Thế giới

Giải mã thành công hiện tượng kỳ quái: Siêu bão Irma rút sạch nước biển

Sức mạnh nào của Irma khiến nước tại các vùng vịnh biển nó đi qua bị hút trơ đáy?

Sức mạnh nào của Irma khiến nước tại các vùng vịnh biển nó đi qua bị hút trơ đáy?

Giải mã thành công hiện tượng kỳ quái: Siêu bão Irma rút sạch nước biển

Theo đánh giá của Trung tâm dự báo bão quốc gia Mỹ (NHC), siêu bão Irma với sức gió lên tới 300 km/giờ đã trở thành cơn bão Đại Tây Dương mạnh nhất từng quan sát được trong hơn một thập kỷ qua; đồng thời Irma cũng trở thành xoáy thuận nhiệt đới (tropical cyclone) mạnh nhất thế giới tính từ đầu năm 2017 đến nay.

Hình thành tại khu vực gần quốc đảo Cape Verde ngày 30/8/2017, Irma dần mạnh lên thành siêu bão đo được ở cấp độ 5 vào ngày 5/9 (cấp độ mạnh nhất trong thang bão Đại Tây Dương).

Các ngày sau, Irma bắt đầu thể hiện cơn cuồng nộ của mình bằng cách càn quét qua hàng loạt các quốc gia vùng biển bắc Caribe. Tính đến ngày 10/9/2017 theo giờ địa phương, Irma khiến tổng 29 người thiệt mạng tại các quốc gia này, đồng thời gây thiệt hại vô cùng lớn về của.

Khi con số thiệt hại chưa ngừng tăng lên, một trong những hậu quả "quái dị" mà Irma để lại đó là: Hút cạn nước biển ở Vịnh Tampa, thuộc bờ biển tây trung bộ bang Florida, Mỹ.

Chỉ vài giờ sau khi Irma "đánh" vào bang Florida (vào Chủ nhật ngày 10/9 giờ địa phương) với sức gió lên tới 230 km/giờ, toàn bộ nước biển của Vịnh Tampa bị hút sạch!

Giải mã thành công hiện tượng kỳ quái: Siêu bão Irma rút sạch nước biển - Ảnh 1.

Thượng nghị sĩ bang Florida Dana Young và dòng trạng thái cùng bức ảnh Vịnh Tampa cạn ráo nước sau khi siêu bão Irma quét qua. Ảnh: USAToday.

Chuyên gia Mỹ lý giải hiện tượng "quái dị": Siêu bão Irma hút cạn nước vịnh biển

Giải thích hiện tượng kỳ lạ này, nhà khí tượng học Ryan Rogers thuộc Trung tâm Dự báo Khí tượng quốc gia Mỹ cho biết: Đường đi của bão Irma thổi từ đông bắc đến tây nam, đây cũng là hướng chảy của nước trong vùng vịnh Tampa.

Nhờ sự đồng hướng của nước và gió cộng với sức gió "quái vật" giật đến 230 km/giờ, Irma đã "hút" nước ở Vịnh Tampa rồi "trả nước về" phía ngoài vịnh Mexico và khiến cho Tampa từng ngập đầy nước trở nên cạn ráo.

Cũng theo nhà khí tượng học Ryan Rogers, mặc dù không biết chính xác thời điểm nước trở lại, tuy nhiên, Ryan Rogers khẳng định, nước của Vịnh Tampa sẽ sớm rút về (từ vịnh Mexico) sau khi Irma tiếp tục "tấn công" vào sâu Florida.

Ryan Rogers cho biết thêm, hiện tượng bão rút cạn nước trên đường đi của nó không hề hiếm. Cùng ngày, Irma cũng đã "hút" nước biển ở Bahamas, Key Largo, Fort Myers, Charlotte Harbor và Florida Panhandle.

Cũng theo phân tích của các chuyên gia khí tượng của tờ Washington Post, thì áp suất thấp trong vùng trung tâm bão đã hút nước của đại dương lên cao. Về thực chất, áp suất thấp của tâm bão hoạt động theo cơ chế hút, nó có thể hút không khí, hút nước, thậm chí làm biến dạng bề mặt đại dương.

Giải mã thành công hiện tượng kỳ quái: Siêu bão Irma rút sạch nước biển - Ảnh 2.

Người dân Mỹ dắt chó đi dạo trên một bãi biển trơ cát sau khi bị Irma hút cạn nước. Ảnh: Adrees Latif / Reuters

Theo chuyên gia thuộc Trung tâm Khí tượng Bahamas, nước khi rút trở lại sẽ rất mạnh và bất cứ lúc nào, vì thế, các chuyên gia cảnh báo người dân Mỹ không nên đi bộ hoặc chơi đùa ở khu vực nước đang cạn.

Siêu bão Irma rút cạn nước Vịnh Tampa, Mỹ. Video: Thealternativedaily

Theo dự báo, siêu bão Irma sẽ tiếp tục di chuyển lên phía tây của bang Florida. CNN cập nhập vào lúc 7:40 ngày 11/9 (giờ địa phương) thì Irma đang suy yếu dần xuống cấp 1, dự báo di chuyển với sức gió 136 km/giờ.

Giải mã thành công hiện tượng kỳ quái: Siêu bão Irma rút sạch nước biển - Ảnh 4.

Irma cũng trở thành xoáy thuận nhiệt đới (tropical cyclone) mạnh nhất thế giới tính từ đầu năm 2017 đến nay. Ảnh: NOAA.

Theo Trang Ly (Soha/Trí Thức Trẻ)