Thế giới

Hành trình hướng tới gác lại 'bảo kiếm hộ quốc' của Kim Jong-un

Lãnh đạo Triều Tiên được cho là động lực chính trên con đường đàm phán phi hạt nhân hóa với Mỹ trong 5 năm qua.

Hành trình hướng tới gác lại 'bảo kiếm hộ quốc' của Kim Jong-un
Ông Kim Jong-un quan sát một vụ phóng thử tên lửa Triều Tiên năm 2017. Ảnh: KCNA.

Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa được các nghị sĩ đảng Cộng hòa đề cử giải Nobel Hòa bình vì những nỗ lực của ông trong việc đàm phán với Triều Tiên. Tuy nhiên, bình luận viên David Ignatius của Washington Post cho rằng chính lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un mới là người chủ động xây dựng đề xuất phi hạt nhân hóa và hướng tới đàm phán với Mỹ từ cách đây nhiều năm.

Bán đảo Triều Tiên gần đây chứng kiến những biến chuyển chưa từng có, khi Trump và Kim Jong-un chuẩn bị cho cuộc gặp thượng đỉnh đầu tiên trong lịch sử giữa lãnh đạo đương chức hai nước. Đã có những thông tin về việc Triều Tiên sẽ sớm trả tự do cho ba tù nhân Mỹ và bắt đầu quá trình đóng cửa bãi thử hạt nhân Punggye-ri theo cam kết của ông Kim.

Ignatius cho rằng bán đảo Triều Tiên để đạt được tình hình như hiện nay đã phải trải qua một hành trình phức tạp, trong đó ông Kim Jong-un dường như là động lực chính chứ không phải Trump.

Kể từ khi lên nắm quyền, lãnh đạo trẻ tuổi của Triều Tiên đã đưa ra chiến lược "đường lối byungjin", hay "kinh tế và quốc phòng cùng tiến", nhằm giúp nước này vừa sở hữu vũ khí hạt nhân có thể vươn tới lãnh thổ Mỹ, vừa tạo nền tảng cho các cải cách kinh tế quan trọng.

Robert Carlin, cựu nhân viên CIA và chuyên gia phân tích của Bộ Ngoại giao Mỹ, người đã tới Bình Nhưỡng hơn 30 lần kể từ năm 1996 và đang giảng dạy tại Đại học Stanford, cho biết dù tìm kiếm khả năng răn đe hạt nhân bằng quyết tâm gần như liều lĩnh, Kim Jong-un từng công khai đề cập tới khả năng phi hạt nhân hóa từ 5 năm trước, trong tuyên bố được Ủy ban Quốc phòng Triều Tiên (NDC) đưa ra vào ngày 16/6/2013.

Dù tuyên bố này vẫn sử dụng những ngôn từ mạnh thường thấy, chẳng hạn như gọi Mỹ là "kẻ gieo rắc chiến tranh", nó lại chứa đựng thông điệp đáng chú ý: "Việc phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên là mệnh lệnh của lãnh đạo chúng tôi" và quá trình này "phải được thực hiện mà không được phép thất bại". Tuyên bố cũng đề nghị tổ chức "các cuộc hội đàm cấp cao giữa Triều Tiên và Mỹ nhằm thiết lập hòa bình và an ninh trong khu vực".

Để củng cố cho thông điệp này, một quan chức Triều Tiên vài tuần sau nói riêng với các đầu mối Mỹ rằng "cơ sở cho chính sách mới trong tuyên bố của NDC là lập trường cá nhân mang tính tích cực của Kim Jong-un nhằm cải thiện quan hệ với Mỹ", theo biên bản được giải mật ghi lại cuộc trao đổi.

Carlin cho rằng đây là cách Kim Jong-un để ngỏ khả năng hướng tới đàm phán trong khi vẫn nỗ lực sở hữu vũ khí hạt nhân làm "bảo kiếm hộ quốc". Triều Tiên từng nhiều lần tuyên bố rằng chỉ có vũ khí hạt nhân mới có thể bảo vệ nước này trước bất cứ âm mưu xâm lược nào của Mỹ.

Hành trình hướng tới gác lại 'bảo kiếm hộ quốc' của Kim Jong-un - 1
Kim Jong-un và các tướng quân đội Triều Tiên vui mừng sau một vụ thử tên lửa thành công. Ảnh: KCNA.

Tuy nhiên, Mỹ thời điểm đó đã không chú ý đến thông điệp này, bởi ông Kim cũng từng tuyên bố rằng Triều Tiên chưa sẵn sàng thảo luận về phi hạt nhân hóa. Bình Nhưỡng lúc đó cũng gặp một số trở ngại trong chương trình tên lửa, hạt nhân của mình và chưa chế tạo thành công tên lửa đạn đạo xuyên lục địa cũng như thu nhỏ đầu đạn hạt nhân.

Thông điệp phi hạt nhân hóa một lần nữa được Triều Tiên đưa ra vào tháng 6/2016, khi một phát ngôn viên của Bình Nhưỡng tuyên bố chính sách này được kế thừa từ các cố lãnh đạo. "Việc phi hạt nhân hóa bán đảo là ý chí của lãnh tụ Kim Nhật Thành và Kim Jong-il cũng như quyết tâm kiên định của đảng, quân đội và nhân dân", tuyên bố có đoạn.

Trong khi Mỹ bận rộn cho cuộc bầu cử tổng thống, Triều Tiên tăng tốc chương trình nghiên cứu tên lửa, hạt nhân và đạt được những bước ngoặt quan trọng. Sau khi Trump nhậm chức, Triều Tiên tiến hành một loạt vụ thử hạt nhân và phóng tên lửa, bất chấp những lời đe dọa "lửa và thịnh nộ" của Trump.

Sau lần phóng thử tên lửa vào cuối tháng 11 năm ngoái, Kim Jong-un tuyên bố Triều Tiên "tự hào trở thành quốc gia hạt nhân". Một tháng sau, trong thông điệp mừng năm mới, lãnh đạo này khẳng định "nút bấm hạt nhân lúc nào cũng ở trên bàn làm việc" có thể kích hoạt đòn tấn công hủy diệt nhắm vào toàn bộ lãnh thổ nước Mỹ.

Sau tuyên bố "nhiệm vụ hoàn thành" đó, Kim Jong-un ngoặt sang con đường ngoại giao nhanh chóng đến ngạc nhiên, khi nhấn mạnh ông muốn "xây dựng một đất nước thịnh vượng" và bắt đầu hướng tới con đường hòa giải với Hàn Quốc. Hồi tháng 4, ông khẳng định "đường lối byungjin đã hoàn thành" và Triều Tiên sẽ chuyển sang chiến lược mới tập trung vào phát triển kinh tế.

Lãnh đạo Triều Tiên khởi đầu bằng đề xuất đưa đoàn vận động viên tới dự Olympic Mùa đông ở Hàn Quốc nhằm "giảm căng thẳng quân sự" và "tạo ra môi trường hòa bình trên bán đảo". Đây là sự kiện mở đầu cho hàng loạt cuộc gặp, các biện pháp xây dựng lòng tin, những lời hứa công khai về phi hạt nhân hóa và hành trình dẫn tới cuộc gặp thượng đỉnh Trump – Kim rất được mong đợi.

Nhiều chuyên gia phân tích tin rằng với lộ trình đã được vạch ra như vậy, Kim Jong-un vẫn sẽ hướng tới con đường đàm phán để xây dựng đất nước sau khi sở hữu vũ khí hạt nhân, dù tổng thống Mỹ là Trump hay bất kỳ ai khác.

Tất nhiên không ai có thể phủ nhận được chiến lược sẵn sàng đối đầu và gây áp lực tối đa của Trump đã thúc đẩy và mở ra cơ hội cho hướng tiếp cận ngoại giao trong khủng hoảng, theo Ignatius. Việc chấp nhận lời mời gặp của Kim Jong-un cũng được coi là quyết định đầy bất ngờ của Trump, điều mà các tổng thống Mỹ khác chưa chắc đã làm được.

"Kim Jong-un giống như một ảo thuật gia nói cho mọi người biết ông sẽ làm gì, sau đó thực hiện nó ngay trước mắt họ, khiến họ ngỡ ngàng và tìm cách phỏng đoán bí mật", Ignatius nhận định. "Trump luôn tự hào mình là một nhà đàm phán tài giỏi, quyết liệt, nhưng có vẻ như ông đã gặp đối thủ xứng tầm đến từ Bình Nhưỡng".

Theo Bình An (VnExpress.net)