Thế giới

Hai anh em người Việt là trùm đường dây buôn lậu động vật hoang dã toàn cầu

Trong một cuộc điều tra độc lập của tờ The Guardian, đã chỉ ra hai anh em sinh đôi người Việt, hiện đang sống tại Thái Lan là trùm của một đường dây buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp toàn cầu.

Trong một cuộc điều tra độc lập của tờ The Guardian, đã chỉ ra hai anh em sinh đôi người Việt, hiện đang sống tại Thái Lan là trùm của một đường dây buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp toàn cầu.
 

Theo The Guardian, một nhóm tội phạm quốc tế, cho biết có hai ông trùm anh em sinh đôi người Việt đã giết hại hàng ngàn thú hoang dã mỗi năm, đe dọa làm tuyệt chủng các loài động vật đang nguy cấp như hổ, voi và tê giác.

Tờ báo Anh cũng tìm ra đường dây này có liên kết thương mại bất hợp pháp với các quan chức tham nhũng của một số quốc gia châu Á.

Bọn buôn lậu sẽ đưa ngà voi, thịt hổ, sừng tê giác di chuyển từ châu Phi, bằng nhiều con đường lắt léo để đến điểm cuối cùng là Trung Quốc, nơi những món hàng phi pháp này sẽ được bào chế thành thuốc đông y.

Theo Freeland, một nhóm điều tra độc lập về tình hình buôn bán động vật hoang dã toàn cầu thì do không có một nỗ lực hành động ở cấp độ quốc tế mà nạn buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp vẫn diễn ra nghiêm trọng.

Nhóm điều tra đã cung cấp thông tin họ thu thập được suốt 14 năm qua cho The Guardian. Cụ thể, tất cả các thông tin đều chỉ ra hai anh em sinh đôi người Việt tên Bach là nghi can chính kiểm soát toàn bộ tuyến đường buôn lậu động vật hoang dã.

Hiện 182 nước thành viên tham gia ký Công ước quốc tế về buôn bán các loài động, thực vật có nguy cơ bị tuyệt chủng (CITES) đang nhóm họp tại Johannesburg (Nam Phi) và tranh luận về tương lai của các loài động vật đang trên đà tuyệt chủng và xóa sổ ngành buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp.

Cứ khoảng 2-3 năm một lần các thành viên đã ký CITES sẽ nhóm họp để xem xét lại hiệp ước đã tồn tại 41 năm nay, chứa các điều khoản về hơn 5.600 loài động vật và 30.000 loài thực vật đang có nguy cơ bị tuyệt chủng trên toàn cầu.

Năm nay, chủ đề chính của cuộc họp là về tê giác và voi, khi hai loài động vật này đang bị săn bắn quá mức. Tuy nhiên, ngay khi cuộc họp bắt đầu hôm 24.9, hàng trăm người biểu tình đã tập trung ở Johannesburg để phản đối một đề xuất của Zimbabwe và Namibia về việc hợp pháp hóa việc mua bán ngà voi. Swaziland còn đi xa hơn khi đề xuất cho phép mua bán hợp pháp sừng tê giác.

Nước chủ nhà của Hội nghị là Nam Phi ủng hộ cả hai đề xuất và lập luận rằng mua bán hợp pháp các mặt hàng đó có thể mang lại lợi ích cho những nỗ lực bảo tồn và giúp nền kinh tế. Đa số các nước ký kết SITES phản đối đề xuất mới của các nước châu phi.

Buôn lậu động vật hoang dã mang lại lợi nhuận lên tới 23 tỉ USD mỗi năm. Đây là ngành "công nghiệp đen" lớn thứ 4, sau buôn ma túy, buôn người và buôn lậu vũ khí. Nhưng trái ngược với mức độ nguy hiểm của loại hình kinh doanh đen này, các chế tài với nó gần như không hiệu quả.

Nhiều loài động vật mang tính biểu tượng đã gần như bị tuyệt chủng ngoài thiên nhiên. Hiện chỉ còn khoảng 30.000 con tê giác, bằng 5% số cá thể cách đây 40 năm. Mỗi năm lại có khoảng 1.000 con tê giác bị những kẻ săn trộm giết hại. Số lượng hổ hoang dã còn bi thảm hơn, khi chỉ còn khoảng 3.500 cá thể.

Trong khi đó, loài voi là loài bị săn bắt nhiều nhất với khoảng 20.000 cá thể bị giết để lấy ngà mỗi năm. Những loài động vật nhỏ khác như tê tê, rùa, trăn, linh dương và chim cũng đang suy giảm số lượng nhanh chóng do bị con người săn bắt.

Theo Freeland, cùng với các tài liệu của cảnh sát, anh em Bach đã giảm hoạt động kinh doanh bắt động vật hoang dã bất hợp pháp trong suốt 3 năm qua. Vai trò của anh em Bach trong đường dây buôn bán động vật hoang dã toàn cầu hiện chưa được đưa ra ánh sáng.

Hai anh em này được biết là điều hành công việc kinh doanh của mình ở một thị trấn vùng biên giữa Thái Lan và Lào. Hai anh em nổi tiếng ở địa phương trên với hàng loạt hoạt động buôn bán bất hợp pháp, như buôn lậu xe. Tuy nhiên, hai ông trùm gốc Việt còn có những hoạt động kinh doanh hoàn toàn hợp pháp như buôn bán nông sản, lâm sản, vật liệu xây dựng, thiết bị điện, kinh doanh nhà hàng, khách sạn.

"Đại bản doanh" của hai anh em Bach là ở Nakhon Phanom, vùng nông thôn Thái Lan có đường biên giới chung với Lào. Tại đây, anh em Bach sở hữu rất nhiều tài sản, như kho bãi, bất động sản, nhiều chiếc xe sang. Nơi được coi là trụ sở của hai ông trùm gốc Việt được bảo vệ như là một pháo đài.

Trước đây, trùm buôn bán động vật hoang dã quốc tế được người ta biết đến nhiều nhất là Vixay Keosavang, một người Lào. Ông này đã dừng công việc phi pháp của mình từ năm 2014, khi chính phủ Mỹ trao thưởng cho ông 1 triệu USD để ông dừng việc kinh doanh của mình lại.

Theo Thiên Hà (Một Thế Giới)