Thế giới

Giải mã tuyên bố của ông Putin ủng hộ Trung Quốc ở Biển Đông

Có một giải thích rất đơn giản cho câu hỏi tại sao ông Putin lại đột ngột tuyên bố ủng hộ Trung Quốc không công nhận phán quyết Biển Đông: Nga có thể sắp lâm vào tình trạng phân xử tương tự với Ukraina.

Có một giải thích rất đơn giản cho câu hỏi tại sao ông Putin lại đột ngột tuyên bố ủng hộ Trung Quốc không công nhận phán quyết Biển Đông: Nga có thể sắp lâm vào tình trạng phân xử tương tự với Ukraina.

Hôm 5.9, Tổng thống Nga Vladimir Putin gây ngạc nhiên khi tuyên bố ủng hộ lập trường của Trung Quốc không công nhận phán quyết của Tòa trọng tài trong vụ kiện của Philippines. Đây là lần đầu tiên Nga công khai ủng hộ Trung Quốc trong vấn đề liên quan tới tòa trọng tài quốc tế.

“Chúng tôi đoàn kết và ủng hộ lập trường của Trung Quốc trong việc không công nhận phán quyết của tòa" - ông Putin nói tại cuộc họp báo sau khi hội nghị G20 kết thúc ở Trung Quốc, đồng thời bổ sung rằng sự can thiệp của các nước ngoài khu vực Biển Đông chỉ gây hại cho tình hình.

Ông Putin giải thích rằng lập trường của ông "hoàn toàn mang tính chất pháp lý, chứ không phải chính trị". "Mọi thủ tục trọng tài cần do các bên liên quan tranh chấp đề xuất, và tòa trọng tài nên nghe luận điểm và lập trường các bên liên quan tranh chấp. Trung Quốc đã không ra Tòa Trọng tài The Hague và không ai ở đó nghe lập trường của họ."

Trao đổi với BBC, ông Vasily Kashin, chuyên gia về Trung Quốc tại Đại học Nghiên cứu Quốc gia Nga ở Mátxcơva nói: "Phần đầu trong tuyên bố của ông Putin chỉ là lặp lại lập trường lâu nay của Nga, rằng chúng tôi không có ý kiến gì về tranh chấp lãnh thổ giữa Nga và các nước láng giềng, nhưng chúng tôi cực lực phản đối các thế lực ngoài khu vực (ám chỉ Mỹ) can thiệp vào vấn đề này.

Phần thứ hai thì quan trọng hơn. Đây là lần đầu tiên ông Putin tuyên bố Nga không thừa nhận phán quyết của Tòa trọng tài.

Phát biểu của ông Putin có thể nói là thành tựu to lớn của phía Trung Quốc. Bắc Kinh đã rất nỗ lực để kêu gọi ủng hộ của quốc tế nhưng cho tới nay mới chỉ có một số quốc gia, đa phần không có biển, lên tiếng ủng hộ Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông. Bắc Kinh cũng vận động Mátxcơva một thời gian rất dài nhưng không có kết quả.

Có một giải thích rất đơn giản cho câu hỏi tại sao Nga lại đột ngột thay đổi lập trường: Nga có thể sắp lâm vào tình trạng phân xử tương tự với Ukraina. Hồi cuối tháng Tám, Ngoại trưởng Ukraina Pavlo Klimkin cho hay Ukraina đang cân nhắc kiện Nga lên Tòa trọng tài theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) về Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Crưm.

Khiếu nại có thể bao gồm các vùng biển Azov, Biển Đen và Eo biển Kerch cùng tài nguyên tại các vùng biển đó. Bởi vậy, lập trường của Trung Quốc về phán quyết của tòa theo UNCLOS đâm ra lại trở nên có lợi cho Nga.

Trong khi đó, tiến sĩ Ian Storey, chuyên gia từ Viện Nghiên cứu Đông Nam Á ở Singapore nhận xét, dường như ông Putin đã bước hẳn sang phía Trung Quốc với tuyên bố không thừa nhận phán quyết của Toà. "Tuy nhiên phát biểu của Putin cho thấy ông ấy không hiểu biết lắm về quá trình phân định trước khi đưa ra phán quyết. Ông ấy nói rằng Trung Quốc không có điều kiện trình bày quan điểm của mình nhưng thực ra không phải vậy. Trung Quốc đã có nhiều cơ hội, nhưng họ từ chối không làm" - ông Storey trả lời BBC.

Một nhận định khác của chuyên gia phân tích chính trị NgaDmitry Mosyakov được Sputnik dẫn lời cho rằng, tuyên bố của ông Putin đòi hỏi phải xem xét trong tất cả các sắc thái, các mối quan hệ. "Trước hết, từ tuyên bố này cần hiểu rằng, Nga không công nhận quyết định của Tòa,  không phải là về bản chất, mà là về hình thức. Tức là không phải bởi trong phán quyết nói rằng đường chín đoạn không đúng, hoặc rằng kết luận không đúng của Tòa án về hòn đảo hoặc các ngư dân Philippines - hoàn toàn không phải vậy. Tổng thống Nga không nói như thế. Ông đã nhấn mạnh rằng đây không phải là lập trường chính trị mà thuần túy là dưới nhãn quan pháp lý" - ông Mosyakov nói.

"Tổng thống đã nói Nga không công nhận phán quyết của Tòa án vì trong một phiên tòa cần có sự tham gia của cả hai bên, thế nhưng đã chỉ có một bên hiện diện. Trung Quốc không tham gia vào phiên tòa này và đã không thể bảo vệ lập trường của nước mình theo đúng thể thức". Nhưng những lời nhận xét đó, theo chuyên gia Nga, tuyệt nhiên không có nghĩa là Nga công nhận toàn bộ lập trường của Trung Quốc về Biển Đông. Đây là điểm rất quan trọng.

"Tổng thống không hề phản bác Tuyên bố của  Bộ Ngoại giao Nga ngày 13.7, nêu chính xác lập trường của Mátxcơva", chuyên gia Mosyakov lưu ý. Giáo sư Dmitry Mosyakov nhắc lại những điểm cơ bản trong Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Nga: Nga phản đối sự can thiệp của các thế lực bên ngoài, ủng hộ việc ký kết Quy tắc ứng xử trên Biển Đông, tán thành giải quyết tình hình xung đột trong khuôn khổ  luật pháp quốc tế, Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển, và trên cơ sở thỏa thuận và đàm phán giữa các nước ASEAN và Trung Quốc.

Như vậy, Nga từ chối thừa nhận quyết định của Tòa án Hague là thuần túy theo nguyên tắc hình thức. Và điều đó tuyệt nhiên không tác động gì đến tầm nhìn của Nga đối với việc giải quyết vấn đề Biển Đông. Tuyên bố của Bộ Ngoại giao trình bày chính xác rõ ràng lập trường của Nga là văn kiện không cách nào phủ nhận hay phản bác.

Chúng tôi không công nhận phán quyết của Tòa án Hague, nhưng đồng thời chúng tôi công nhận cách giải quyết xung đột trong khuôn khổ pháp lý quốc tế. Hai ý này hoàn toàn không mâu thuẫn với nhau.

Về hình thức, Nga không công nhận quyết định của Tòa Hague, nhưng tầm nhìn của Mátxcơva trong việc giải quyết vấn đề Biển Đông là trùng hợp với lập trường của các nước ASEAN - chuyên gia Mosyakov nhấn mạnh.

Theo N.V (Lao Động)