Thế giới

Hàng loạt người xin tị nạn ở Australia tự tử vì tuyệt vọng sau bầu cử

Việc liên minh có thiên hướng bảo thủ của Thủ tướng Morrison giành chiến thắng bất ngờ trong cuộc bầu cử vừa qua dẫn tới dự đoán Canberra sẽ tiếp tục siết chặt chính sách nhập cư.

Việc liên minh có thiên hướng bảo thủ của Thủ tướng Morrison giành chiến thắng bất ngờ trong cuộc bầu cử vừa qua dẫn tới dự đoán Canberra sẽ tiếp tục siết chặt chính sách nhập cư.

Theo Al Jazeera, những người xin tị nạn vào Australia, vốn đang bị giữ ở các trung tâm trên đảo Manus của Papua New Guinea, hết sức thất vọng với kết quả bầu cử. Ít nhất 10 người đã tự tử hoặc có hành động tự hủy hoại bản thân sau khi liên minh hai đảng có xu hướng bảo thủ giành chiến thắng.

Trong 6 năm qua, chính quyền Australia đã đưa những người cố gắng nhập cư bằng đường biển vào trung tâm tị nạn trên các đảo hẻo lánh ở Manus và Nauru. Thời gian lưu giữ không được xác định và những người này cũng không biết mình có cơ hội đặt chân lên Australia hay không.

Hàng loạt người xin tị nạn ở Australia tự tử vì tuyệt vọng sau bầu cử
Thủ tướng Scott Morrison và gia đình ăn mừng chiến thắng của liên minh đảng Tự do - Quốc gia sau cuộc bầu cử vừa qua. 

Đối với rất nhiều người trong số 900 người đang sống trong điều kiện chật chội trên những hòn đảo này, hy vọng duy nhất của họ là một chính phủ có khuynh hướng tự do hơn lên cầm quyền ở Australia, nới lỏng chính sách nhập cư đang rất cứng rắn của Canberra ở thời điểm này.

Nhưng Công đảng Australia đã thất bại trong cuộc bầu cử vừa qua khi chỉ giành được 67 ghế ở quốc hội, trong khi liên minh 2 đảng Tự do - Quốc gia của Thủ tướng Scott Morrison giành được 78 ghế, nhiều hơn 2 ghế so với yêu cầu tối thiểu để thành lập chính phủ đa số.

Behrouz Boochani, nhà báo người Iran gốc Kurd và đã bị giữ trên đảo Manus từ năm 2013, chia sẻ với Al Jazeera rằng 10 người đã cố gắng tự tử bằng cách treo cổ hoặc tự hủy hoại mình bằng nhiều cách khác nhau, kể cả tự rạch cơ thể bằng dao lam.

Một số đã được đưa đến trung tâm y tế địa phương, nơi mà ông Boochani mô tả là "không phải một bệnh viện thực sự, thiếu các trang thiết bị cần thiết".

Hai nạn nhân nặng hơn đã được chuyển tới điều trị tại thủ đô Port Moresby, những người này sẽ được chuyển trở về đảo Manus sau khi điều trị xong. Họ cũng đã cố gắng tự tử trước khi cuộc bầu cử diễn ra, nhà báo Boochani cho biết.

"Cú sốc lớn"

Chính Thủ tướng Morrison là người nổi lên với chính sách siết chặt biên giới Australia hồi năm 2013, khi ông còn là bộ trưởng nhập cư, bằng cách giữ những người xin tị nạn ở các hòn đảo hẻo lánh trên Thái Bình Dương. Từ khi lên làm thủ tướng hồi tháng 8/2018, ông đã hứa sẽ hủy bỏ đạo luật được mới được thông qua gần đây - luật Medevac - cho phép những người bị giữ trên các hòn đảo được đưa đến Australia điều trị y tế trong trường hợp khẩn cấp.

Papua New Guinea vẫn là một trong những quốc gia nghèo nhất châu Á - Thái Bình Dương. An ninh lỏng lẻo, cơ sở y tế thiếu trang thiết bị và người dân địa phương thì tỏ rõ thái độ không chào đón với người tị nạn.

Hàng loạt người xin tị nạn ở Australia tự tử vì tuyệt vọng sau bầu cử - 1
Vị trí 2 đảo Manus và Nauru, nơi chính phủ Australia xây dựng các trung tâm lưu giữ người tị nạn. Canberra không xác định thời hạn nào để họ có thể đặt chân lên Australia. Đồ họa: BBC.

"Khi chúng tôi nghe tin chính phủ hiện tại giành chiến thắng trong cuộc bầu cử, đó là một cú sốc lớn", anh Shamindan, một người tị nạn từ Sri Lanka đang sống trên đảo Manus, nói với Al Jazeera. Kể từ hôm 18/5 khi kết quả bầu cử sơ bộ được công bố, vài người đã tự tử hoặc tự hủy hoại bản thân bằng cách "cắt tay, cố tình uống thuốc quá liều, tự thiêu hoặc treo cổ", Shamindan cho biết.

Đã có 24 cái chết diễn ra trong các trung tâm lưu giữ người tị nạn bên ngoài biên giới Australia kể từ năm 2010, theo các tổ chức xã hội. 14 trong số này được xác định là tự tử, và hơn nửa số trường hợp diễn ra với những người bị giữ trên đảo Manus và Nauru.

"Chúng tôi từng hy vọng rằng nếu Công đảng lên nắm quyền, họ sẽ chấp nhận đề nghị của phía New Zealand. Cuộc bầu cử là cơ hội lớn nhất và cuối cùng của chúng tôi", nhà báo Boochani cho biết.

Chính quyền New Zealand trước đó đã vài lần đề xuất nhận 150 người tị nạn đang bị lưu giữ trên đảo Manus và Nauru mỗi năm, tuy nhiên Canberra từ chối vì cho rằng nó có thể tạo ra "cửa sau" để những người tị nạn đi vào Australia. Hiện tại tất cả các công dân New Zealand đều có thể sống và làm việc ở Australia mà không cần visa. Công đảng Australia cam kết sẽ xem xét đề xuất này nếu họ lên nắm quyền.

"Đó là trách nhiệm của Papua New Guinea"

Khi được hỏi về những nỗ lực tự tử, người phát ngôn của Bộ Nội vụ Australia cho rằng sự an toàn của những người trên đảo Manus là trách nhiệm của chính phủ Papua New Guinea.

"Bộ Nội vụ thực hiện nghiêm túc vai trò của mình trong việc hỗ trợ chính phủ Papua New Guinea để đảm bảo người tị nạn và người xin tị nạn không được chấp nhận được sắp xếp và cung cấp một loạt các dịch vụ y tế, phúc lợi và hỗ trợ. Điều này không hề thay đổi", người phát ngôn cho biết.

Theo một thỏa thuận được ký giữa hai nước vào năm 2016 dưới thời cựu Tổng thổng Obama, Mỹ đồng ý xem xét tiếp nhận những người tị nạn trên các hòn đảo, cũng như những người được chuyển đến Australia để điều trị y tế.

Tới nay, Mỹ đã tiếp nhận vài trăm người trên hạn ngạch 1.250 người tị nạn trong thỏa thuận, thứ mà ông Trump gọi là "thỏa thuận ngu ngốc".

Chính sách lưu giữ người tựu nạn bên ngoài biên giới và từ chối tiếp nhận thuyền chở người tị nạn đã tiêu tốn của chính phủ Australia 6,6 tỷ USD trong giai đoạn 2013-2016. Liên Hợp Quốc và các tổ chức nhân quyền đã lên án chính sách này.

Hàng loạt người xin tị nạn ở Australia tự tử vì tuyệt vọng sau bầu cử - 2
Một cơ sở dành cho những người xin tị nạn vào Australia trên đảo Manus, họ đối mặt với khung cảnh hoang vắng và không được chào đón bởi người dân bản địa. Ảnh: AP.

"Australia vẫn có nghĩa vụ chăm sóc cho những người này. Chính phủ Australia đã đưa họ tới đây, trong điều kiện khiến họ mắc phải những vấn đề sức khỏe nghiêm trọng", bà Elaine Pearson, giám đốc Tổ chức Theo dõi Nhân quyền tại Australia, nhận định.

Khoảng 80% số người tị nạn bị lưu giữ trên các hòn đảo đều bị suy giảm sức khỏe tâm thần nghiêm trọng, và không thể tiếp cận sự trợ giúp về mặt tâm lý, bà Pearson nói thêm.

Chính quyền Thủ tướng Morrison tuyên bố đạo luật Medivac không cho phép cơ quan chức năng đưa những người tị nạn trở lại đảo Manus hoặc Nauru sau khi được điều trị y tế trên đất Australia. Trong khi đó, các chuyên gia pháp lý và Công đảng đối lập tuyên bố Medivac không ảnh hưởng gì tới việc này.

"Chúng tôi không muốn đến Australia", nhà báo Boochani cho biết. Cuốn tự truyện của ông về thời gian bị lưu giữ ở Manus, với tên gọi No Friend but the Moutains, đã đoạt giải thưởng văn học danh tiếng nhất Australia đầu năm nay.

"Chỉ có sự tự do mới có thể giúp đỡ những người này, bởi vì nhiều người đã bị chia cách khỏi gia đình họ trong 6 năm rồi. Chẳng có gì khác có thể làm họ vui", ông Boochani nói.

Theo Sơn Trần (Tri Thức Trực Tuyến)