Thế giới

GS. Carl Thayer chỉ rõ hành động nguy hiểm chưa từng có của TQ với tàu chiến Mỹ ở Biển Đông

Động thái của Trung Quốc rõ ràng có ý thể hiện nước này sẵn sàng làm mọi thứ để bảo vệ các yêu sách chủ quyền ngang ngược và phi lý của họ ở Biển Đông.

GS. Carl Thayer chỉ rõ hành động nguy hiểm chưa từng có của TQ với tàu chiến Mỹ ở Biển Đông
Tàu chiến Trung Quốc chỉ cách tàu khu trục Mỹ khoảng cách 40m. Ảnh: CNN.

Khi điều một tàu khu trục đối đầu với tàu chiến Mỹ ở Biển Đông hôm Chủ nhật, Trung Quốc đã đưa ra tuyên bố rõ ràng và có tính toán rằng, Bắc Kinh sẽ không nhún nhường trước những thách thức từ phía Washington.

Sự việc xảy ra khi tài khu trục lớp Luyang của Trung Quốc chỉ cách tàu khu trục Mỹ USS Decatur khoảng 41m khi tàu này đang tiến hành tuần tra ở gần đá Gaven thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Washington đã mô tả hành động của phía tàu Trung Quốc và "thiếu an toàn và thiếu chuyên nghiệp".

"Theo các quy định thông thường nhằm đảm bảo an toàn hàng hải, không bao giờ các tàu lại áp sát nhau ở một khoảng cách gần như vậy", Collin Koh, nhà nghiên cứu Singapore nhận định.

"Hành động này của tàu chiến thuộc lực lượng Hải quân Trung Quốc là một hành động có tính toán và có chủ đích", nhà nghiên cứu Singapore khẳng định. Cũng theo ông Koh, Trung Quốc đã xây dựng năng lực hải quân vững vàng và sẵn sàng phô trương sức mạnh trong khu vực.

Việc tàu chiến Mỹ và Trung Quốc suýt va nhau ở gần đá Gaven diễn ra mặc dù hai nước đã ký kết một bộ quy tắc ứng xử phòng ngừa những va chạm bất ngờ trên biển năm 2014. 

Vụ va chạm chỉ được ngăn chặn khi tàu khu trục Mỹ USS Decatur chuyển hướng ra xa khỏi tàu Trung Quốc.

GS Carl Thayer, Đại học New South Wales, Australia cho biết, động thái của Trung Quốc rõ ràng có ý thể hiện nước này sẵn sàng làm mọi thứ để bảo vệ các yêu sách chủ quyền ngang ngược và phi lý của họ ở Biển Đông.

"Mọi cuộc tuần tra hoạt động tự do hàng hải đều bị các tàu và máy bay Trung Quốc yêu cầu rời khỏi khu vực nhưng chưa bao giờ áp sát gần hay có động thái nguy hiểm như vậy", ông Thayer nói.

Trung Quốc đang đưa ra tín hiệu rằng, "chúng tôi có chủ quyền" mặc dù không ai chấp nhận điều đó, GS Thayer cho hay.

Zhang Jie, một nhà nghiên cứu quan hệ quốc tế tại Học viện Khoa học xã hội Trung Quốc cho rằng, Trung Quốc phản ứng một cách hiếu chiến hơn bình thường có thể vì áp lực ngày càng tăng ở Biển Đông, không chỉ từ Mỹ mà còn từ Anh và Nhật Bản, các quốc gia cũng vừa có cuộc tập trận ở khu vực.

Trong bối cảnh căng thẳng có thể tiếp tục leo thang, CNN hôm 4/10 đã dẫn lời các quan chức quốc phòng Mỹ giấu tên cho biết, Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ đã lập kế hoạch biểu dương lực lượng lớn, nằm trong hoạt động tự do hàng hải ở Biển Đông và eo biển Đài Loan.

Kế hoạch dự thảo của Hải quân Mỹ đề xuất Hạm đội Thái Bình Dương Mỹ tiến hành một loạt hoạt động trong vòng 1 tuần lễ vào tháng 11.

Mục tiêu là tổ chức một loạt tập trận tập trung với các tàu chiến, máy bay chiến đấu và binh lính để thể hiện rằng Mỹ có thể đối phó với các đối thủ tiềm tàng một cách nhanh chóng trên vài mặt trận.

Trước sự việc này, với tư cách là quốc gia thành viên của Công ước Liên hợp quốc (LHQ) về Luật Biển 1982 và là quốc gia ven Biển Đông, Việt Nam luôn tôn trọng quyền tự do hàng hải, hàng không được thực hiện phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước LHQ về Luật Biển 1982.

Nhấn mạnh rằng, duy trì hòa bình ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông vừa là lợi ích vừa là nghĩa vụ trách nhiệm của các quốc gia trong và ngoài khu vực, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam cho rằng, các quốc gia nên có trách nhiệm đóng góp có xây dựng và tích cực cho mục tiêu chung trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế.

Theo Minh Khôi (Soha/Thời Đại)