Thế giới

Động cơ thảm sát bằng súng ở Mỹ chẳng biết đâu mà lần

Câu hỏi khó cho các nhà điều tra ở Mỹ với vụ thảm sát tại Las Vegas là động cơ của hung thủ. Họ từng bất ngờ vì suy nghĩ của các hung thủ trong các vụ trước.

Câu hỏi khó cho các nhà điều tra ở Mỹ với vụ thảm sát tại Las Vegas là động cơ của hung thủ. Họ từng bất ngờ vì suy nghĩ của các hung thủ trong các vụ trước.

Động cơ thảm sát bằng súng ở Mỹ chẳng biết đâu mà lần - Ảnh 1.

Vài giờ sau vụ xả súng ở Las Vegas đêm 1-10, tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) đã lên tiếng nhận trách nhiệm và khẳng định hung thủ Stephen Paddock vừa cải theo đạo Hồi.

Với thái độ dè dặt, FBI cho rằng đến giờ chưa tìm thấy mối liên hệ nào giữa vụ xả súng ở Las Vegas với tổ chức khủng bố nước ngoài. Trong 10 vụ xả súng có nhiều người chết hơn hết trong vòng 25 năm qua ở Mỹ có ba vụ có yếu tố Hồi giáo cực đoan.

Thảm sát trong hộp đêm

Đêm cuối tuần 11-6-2016, có 350 người đang vui chơi trên sàn nhảy hộp đêm Pulse tại Orlando (bang Florida) trong đêm chủ đề "Hương vị Latin". Hầu hết là thanh niên da màu và Latin thuộc giới LGBT (đồng tính, lưỡng tính và chuyển giới)

.Lúc 1h30, khoảng nửa tiếng trước giờ hộp đêm đóng cửa, Omar Mateen lái xe vào bãi đậu xe. Hắn gọi số điện thoại khẩn cấp 911, gằn giọng báo tin hắn đã tuyên thệ trung thành với thủ lĩnh IS Abu Bakr al-Baghdadi. 2h02, hắn cầm theo một khẩu súng trường AR-15, một khẩu súng ngắn 9 li Glock và đạn bước vào hộp đêm rồi khai hỏa vào đám đông.

Bảy phút sau, một nhân viên hộp đêm nhắn tin trên Facebook của hộp đêm: "Mọi người hãy rời ngay Pulse và chạy đi". 

Gần như cùng lúc ấy, một sĩ quan cảnh sát làm bảo vệ cho hộp đêm nổ súng và được hai nhân viên bảo vệ hỗ trợ. Cả ba người không đấu lại khẩu súng trường của hung thủ. 

Trong lúc lộn xộn, Omar Mateen ra ngoài một khoảnh khắc rồi trở lại hộp đêm bắt giữ con tin.

Khoảng 2h20, cảnh sát và lực lượng cấp cứu đến hiện trường. Hàng trăm cảnh sát được triển khai. Hộp đêm bị bao vây gần ba tiếng. Một số người bị thương đã có thể rời hộp đêm. 

Đến 3h58, cảnh sát Orlando nhắn tin trên tài khoản Twitter: "Xả súng đang diễn ra tại hộp đêm Pulse ở đường South Orange. Nhiều người bị thương. Hãy tránh xa khu vực!".

Đúng 5h sáng 12-6-2016, sau khi thương lượng với hung thủ Omar Mateen bất thành, cảnh sát quyết định tấn công để giải cứu con tin. 

Lực lượng đặc nhiệm dùng xe bọc thép và lựu đạn gây choáng xông vào. Omar Mateen bắn trả. Đến 5h53, hung thủ bị tiêu diệt.

Nếu tính theo số nạn nhân thiệt mạng, vụ xả súng tại hộp đêm Pulse năm 2016 chỉ thua vụ xả súng ở Las Vegas với 49 người chết và 53 người bị thương. 

Hung thủ Omar Mateen, 29 tuổi, là công dân Mỹ gốc Afghanistan, đã tốt nghiệp luật hình sự, làm nhân viên bảo vệ cho Công ty G4S. Vài giờ sau khi xảy ra vụ xả súng tại hộp đêm, IS đã lên tiếng nhận trách nhiệm.

Các động cơ khác nhau

Ngoài ba vụ xả súng có yếu tố Hồi giáo cực đoan, nhiều vụ xả súng đẫm máu còn lại trong 25 năm qua ở Mỹ xuất phát từ nhiều động cơ.

Một số vụ do kẻ mắc bệnh tâm thần thực hiện như Adam Lanza, 20 tuổi, xả súng tại Trường tiểu học Sandy Hook (bang Connecticut) ngày 14-12-2012 làm 26 người chết; James Holmes, 24 tuổi, xả súng trong rạp chiếu phim ở Aurora (bang Colorado) ngày 20-7-2012 làm 12 người chết và 70 người bị thương; sinh viên Cho Seung Hui, 23 tuổi, bắn chết 32 người và làm bị thương 50 người ở Đại học Công nghệ Virginia tại Blacksburg ngày 16-4-2007.

Một số vụ khác xảy ra vì những động cơ hết sức bất ngờ. James Huberty, 41 tuổi, tin rằng nước Mỹ sắp rơi vào hỗn loạn nên vào nhà hàng ở San Ysidro (bang California) xả súng làm 21 người chết và 19 người bị thương ngày 18-7-1984.

Trong vụ xả súng tại quán cà phê ở Killeen (bang Texas) ngày 16-10-1991, George Hennard sát hại 22 người và làm bị thương 20 người vì căm thù chính quyền bang.

Trong khi đó, Jiverly Wong, 41 tuổi, sát hại 13 người trong trung tâm người nhập cư ở Binghamton (bang New York) hôm 3-4-2009 bởi bản thân khó hòa nhập với xã hội.

Động cơ thảm sát bằng súng ở Mỹ chẳng biết đâu mà lần - Ảnh 3.

Hung thủ Omar Mateen và hộp đêm Pulse trong vụ xả súng ngày 11-6-2016 - Ảnh: Dailynews

Căn cứ Mỹ cũng không thoát!

Nửa năm trước ngày xảy ra vụ tàn sát tại hộp đêm ở Orlando là vụ xả súng ở San Bernardino (bang California). Hung thủ Syed Rizwan Farook, 28 tuổi, là công dân Mỹ gốc Pakistan, làm chuyên viên môi trường tại Sở Y tế công cộng San Bernardino.

Ngày 2-12-2015, hắn cùng vợ là Tashfeen Malik, 27 tuổi, xông vào bữa tiệc Giáng sinh tại trung tâm xã hội Inland, nơi tiếp nhận người thất nghiệp và vô gia cư của địa phương. Chúng sử dụng hai khẩu súng trường và hai khẩu súng ngắn để tàn sát làm 14 người chết và 22 người bị thương rồi chạy trốn. Cả hai đã bị cảnh sát săn lùng bắn hạ.

Vợ chồng Syed Farook đã chuẩn bị kỹ lưỡng vụ xả súng. Chúng lên mạng tuyên bố có liên hệ với IS nhưng kết quả điều tra cho thấy chúng không có liên hệ với tổ chức khủng bố nước ngoài nào. 

Trong vụ này, IS phát tuyên bố khẳng định hai hung thủ xả súng là các phần tử ủng hộ IS. Đây cũng là vụ xả súng đầu tiên liên quan đến IS xảy ra ở Mỹ.

Động cơ thảm sát bằng súng ở Mỹ chẳng biết đâu mà lần - Ảnh 4.

Bà Emily Addison và các con tham gia chủ đề "Dear Orlando"vào tháng 6-2017 để chia sẻ cảm thông với gia đình nạn nhân bị thảm sát. Chồng bà thiệt mạng trong vụ xả súng do Omar Mateen thực hiện - Ảnh: Dear World

Trước khi IS xuất đầu lộ diện, vụ xả súng xảy ra tại căn cứ quân sự Fort Hood (bang Texas) có liên quan đến tổ chức Hồi giáo cực đoan Al Qaeda. 

Hôm 5-11-2009, tức ba tuần sau khi biết tin đơn vị sẽ được triển khai đến Afghanistan, thiếu tá - bác sĩ tâm thần Nidal Hasan là công dân Mỹ gốc Palestine đã xả súng sát hại 13 người và làm bị thương 32 người.

Theo kết quả điều tra, sáng ngày gây án, Nidal Hasan mặc trang phục truyền thống Hồi giáo uống cà phê trong căn cứ. Vài tiếng sau, hắn thay quân phục rồi vào trung tâm huấn luyện, nơi khoảng 400 binh sĩ đang khám sức khỏe trước ngày lên đường sang Afghanistan. 

Hắn hô to câu "Allahu Akbar" và khai hỏa hai khẩu súng ngắn. Một nữ cảnh sát đặc nhiệm dù bị thương nhưng vẫn bắn trả làm Nidal Hasan bị thương. Sau đó hắn đã bị liệt do chấn thương.

Cuối tháng 8-2013, tòa án quân sự tại căn cứ Fort Hood đã tuyên án tử hình đối với Nidal Hasan. Trước phiên tòa, Nidal Hasan đã gửi cho đài Fox News một bức thư viết tay dài bảy trang giấy ký tên SoA, nghĩa là "Chiến binh của thánh Allah". 

Trong thư, Nidal Hasan thông báo từ bỏ quốc tịch Mỹ và tự nhận có liên hệ với giáo sĩ Anwar al-Awlaki (trùm Al Qaeda bị tiêu diệt vào cuối tháng 9-2011 tại Yemen).

Theo Hoàng Duy Long (Tuổi Trẻ)