Thế giới

G7 ra tuyên bố chung không nể mặt Trung Quốc

Các lãnh đạo G7 hôm 27-5 đã ra tuyên bố chung bày tỏ sự quan ngại về những căng thẳng leo thang trên biển ở khu vực châu Á, đồng thời kêu gọi không giải quyết các tranh chấp bằng vũ lực.

Các lãnh đạo G7 hôm 27-5 đã ra tuyên bố chung bày tỏ sự quan ngại về những căng thẳng leo thang trên biển ở khu vực châu Á, đồng thời kêu gọi không giải quyết các tranh chấp bằng vũ lực.

 Tổng thống Mỹ Obama tham dự hội nghị G7 sau khi kết thúc chuyến thăm 3 ngày tại Việt Nam. Ảnh: Reuters

Tổng thống Mỹ Obama tham dự hội nghị G7 sau khi kết thúc chuyến thăm 3 ngày tại Việt Nam. Ảnh: Reuters

Tuyên bố chung được đưa ra trong bối cảnh căng thẳng trên biển Đông –tuyến hàng hải chiến lược - leo thang, khi Trung Quốc ngày càng ngang ngược trong các tuyên bố chủ quyền phi pháp đòi 80% diện tích vùng biển quốc tế ở khu vực này.

Ngoài ra, Bắc Kinh cũng đang thách thức nước thành viên của G7 là Nhật Bản trong cuộc tranh chấp chủ quyền quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, gây ra quan ngại ngày càng lớn về "thế lực đang trỗi dậy" Trung Quốc có thể sử dụng vũ lực để giành chủ quyền tại đây.

Trước đó, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị lên tiếng "dằn mặt" các nước thành viên G7 tập trung vào các vấn đề kinh tế toàn cầu và cảnh báo họ không làm gia tăng căng thẳng khu vực. Bất chấp cảnh báo này, tuyên bố chung của các lãnh đạo G7 vẫn đậm nét về vấn đề biển Đông và Hoa Đông.

Ngoài vấn đề căng thẳng trên biển đang tăng nhiệt nói trên, bản tuyên bố chung 32 trang còn đề cập tới các cam kết của 7 nền kinh tế lớn của G7 nhằm tìm kiếm sự tăng trưởng toàn cầu vững mạnh.

“Tăng trưởng toàn cầu vẫn còn khiêm tốn và ở dưới mức tiềm năng trong khi các nguy cơ gây suy yếu kinh tế vẫn tồn tại. Tăng trưởng toàn cầu hiện là ưu tiên cấp bách” – bản tuyên bố nhấn mạnh.

Ngoài ra, G7 cũng yêu cầu Triều Tiên phải chấp hành đầy đủ nghị quyết của Liên Hiệp Quốc và chấm dứt thử nghiệm hạt nhân, cũng như các cuộc phóng tên lửa và các hành động gây hấn khác.

Nhóm này cũng lên án Nga trong vụ sáp nhập bán đảo Crimea. Tuyên bố chung đe dọa “tăng cường những biện pháp hạn chế” nhằm buộc Nga phải trả giá hơn nữa, song các biện pháp trừng phạt này có thể được rút lại nếu Nga thực hiện các thỏa thuận trước đó và tôn trọng chủ quyền Ukraine.

Đề cập tới cuộc trưng cầu dân ý về việc Anh sẽ đi hay ở lại Liên minh châu Âu (EU), G7 khẳng định nếu Anh rời khỏi châu Âu sẽ là “nguy cơ nghiêm trọng đối với tăng trưởng toàn cầu”.

Nhóm G7 bao gồm 7 nền công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới bao gồm Mỹ, Nhật Bản, Anh, Canada, Pháp, Đức, Ý.
 

Theo Đ.Quyên (Nld.com.vn)