Thế giới

G7 không nhất trí trừng phạt Nga

Các nước thành viên của Nhóm 7 cường quốc công nghiệp hàng đầu thế giới (G7) đã không đạt được sự đồng thuận về việc áp đặt các lệnh trừng phạt mới nhằm vào Nga do sự ủng hộ của Moscow đối với chính quyền của Tổng thống Syria Bashar al-Assad.

Các nước thành viên của Nhóm 7 cường quốc công nghiệp hàng đầu thế giới (G7) đã không đạt được sự đồng thuận về việc áp đặt các lệnh trừng phạt mới nhằm vào Nga do sự ủng hộ của Moscow đối với chính quyền của Tổng thống Syria Bashar al-Assad.

Các ngoại trưởng của các nước G7 nhóm họp tại thành phố Lucca, Italy hôm 11/4 (Ảnh: Washington Times)

Theo BBC, sau cuộc họp tại thành phố Lucca, Italy hôm nay 11/4, đại diện các nước thành viên G7 đã từ chối lời kêu gọi của Ngoại trưởng Anh Boris Johnson về việc áp đặt các lệnh trừng phạt mới nhằm vào Nga liên quan tới mối liên hệ giữa Moscow và chính quyền Syria.

Ngoại trưởng Italy Angelino Alfano, người chủ trì cuộc hội đàm của G7, cho biết các quốc gia thành viên không đạt được sự đồng thuận về việc trừng phạt Nga, đồng thời khẳng định việc cô lập hay dồn Nga vào chân tường là hành vi “sai trái”. Thay vào đó, đối thoại với Nga là phương án được các nước G7 lựa chọn.

Các ngoại trưởng cho rằng Nga là một nhân tố không thể thiếu trong việc giải quyết vấn đề Syria và G7 mong muốn Moscow góp sức để gây sức ép lên Tổng thống al-Assad.

“Chúng tôi cho rằng người Nga có tầm ảnh hưởng cần thiết để gây sức ép lên ông Assad, đồng thời buộc ông này phải tuân thủ các cam kết của thỏa thuận ngừng bắn (tại Syria), Ngoại trưởng Alfano cho biết.

Trong khi đó, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson, người đã đáp chuyến bay từ Italy tới Moscow để hội đàm với người đồng cấp Nga, cảnh báo rằng chính phủ của ông Assad chuẩn bị “đến hồi kết” và Nga sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc quyết định tương lai của Syria.

Mỹ và EU đã áp đặt một loạt lệnh trừng phạt nhằm và các cá nhân và doanh nghiệp Nga sau vụ Nga sáp nhập bán đảo Crimea từ năm 2014. Nga ban đầu cũng là một thành viên của G8 (tiền thân là G7), song Moscow đã bị loại ra khỏi nhóm sau vụ sáp nhập trên.

Không chỉ đổ lỗi cho lực lượng quân đội Syria vì đã gây ra vụ tấn công hóa học rúng động khiến hàng chục người thiệt mạng tại Syria, các ngoại trưởng G7 còn ủng hộ mạnh mẽ cuộc không kích bằng tên lửa mà Mỹ đã tiến hành nhằm vào một căn cứ không quân của Syria hồi tuần trước. Ngoài ra, các ngoại trưởng cũng nhất trí rằng cuộc khủng hoảng tại Syria sẽ không thể chấm dứt nếu Tổng thống Assad còn tiếp tục nắm quyền.

Ngoại trưởng Italy cho rằng sự can thiệp của Mỹ đã mở ra “một cánh cửa cơ hội” để đặt nền móng cho tiến trình chính trị tại Syria. Trong khi đó ngoại trưởng Mỹ khẳng định cuộc tấn công lần này là cần thiết “vì lợi ích quốc gia của Mỹ”.

"Chúng tôi không muốn kho vũ khí hoá học không được kiểm soát của chế độ này (Tổng thống Assad) rơi vào tay Nhà nước Hồi giáo tự xưng hay những nhóm khủng bố khác, những kẻ có thể và muốn tấn công Mỹ cũng như các đồng minh của chúng ta", ông Tillerson cho biết.

Trong khi Nga và Syria vẫn một mực phủ nhận các cáo buộc của Mỹ và phương Tây về sự can dự của quân đội Syria vào cuộc tấn công hóa học tại tỉnh Idlib vừa qua, Nhà Trắng hôm nay tuyên bố vẫn để ngỏ khả năng tiến hành các cuộc tấn công mới nhằm vào Damascus nếu phát hiện có bất kỳ cuộc tấn công hóa học nào xảy ra trong tương lai.

Theo Thành Đạt (Dân Trí)