Thế giới

Hải quân Mỹ gấp rút lắp đặt tên lửa tối tân cho chiến hạm

Các chiến hạm tác chiến ven biển sẽ sớm có tên lửa chống hạm mới để hoạt động trong vùng chống xâm nhập của đối phương.

Hải quân Mỹ gấp rút lắp đặt tên lửa tối tân cho chiến hạm
Tên lửa Naval Strike Missile sẽ sớm được lắp đặt trên các chiến hạm Mỹ. Ảnh: Kongsberg.

Hải quân Mỹ đang đẩy nhanh việc triển khai tên lửa chống hạm vượt đường chân trời mới cho chiến hạm tác chiến ven biển (LCS) vào cuối năm 2019, sớm hơn vài tháng so với thời điểm dự tính trước đó. Tên lửa được chọn là Naval Strike Missile (NSM) do Kongsberg và Raytheon hợp tác sản xuất, cung cấp hỏa lực cần thiết để các tàu LCS hoạt động trong vùng chống xâm nhập do Trung Quốc hay Nga thiết lập, Defense News đưa tin.

"Theo hợp đồng trang bị tên lửa vượt đường chân trời cho tàu LCS ban đầu, tiến độ lắp đặt là hai năm. Song hiện chúng tôi làm việc với hải quân Mỹ để hỗ trợ tăng tốc độ triển khai các tàu LCS, dự kiến trong khoảng sáu tháng cuối năm 2019", theo Octavio Babuca, người phụ trách phát triển kinh doanh tên lửa NSM.

Tên lửa NSM có trọng lượng 410 kg với đầu nổ 125 kg, được đưa vào biên chế trong hải quân một số nước từ năm 2012. NSM có tầm bắn 185 km, phiên bản đa nhiệm Joint Strike Missile (JSM) có tầm bắn lên tới 555 km.

Các chuyên gia và kỹ sư hiện đang gấp rút hoàn thiện nghiên cứu lắp đặt NSM lên USS Detroit (LCS-7), việc lắp đặt sẽ bắt đầu ngay sau khi có quyết định từ hải quân Mỹ. Việc đẩy nhanh tiến độ lắp đặt tên lửa mới cho các tàu LCS diễn ra trong bối cảnh hải quân Mỹ tái triển khai chương trình LCS sau khoảng thời gian gián đoạn vì hàng loạt sự cố.

Ngoài các tàu LCS, tên lửa NSM có thể được lắp đặt cho hộ vệ hạm FFG (X) - những chiến hạm mới sẽ thay thế vai trò của hộ vệ hạm lớp Oliver Hazard Perry vốn bị loại biên từ năm 2015.

Theo Nguyễn Tiến (VnExpress.net)