Thế giới

Hàng loạt quan chức TQ bị xử lý vì vụ bê bối vắc-xin

Hàng chục quan chức Trung Quốc có liên quan tới vụ bê bối vắc-xin gần đây đã bị xử lý, trong đó có 7 quan chức cấp bộ, tỉnh.

Theo báo chí Trung Quốc, 7 quan chức cao cấp bị xử lý với các mức độ khác nhau. Cụ thể, cách chức Phó tỉnh trưởng Cát Lâm Kim Dục Huy; buộc từ chức Phó chủ tịch Chính Hiệp tỉnh Lý Tấn Tu; yêu cầu tự xin từ chức đối với các ông Lưu Trường Long, Thị trưởng Trường Xuân và Tất Tỉnh Tuyền, Phó tổng cục trưởng quản lý giám sát thị trường; yêu cầu kiểm điểm Khương Trị Oanh, Ủy viên thường vụ tỉnh ủy Cát Lâm và Tiêu Hồng, Cục trưởng Quản lý giám sát dược phẩm quốc gia. 

Hàng loạt quan chức TQ bị xử lý vì vụ bê bối vắc-xin
Ông Tất Tỉnh Tuyền

Ngoài ra, 35 cán bộ không thuộc diện trung ương quản lý cũng bị yêu cầu xử lý theo phân cấp. Nguyên Phó tổng cục trưởng Tổng cục quản lý - giám sát Thực phẩm và Dược phẩm Ngô Trinh cũng sẽ bị điều tra. Tỉnh ủy, chính quyền tỉnh Cát Lâm, Cục Quản lý giám sát dược phẩm quốc gia phải kiểm điểm sâu sắc trước Trung ương và Quốc Vụ viện.

Điều đáng chú ý là, trong số 7 quan chức cấp cao bị xử lý có ông Tất Tỉnh Tuyền là Ủy viên trung ương Đảng được bầu tại Đại hội 19.

Tất Tỉnh Tuyền sinh năm 1955, có thời gian dài làm việc tại Cục Vật giá quốc gia, Ủy ban Kế hoạch nhà nước, Ủy ban Kế hoạch phát triển quốc gia. Năm 2008, ông này được điều từ Phó chủ nhiệm Ủy ban Cải cách và phát triển quốc gia lên làm Phó Tổng thư ký Quốc Vụ viện. Năm 2015, ông Tuyền là Bí thư, Tổng cục trưởng Quản lý giám sát thực phẩm, dược phẩm quốc gia. Sau khi cải cách cơ cấu nhà nước, ông được điều về làm Phó tổng cục trưởng quản lý giám sát thị trường quốc gia.

Sau khi xảy ra vụ bê bối vắc-xin ở công ty Trường Sinh, ngày 23/7, Quốc Vụ viện đã cử tổ điều tra về Cát Lâm, Tất Tỉnh Tuyền được giao làm tổ trưởng.

Vụ bê bối bắt đầu với việc hôm 15/7/2018, công ty Trường Sinh bị nhà chức trách ra lệnh đình chỉ sản xuất, vì hành vi làm hồ sơ giả khi sản xuất vắc-xin phòng dại. Vài ngày sau, công ty này lại bị phát hiện đã sử dụng trứng gà thải loại để bào chế vắc-xin. Hàng loạt thông tin xuất hiện sau đó, trong đó có việc gần 500 nghìn liều vắc-xin DPT “3 trong 1” do Trường Sinh sản xuất không đạt quy cách được tiêu thụ tới các tỉnh Sơn Đông và An Huy, trong đó hầu hết đã được tiêm cho trẻ em, chỉ còn lại trong kho hơn 15.000 liều.

Mặc dù Cục Quản lý giám sát dược phẩm tỉnh Cát Lâm đã lập hồ sơ điều tra từ tháng 10/2017, nhưng mãi đến tháng 7/2018, công ty Trường Sinh mới bị xử phạt.

Theo Ngô Tuyết (VietNamNet)