Thế giới

Gia đình nạn nhân vụ rơi máy bay ở Indonesia kiện Boeing vì 'lỗi thiết kế'

Xót xa hình ảnh nạn nhân vụ rơi máy bay Lion Air chở 189 người

Bố mẹ của một nạn nhân chết trong thảm họa rơi máy bay tại Indonesia tháng trước đã kiện Boeing vì "thiết kế không an toàn".

Gia đình nạn nhân vụ rơi máy bay ở Indonesia kiện Boeing vì 'lỗi thiết kế'
Các nhà điều tra xem xét mẩu động cơ chiếc máy bay Boeing 737 Max 8 do hãng Lion Air vận hành lao xuống biển Java hồi cuối tháng 10.

Vụ kiện đệ đơn tại Tòa án Circuit, quận Cook, bang Illinois, Mỹ, nơi đặt trụ sở chính của tập đoàn Boeing hôm 15/11. Bố mẹ của Rio Nanda Putrama, một trong 189 người thiệt mạng trong vụ rơi máy bay 737 Max 8 tháng trước, đã kiện hãng Boeing vì tính năng an toàn mới của dòng máy bay này khiến nó "tự động lặn" trong một số trường hợp, theo CNN.

Đơn kiện cáo buộc chiếc máy bay gặp nạn có thiết kế thay đổi so với mẫu Boeing 737 trước và công ty đã không cảnh báo trước sự thay đổi này với các nhà khai thác bay như Lion Air.

"Chúng tôi muốn đòi công lý cho con trai cũng như những người đã thiệt mạng trong vụ rơi máy bay", H.Irianto, bố của Putrama nói.

Đây là áp lực mới nhất lên Boeing, sau hàng loạt rắc rối nổi lên từ vụ rơi máy bay. Hôm 14/11, Zwingli Silalahi, giám đốc điều hành của Lion Air, cáo buộc Boeing không cảnh báo phi công về nguy cơ tiềm ẩn của tính năng an toàn mới liên quan tới tai nạn. Bản quy trình không hướng dẫn phi công trong các tình huống cụ thể về việc hệ thống ngăn chết máy có thể tự động kích hoạt nhiều phản ứng như hạ thấp mũi máy bay để ngăn chặn hoặc thoát khỏi trạng thái chết máy.

"Trong bản hướng dẫn vận hành Boeing 737 Max 8 không có mục này. Đó là lý do chúng tôi không được đào tạo chuyên sâu cho tình huống đặc biệt đó", Zwingli nói.

Các nhà điều tra đang xem xét phải chăng cảm biến bên ngoài máy bay truyền dữ liệu không chính xác đã kích hoạt hệ thống ngăn chết máy.

Đơn kiện của hãng Lion Air tiếp theo đơn kiện của Hiệp hội Liên minh Phi công (APA), một liên đoàn lao động đại diện cho phi công Mỹ. APA cho rằng Boeing đã giấu giếm thông tin về nguy hiểm tiềm ẩn của các tính năng mới cho dòng máy bay này.

Chuyến bay 610 của hãng Lion Air rơi sau 13 phút cất cánh từ sân bay Jakarta hôm 29/10. Các nhà điều tra nghi ngờ chiếc máy bay Max 8 đã gặp lỗi cảm biến.

Tuần trước, Boeing tuyên bố đã cung cấp bản tái khẳng định thông tin về các tính năng an toàn cho các nhà khai thác máy bay sau vụ tai nạn, nhưng Lion Air và APA đều phủ nhận.

"Boeing đã không cung cấp đầy đủ thông tin cho chúng tôi", cơ trưởng Dennis Tajer, phát ngôn viên APA nói hôm 14/11. "Thông tin mà Boeing bổ sung không phải nhằm củng cố bản quy trình bay hiện có, mà làm rõ hơn và bổ sung nội dung mới".

Zwingli nói thêm bản thông tin mới cũng không đề nghị bổ sung khóa đào tạo cho phi công vận hành Max 8. "Chúng tôi không nhận được bất kỳ thông tin nào từ Boeing hoặc nhà điều hành về việc bổ sung khóa đào tạo cho phi công của chúng tôi", ông nói.

Giám đốc điều hành Lion Air cho hay nếu kết quả cuộc điều tra do Ủy ban Giao thông Indonesia, Ủy ban An toàn Giao thông Mỹ và hãng Boeing đang thực hiện cho thấy cần phải bổ sung khóa đào tạo, phi công Lion Air sẽ tiếp nhận.

Boeing cho biết "không thể thảo luận chi tiết cụ thể về cuộc điều tra" nhưng công ty đã "cung cấp hai bản cập nhật cho các nhà khai thác bay khắp thế giới để tái khẳng định quy trình xử lý các tình huống khẩn cấp hiện hành".

"Chúng tôi tin vào sự an toàn của 737 Max. An toàn luôn là ưu tiên hàng đầu của chúng tôi và là giá trị cốt lõi cho mọi nhân viên Boeing", phát ngôn viên của hãng nói.

Theo Hồng Hạnh (VnExpress.net)