Thế giới

Gần 11.500 người bị bắt nhầm vì một ứng dụng smartphone

Tự dưng bị bắt, nhiều người dân Thổ Nhĩ Kỳ đã tỏ ra vô cùng ngạc nhiên mà không biết rằng một ứng dụng vô danh trên điện thoại của họ đã gây ra việc này.

Hamdullah đã trung thành phục vụ trong Lực lượng Vũ trang Thổ Nhĩ Kỳ (TAF) hơn hai thập niên trước khi nghỉ hưu trong vai trò trung sĩ chuyên nghiệp. Khỏi phải nói, Hamdullah đã rất sốc khi đột nhiên bị bắt giam với cáo buộc là thành viên của tổ chức khủng bố.

Cáo buộc dựa trên bằng chứng bất thường: smartphone của Hamdullah được cài đặt ứng dụng tin nhắn ByLock.

Tháng 9/2017, tòa án Thổ Nhĩ Kỳ phán quyết rằng ByLock là bằng chứng cho thấy Hamdullah có liên hệ với mạng lưới Hồi giáo Fethullah Gülen tại Pennsylvania. Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ quả quyết rằng tổ chức Gülen đứng sau âm mưu đảo chính tháng 7/2016.

Cuộc đảo chính đó đã ngăn chặn theo cách rầm rộ nhất. Hàng loạt chiếc xe tăng vượt qua cây cầu chính Bosphorus ở Istanbul, trong khi phi cơ ném bom toà nhà quốc hội ở thủ đô Ankara.

Nhiều chiếc F-16 bay cực thấp trên bầu trời tạo ra âm thanh chói tai mà ban đầu người dân tưởng rằng là vụ nổ. Hơn 260 người đã thiệt mạng trước khi cuộc đảo chính bị dập tắt.

Gần 11.500 người bị bắt nhầm vì một ứng dụng smartphone

Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ nhanh chóng đổ lỗi cho tổ chức Gülen. Trớ trêu thay, Gülen từng là đồng minh của Tổng thống Recep Tayyip Erdoğan trước khi thành kẻ thù của chính thể vào năm 2014. Chính quyền nước này gọi những người theo phong trào Gülen là Tổ chức Khủng bố Fethullah (FETÖ).

Đối phó với âm mưu đảo chính, chính phủ Erdoğans đã tiến hành đàn áp gắt gao. Hơn 50.000 người bị bắt, và gấp đôi con số đó phải rời bỏ cơ quan nhà nước.

Nhiều người bị bắt giữ và sa thải khỏi chính quyền đều liên quan tới một ứng dụng chưa từng nghe tới trước đây: ByLock.

Phát hành tháng 3/2014, ByLock được đăng ký dưới tên của David Keynes, người Mỹ gốc Thổ Nhĩ Kỳ. Keynes cho biết ông và người bạn cùng phòng có mật danh “Con cáo”, vốn thuộc tổ chức Gülen, đã phát triển ứng dụng này

ByLock có mặt trên nhiều nền tảng trước khi bị khai tử đầu năm 2016. Tuy phát triển cùng thời với WhatsApp nhưng ByLock không được trang bị khả năng mã hóa dữ liệu nên thiếu an toàn với người dùng cuối.

ByLock bị quy kết là phương tiện liên lạc giữa những người thuộc tổ chức Gülen. Vấn đề ở chỗ không phải ai dùng ứng dụng này cũng là người của Gülen, trong đó có Hamdullah.

Hamdullah thậm chí còn không sử dụng ứng dụng này. "Từ lúc bị bắt, tôi đã rất ngạc nhiên về những gì đang xảy ra với mình", Hamdullah nói với The Verge.

Hamdullah phải ngồi tù từ tháng 4/2017 sau khi bị tước bỏ tư cách quân nhân nghỉ hưu.

Thế nhưng Hamdullah không phải là nạn nhân duy nhất của ByLock. Danh sách những người bị bắt còn có Ishak Tayak, một người vô thần bị nghi ngờ sử dụng ứng dụng này.

Tayak đã bác bỏ mọi cáo buộc và thề rằng mình không liên quan tới bất cứ tổ chức tôn giáo nào.

Trong khi đó, phóng viên thể thao Fatma Karaağaç cũng bị sa thải khỏi kênh truyền hình Habertürk hồi tháng 3/2017 sau khi bị cáo buộc đã sử dụng ByLock.

Nữ phóng viên này bị bôi xấu trên các phương tiện truyền thông và bị cho là khủng bố và gián điệp.

Semih Babacan, một giáo viên trường công tại Urfa, cũng bị cho thôi việc không lý do từ tháng 2/2017. Người ta nghi ngờ anh đã sử dụng ứng dụng ByLock. Rốt cuộc, Babacan đành phải xin làm trợ lý cho một xưởng sửa chữa xe hơi của người quen.

Emre İper là một nạn nhân khác của cuộc thanh trừng. Là kế toán cho tờ nhật báo Cumhuriyet có quan điểm đối lập với cả đảng AKP của ông Erdoğan và phong trào Gülen nhưng anh vẫn bị bắt.

Emre İper bị bắt giam tháng 4/2017 và đã bác bỏ mọi cáo buộc chống lại mình.

Chiếc điện thoại di động của İper được Beşikçi, một chuyên gia phân tích kiểm tra. Beşikçi làm việc trực tiếp với bên công tố và luật sư bào chữa cho các vụ xét xử kiểu này.

Qua phân tích điện thoại của İper, Beşikçi không thấy dấu vết ứng dụng ByLock nhưng thấy sự hiện diện của ứng dụng nghe nhạc Freezy, tương tự như Spotify.

Freezy là một trong số nhiều ứng dụng mà các chuyên gia tại Ankara xác nhận rằng đã điều hướng người dùng tới máy chủ ByLock, làm như có vẻ người dùng đã dùng ứng dụng tuy thực tế lại không phải vậy.

Nhóm ứng dụng tội đồ này được gọi với cái tên “Purple Brain”, gồm cả phần mềm từ điển Đức-Thổ Freezy và ứng dụng bán xe hơi cũ.

Theo Beşikçi, chuyển hướng truy cập kiểu này là một cái bẫy đã được tính toán trước của người viết ra nhóm ứng dụng Purple Brain, vốn thuộc Gülen và từng làm việc cho Hội đồng Nghiên cứu Khoa học và Công nghệ Thổ Nhĩ Kỳ (TÜBITAK).

Từ phát hiện này, các nạn nhân khác bắt đầu gửi điện thoại và địa chỉ IP cho Beşikçi. Một nhóm kỹ thuật được lập ra tại Ankara, tiền được rót cho Beşikçi và các đồng sự để phân tích chi tiết tất cả địa chỉ IP của nạn nhân.

Qua phân tích, Beşikçi còn xác định thêm một bộ ứng dụng khác hiển thị lời cầu nguyện bằng tiếng Hồi giáo năm lần mỗi ngày. Tất cả đều điều hướng người dùng tới máy chủ ByLock.

Ngày 27/12/2017, các công tố viên của Ankara xác nhận rằng đã có 11.480 người bị cáo buộc sai về ByLock. Hamdullah, İper, Ishak Tayak và phóng viên Fatma Karaağaç nằm trong số hàng nghìn người được trao trả tự do hoặc trở lại làm việc sau khi được chứng minh vô tội.

Theo Gia Nguyễn (Tri Thức Trực Tuyến)