Thế giới

Giám đốc truyền thông Nhà Trắng từ chức: 'Gục ngã' sau 9 tiếng điều trần về Nga ở Hạ viện?

Một trong số sự kiện nóng nhất tại Mỹ tuần qua có lẽ là tuyên bố từ chức của Giám đốc truyền thông Nhà Trắng xinh đẹp, cô Hope Hicks.

Giám đốc truyền thông Nhà Trắng từ chức: 'Gục ngã' sau 9 tiếng điều trần về Nga ở Hạ viện?
Ông Donald Trump trao đổi với Hope Hicks - quản lý truyền thông chiến dịch tranh cử của ông - vào tháng 1/2016 (Ảnh:Andrew Harnik/AP Photo)

Phụ tá thân cận và gắn bó lâu nhất với ông Trump

Bà Hope Hicks, cựu người mẫu thời trang 29 tuổi, bắt đầu làm việc cho ông Donald Trump trước khi vị tỷ phú bất động sản tuyên bố ứng cử tổng thống Mỹ và trở thành phụ tá đắc lực cho mọi vấn đề của tổng thống trong suốt ba năm qua.

Là cánh tay phải của Trump, Hicks có tầm ảnh hưởng lớn tại Washington D.C và được tổng thống đối xử giống như con gái nuôi. Người ta từng kì vọng Hicks sẽ làm việc cho Trump cho đến khi kết thúc nhiệm kỳ tổng thống thứ nhất và còn lâu hơn thế. Vậy lý do gì khiến 1 người như Hicks lại có quyết định ra đi đột ngột như vậy?

Mối quan hệ đặc biệt của Hicks với tổng thống đã khiến cho giám đốc truyền thông trẻ tuổi vướng vào tầm ngắn của cuộc điều tra Nga thao túng kết quả bầu cử năm 2016 và cáo buộc tổng thống cản trở thực thi công lý. Cô còn bị xem xét trong một số sự việc khác như vai trò giúp soạn thảo một tuyên bố gây hiểu lầm về cuộc gặp của con trai tổng thống, ông Donald Trump Jr. với phía Nga hồi năm 2016.

Hicks mới đây đã bị nhóm điều tra của công tố viên đặc biệt Robert Mueller thẩm vấn, và trải qua phiên điều trần kéo dài 9 tiếng với Ủy ban Tình báo Hạ viện về cuộc điều tra Nga can thiệp bầu cử. Cô thừa nhận với một người trong phiên điều trần rằng đã từng có "những lời nói dối vô hại". Hicks nói trước ủy ban rằng đôi khi cô cảm thấy khó đưa ra ranh giới sự thật về những vấn đề tiểu tiết theo quan điểm của tổng thống Trump, nhưng cô chưa bao giờ nói dối về bất cứ điều gì liên quan đến cuộc điều tra.

Các quan chức Nhà Trắng nhấn mạnh rằng quyết định từ nhiệm được Hicks đã suy xét kĩ lưỡng trong vài tuần nay và không liên quan gì tới cuộc điều tra về Nga hay phiên điều trần tại Hạ viện vừa qua. Họ nói rằng sau ba năm làm việc quá căng thẳng, cô quá mệt mỏi do áp lực guồng quay trong bộ máy của tổng thống khi các cuộc khủng hoảng nối tiếp nhau xảy ra hàng ngày, thậm chí hàng giờ. Hicks chia sẻ với tổng thống Trump rằng cô muốn thử sức trong lĩnh vực tư nhân.

"Không có từ nào để thể hiện hết lòng biết ơn của tôi đối với Tổng thống Trump", trích thông cáo báo chí của cựu giám đốc truyền thông Hope Hicks. "Tôi mong những điều tốt nhất cho tổng thống và chính phủ Mỹ đương nhiệm".

Trong tuyên bố của riêng mình, ông Trump nói, "Hope thực sự là cá nhân xuất sắc và đã hoàn thành xuất sắc công việc trong suốt ba năm qua. Cô ấy thông minh và chu đáo. Thực sự là một người tuyệt vời. Tôi sẽ nhớ thời gian cô làm việc cạnh tôi. Nhưng khi cô gặp tôi thảo luận về việc theo đuổi những cơ hội khác thì tôi hoàn toàn thông cảm. Tôi chắc chắn chúng tôi sẽ làm việc cùng nhau trong tương lai".

Điều này hoàn toàn có cơ sở khi Tổng thống Trump hiếm khi cắt đứt quan hệ hoàn toàn với cựu nhân viên Nhà Trắng đã từ chức hoặc bị sa thải. Nhiều nhân vật vẫn nói chuyện với tổng thống sau khi đã nghỉ làm.

Giám đốc truyền thông Nhà Trắng từ chức: 'Gục ngã' sau 9 tiếng điều trần về Nga ở Hạ viện? - 1
Cô Hicks tháp tùng tổng thống Trump dự quốc yến tại cung điện Akasaka ở Tokyo, Nhật Bản, ngày 6/11/2017, trong chuyến công du 5 nước châu Á của ông Trump (Ảnh: Andrew Harnik/AP Photo)

Jason Miller, cựu cố vấn truyền thông cao cấp trong chiến dịch tranh cử của ông Trump, vẫn giữ liên lạc với Nhà Trắng, nói: "Đây là nơi mà tổng thống Trump áp dụng kinh nghiệm của ông như một trong những nhà phát triển bất động sản thành công nhất trong lịch sử. Chỉ vì bạn không thể triển khai một dự án không có nghĩa là bạn sẽ không có vị trí trong thương vụ kí kết một hợp đồng lớn trong tương lai."

Hope Hicks chỉ là trường hợp phụ tá thân tín nhất của Trump từ bỏ nội các. Thư ký Nhà Trắng Rob Porter cũng đã từ chức hồi tháng 2 sau khi bị hai người vợ cũ buộc tội ông bạo hành. Phó giám đốc truyền thông Josh Raffel, nhân viên phụ trách quản lý khủng hoảng và làm việc gần gũi với Hicks, cũng đã thông báo rằng ông có kế hoạch từ chức.

Nỗ lực gây dựng hình ảnh cho ông Trump

Mặc dù giữ vị trí giám đốc truyền thông, Hicks được biết đến nhiều hơn với tư cách quan hệ công chúng cá nhân của tổng thống Trump. Đặc biệt là vào những tháng đầu tiên của nhiệm kỳ, Hicks chính là người quyết định cho phép phóng viên nào được vào tác nghiệp tại Phòng Bầu dục.

Từ văn phòng nhỏ ở bên ngoài văn phòng tổng thống, Hicks thường gọi điện giới phóng viên để xây dựng những câu chuyện có lợi hơn cho ông Trump và yêu cầu gỡ các bài báo tiêu cực. Cô từng than thở rằng cô tin nhiều người ở thế giới bên ngoài - đặc biệt là giới truyền thông - không hiểu con người thực của tổng thống.

Không giống như những người phụ trách truyền thông hàng đầu Nhà Trắng tiền nhiệm, Hicks thường tránh né tránh xuất hiện mặt báo. Cô thường xuyên nói chuyện với các phóng viên với tư cách cá nhân và hỗ trợ tổng thống và các thành viên nội các cách tiếp xúc với báo chí.

Các quan chức cao cấp trong chính phủ miêu tả Hicks đã kiệt sức trong vài tháng qua, và đặc biệt là sau khi bị phát hiện hẹn hò với Rob Porter. Tờ Daily Mail tháng trước công bố bức ảnh chụp trộm cô và Porter ở bên ngoài căn hộ của mình ở Washington. Một số đồng nghiệp nói rằng Hicks chia sẻ rằng mình bị kiệt sức cả thể chất và tinh thần, cô bức xúc khi đời tư bị phơi bày trên mặt báo.

Giám đốc truyền thông Nhà Trắng từ chức: 'Gục ngã' sau 9 tiếng điều trần về Nga ở Hạ viện? - 2
Hope Hicks tháp tùng ông Trump trong hành trình tri ân cử tri vào tháng 12/2016, một tháng sau khi ông đắc cử tổng thống Mỹ (Ảnh: Mark Wallheiser/Getty Images)

Hicks chia sẻ với bạn bè rằng cô đã cảm thấy nhẹ nhõm với quyết định nghỉ việc và rất mong muốn có thể dành nhiều thời gian hơn với gia đình ở Connecticut. Tuy vậy, cô không loại trừ khả năng trở lại làm việc cho tổng thống Trump một lần nữa - có thể trong chiến dịch tái tranh cử vào năm 2020.

Trong những tuần gần đây, ông Trump đã dựa nhiều hơn vào nhân viên cũ, những người tham gia vào chiến dịch vận động tranh cử của ông hồi năm 2016. Cựu giám đốc chiến dịch Corey Lewandowski được nhìn thấy trong Phòng Bầu dục. Thậm chí giám đốc truyền thông cũ Anthony Scaramucci - người bị sa thải tháng 7/2017 sau những phát ngôn gây sốc - đã bắt đầu nói chuyện lại nhiều hơn với tổng thống.

Theo lời một quan chức trong nội các Mỹ, "Không có chuyện tái xuất hiện. Chỉ đơn giản những người cũ chưa bao giờ thực sự ra đi".

Theo Ngọc Nguyễn (Soha/Thời Đại)