt giữ được FBI công bố, truyền thông thế giới sử dụng những mỹ từ như "người đẹp bốc lửa tóc đỏ", "Cô gái của Bond", "điệp viên quyến rũ" để mô tả Chapman.

Hành trình từ đại tá tình báo Nga tới nạn nhân bị hạ độc ở Anh
Nữ điệp viên Anna Chapman. Ảnh: ABC.

Nga muốn đưa Chapman và 9 người còn lại trong mạng lưới về nước, nên đã liên hệ với Mỹ để thu xếp một thỏa thuận trao đổi điệp viên. Đến tháng 7/2010, Tổng thống Nga khi đó là Dmitry Medvedev đã quyết định ân xá cho Skripal và cựu đại tá này là một trong 4 điệp viên được Nga phóng thích để đổi lấy 10 người trong mạng lưới tình báo của Chapman.

Cuộc trao đổi điệp viên diễn ra trên đường băng một sân bay ở Vienna, Áo. Những người trong nhóm của Chapman trở về Moscow và được chào đón như những anh hùng, trong khi Skripal bị coi là kẻ phản bội.

Skripal và một điệp viên người Nga được đưa tới Anh sau cuộc trao đổi và được tình báo Anh thẩm vấn. Hai điệp viên Nga khác là cựu đại tá KGB Alexander Zaporozhsky và sĩ quan KGB Gennady Vasilenko được đưa tới Mỹ.

Gục ngã trên băng ghế

Hành trình từ đại tá tình báo Nga tới nạn nhân bị hạ độc ở Anh - 1
Skripal mua hàng tại một siêu thị trước khi bị đầu độc. Ảnh: Sun.

Được cho là người có tầm quan trọng lớn nhất trong 4 điệp viên, Skripal được cấp quy chế tị nạn ở Anh, được trao giấy tờ tùy thân cùng một ngôi nhà và được hưởng trợ cấp.

Cựu đại tá tình báo này sống âm thầm ở nước Anh, nhưng vẫn giữ lại tên họ cũ, địa chỉ ngôi nhà của ông ở Salisbury cũng xuất hiện trên các thông tin công khai. Yulia, con gái ông, vẫn sống ở Moscow và gần đây đáp chuyến bay đến Anh để thăm bố.

Khi phát hiện hai bố con bất tỉnh trên băng ghế bên ngoài khu mua sắm Salisbury hôm chủ nhật, người dân Anh đã thông báo cho cảnh sát. Hai người được đưa vào bệnh viện và đang phải chiến đấu để giành giật sự sống, trong khi nhân viên cứu thương đầu tiên tiếp cận hiện trường cũng đang nguy kịch.

Vụ việc lập tức làm chấn động dư luận Anh, đặc biệt là trong bối cảnh quan hệ giữa Anh và Nga vẫn đang căng thẳng sau vụ đầu độc cựu điệp viên KGB Alexander Litvinenko ở London năm 2006. Litvinenko ốm nặng sau khi uống tách trà có chứa chất phóng xạ poloni-210 vào tháng 11/2006 và qua đời ba tuần sau đó. Các điều tra viên của Anh cho rằng Litvinenko đã bị điệp viên Nga đầu độc theo mệnh lệnh được ông Putin phê chuẩn. Moscow bác bỏ cáo buộc này.

Cuộc điều tra của cảnh sát Anh trong vụ bố con Skripal bị đầu độc đã kéo dài sang ngày thứ tư, nhưng vẫn chưa có kết luận cuối cùng được đưa ra. Báo chí Anh thì cho rằng cựu đại tá này bị điệp viên Nga ám sát bằng một loại thuốc diệt chuột "hiếm và không để lại dấu vết", theo Sun.

Ngoại trưởng Anh Boris Johnson thì cảnh báo nước này "sẽ dùng tới bất cứ biện pháp nào được cho là cần thiết" và thậm chí đe dọa rút khỏi World Cup 2018 tổ chức ở Nga nếu phát hiện Moscow có liên quan đến vụ đầu độc Skripal.

Tuy nhiên, bình luận viên Leonid Bershidsky cho rằng ngay cả khi cảnh sát Anh tìm ra chất độc khiến bố con Skripal nguy kịch, họ vẫn có thể không bao giờ tìm ra ai đã làm việc đó. Ông cũng chỉ ra rằng tình báo Nga từ trước tới nay luôn tuân thủ luật chơi "bất thành văn" là không nhắm vào các điệp viên được trao đổi với phương Tây, cũng như người thân của họ.

Theo Bershidsky, trong trường hợp điệp viên Nga đã thực hiện vụ ám sát Skripal, điều đó chứng tỏ luật chơi vốn được duy trì từ thời Chiến tranh Lạnh đã thay đổi và Moscow có thể muốn phát đi thông điệp rằng họ sẽ không tha thứ cho bất cứ ai đã hoặc đang làm việc cho tình báo phương Tây phản bội lại lợi ích của đất nước.

Theo Trí Dũng (VnExpress.net)