Thế giới

Hàn Quốc: Triều Tiên nhượng bộ, không yêu cầu Mỹ rút khỏi Hàn Quốc

Trước thềm các cuộc đàm phán với Hàn Quốc và Mỹ, Triều Tiên không còn yêu cầu Mỹ phải rút quân khỏi Hàn Quốc như mọi khi. Nhượng bộ lớn này có thể giúp các bên dễ đạt thỏa thuận.

Triều Tiên đã cam kết “phi hạt nhân hóa hoàn toàn” bán đảo Triều Tiên mà không đưa ra điều kiện gì, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in nói ngày 19/4.

Sự thay đổi lập trường này diễn ra trước thềm hội nghị thượng đỉnh liên Triều ngày 27/4 và cuộc gặp giữa lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un và Tổng thống Mỹ Donald Trump, dự kiến vào tháng 5 tới.

“Họ không hề kèm theo điều kiện gì mà phía Mỹ không thể chấp nhận, như rút quân Mỹ khỏi Hàn Quốc. Họ chỉ nói về việc chấm dứt các chính sách thù địch chống lại Triều Tiên, và bảo đảm an ninh”, ông Moon nói trong một bữa trưa với lãnh đạo các hãng truyền thông Hàn Quốc, theo Reuters.

Đàm phán Mỹ - Triều dễ dàng hơn?

Trong nhiều năm, Triều Tiên luôn nói nước này sẽ xem xét từ bỏ vũ khí hạt nhân, nếu Mỹ rút quân khỏi Hàn Quốc và gỡ bỏ dàn vũ khí hạt nhân khỏi khu vực.

Bình Nhưỡng trước nay luôn lên án chính sách thù địch của Washington đã buộc họ phải theo đuổi chương trình hạt nhân và tên lửa bất chấp các nghị quyết của Liên Hợp Quốc. Mỹ hiện đóng 28.500 quân ở Hàn Quốc và liên quân Mỹ - Hàn tiến hành tập trận thường kỳ bất chấp sự lên án của Triều Tiên.

Hàn Quốc: Triều Tiên nhượng bộ, không yêu cầu Mỹ rút khỏi Hàn Quốc
Dàn phóng tên lửa đi qua quảng trường Kim Nhật Thành ở Bình Nhưỡng.

New York Times nhận định sự nhượng bộ mới nhất này, nếu được Bình Nhưỡng xác nhận, sẽ thay đổi chiến lược của Mỹ và khiến 2 nước dễ đi đến thỏa thuận hơn.

Trước đó, Tổng thống Trump nói “mối quan hệ tốt đang hình thành” với Triều Tiên sau khi cử Mike Pompeo, giám đốc CIA và đang được đề cử làm ngoại trưởng mới, đến Bình Nhưỡng đầu tháng 4 để gặp lãnh đạo nước này.

Mặc dù vậy, ông Trump cũng nói sẵn sàng bỏ cuộc gặp sắp tới nếu “không thấy có kết quả” và sẽ tiếp tục chiến dịch trừng phạt “gây sức ép tối đa” lên Triều Tiên.

Ông Moon cũng nói ông đã thấy viễn cảnh về một hiệp định hòa bình, thậm chí là viện trợ quốc tế cho Triều Tiên, nếu nước này chấp nhận phi hạt nhân hóa. Nhưng ông cũng nói hội nghị thượng đỉnh liên Triều có “nhiều giới hạn”. Hai miền khó đạt nhiều tiến bộ chừng nào cuộc gặp Mỹ - Triều chưa diễn ra, cũng như không thể đi đến thỏa thuận nào trái với các lệnh trừng phạt quốc tế.

Ông nói hội nghị này cần phải có khởi đầu tốt, và “đối thoại phải tiếp tục sau khi có kết quả của hội nghị Mỹ - Triều”.

Hàn Quốc: Triều Tiên nhượng bộ, không yêu cầu Mỹ rút khỏi Hàn Quốc - 1
Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và vợ Ri Sol-ju chụp ảnh cùng các nghệ sĩ Hàn Quốc đến Bình Nhưỡng để biểu diễn một buổi hòa nhạc hiếm hoi giữa 2 nước ngày 1/4. Ảnh: KCNA/Getty Images.

“Bảo đảm an ninh” để tạo lòng tin với Bình Nhưỡng

New York Times nhận định lập trường mới của Triều Tiên thật ra không quá bất ngờ. Chính lãnh đạo Kim Jong Un đã nói với phái đoàn Hàn Quốc trong cuộc gặp tháng trước ở Bình Nhưỡng rằng nước này sẽ không cần vũ khí hạt nhân nếu có “bảo đảm an ninh”.

Trong quá khứ, lãnh đạo Triều Tiên cũng từng nói với các phái đoàn Mỹ và Hàn Quốc họ có thể chấp nhận sự hiện diện quân sự của Mỹ ở Hàn Quốc “vì sự ổn định vùng Đông Bắc Á”, nếu Washington bình thường hóa quan hệ với Bình Nhưỡng.

“Quân đội Mỹ ở lại với tư cách lực lượng gìn giữ hòa bình, thay vì đối đầu với Triều Tiên, cũng là một điều tốt”, lãnh đạo quá cố Kim Jong Il nói với Tổng thống Hàn Quốc Kim Dae Jung năm 2000, theo New York Times.

Hàn Quốc: Triều Tiên nhượng bộ, không yêu cầu Mỹ rút khỏi Hàn Quốc - 2
Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un bắt tay với phái đoàn của Hàn Quốc tới thăm Bình Nhưỡng ngày 6/3/2018. Ảnh: KCNA/Reuters.

Ông Moon nói trong các hội nghị sắp tới với Triều Tiên, “sẽ không khó” để Hàn Quốc và Mỹ đạt được “thỏa thuận chung về mặt nguyên tắc” cho việc phi hạt nhân hóa và chấm dứt thù địch. Tuy nhiên, “cái khó nhất là khi đi vào cụ thể”, tổng thống Hàn Quốc nhận xét.

New York Times cho biết các nước sẽ gặp phải những bước đàm phán cam go về chương trình hạt nhân của Triều Tiên, cũng như về các gói viện trợ kinh tế mà Mỹ đưa ra.

Các thỏa thuận trong quá khứ đều tan rã khi các bên tranh cãi về cách thức thanh sát cam kết từ bỏ vũ khí hạt nhân của Triều Tiên.

Seoul và Bình Nhưỡng cũng sẽ thiết lập đường dây nóng giữa lãnh đạo 2 miền sau hội nghị thượng đỉnh ngày 27/4, phát ngôn viên của tổng thống Hàn Quốc cho biết.

Theo Trọng Thuấn (Tri Thức Trực Tuyến)