Thế giới

Donald Trump và Hillary Clinton phản ứng về phản quyết của Toà Trọng tài

Ứng cử viên của đảng Dân chủ trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016, bà Hillary Clinton và đối thủ đảng Cộng hoà Donald Trump đã hối thúc các bên tôn trọng phán quyết của Toà Trọng tài về vụ kiện Biển Đông.

Ứng cử viên của đảng Dân chủ trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016, bà Hillary Clinton và đối thủ đảng Cộng hoà Donald Trump đã hối thúc các bên tôn trọng phán quyết của Toà Trọng tài về vụ kiện Biển Đông.

Trong một tuyên bố, cựu Ngoại trưởng Mỹ nêu rõ: “Mỹ có lợi ích lớn và lâu dài tại Biển Đông cũng như đối với hoạt động thương mại không bị ngăn cản. Do vậy, việc hoạt động thương mại tự do tại khu vực Biển Đông có ý nghĩa then chốt với nền kinh tế nước này. Điều quan trọng là tất cả các bên phải tuân thủ phán quyết trên và tiếp tục theo đuổi các giải pháp hòa bình để giải quyết tranh chấp”. 

Cố vấn của ửng cử viên tranh cử tổng thống bên phía đảng Cộng hòa Donald Trump cho biết ông Trump cũng hối thúc tất cả các bên tôn trọng phán quyết của PCA trong vụ kiện của Phillipines. 

Cùng ngày, các nghị sĩ Canada lên tiếng hoan nghênh Toà Trọng tài ra phán quyết có lợi cho Philippines. Thượng nghị sĩ Tobias C. Enverga Jr.  nêu rõ: “Tôi rất hài lòng với phán quyết nhất trí của Tòa đối với 7 trong tổng số 15 điểm đệ trình của Philippines. Đây là một tuyên bố rõ ràng của cộng đồng quốc tế về việc yêu sách của Trung Quốc không được chấp nhận và rằng nước này đang cố gắng ép buộc các quốc gia nhỏ hơn trong khu vực bằng cách sử dụng sức mạnh quân sự và kinh tế”.

Thượng nghị sĩ Enverga hối thúc Chính phủ Canada làm mọi việc trong khả năng của mình để đảm bảo rằng tất cả các bên liên quan tuân thủ các công ước quốc tế. Ông cũng kêu gọi Chính phủ Trung Quốc thực thi nghĩa vụ theo Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển mà nước này đã phê chuẩn năm 1996. 

Trước đó, Toà Trọng tài đã ra phán quyết ủng hộ Phillipines trong vụ kiện này, qua đó bác bỏ yêu sách của Trung Quốc về "các quyền lịch sử" đối với những vùng biển nằm trong "đường 9 đoạn" là trái với Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển 1982 (UNCLOS). 

Trung Quốc không có "tư cách lịch sử" đối với các vùng biển ở Biển Đông và không có cơ sở pháp lý để đưa ra những tuyên bố về "các quyền lịch sử" đối với những nguồn tài nguyên trong "đường 9 đoạn".

Theo Vietnamplus.vn