Thế giới

Dòi và công dụng gây sốc trong điều trị vết thương

Với những ai luôn mặc định Dòi là một thứ gì đó bẩn thỉu và đáng ghê tởm, bài viết này không dành cho họ. Bởi đây trước hết và quan trọng nhất, là câu chuyện về công dụng hữu ích của Dòi trong y học cổ xưa và lý giải tại sao cách điều trị gây nhiều phản ứng trái chiều này lại đang là ứng dụng trị liệu hàng đầu.

Dự án “Nghiên cứu việc sử dụng dòi cho mục đích chữa bệnh trong khu vực chiến tranh và các cơ sở chăm sóc sức khỏe” của Tiến sĩ Frank Stadler của Đại học Griffith mới đây đã nhận được chứng chỉ Y Tế Thế giới. Hồi tháng 9 vừa qua, Quỹ Humanitarian Grand Challenge Canada đã tài trợ 250 nghìn USD để ông và các cộng sự tiếp tục phát triển dự án này.

“Dòi có công dụng tuyệt vời. Chúng loại bỏ các mô chết, giúp khử trùng vết thương” – ông Stadler phát biểu.

Dòi và công dụng gây sốc trong điều trị vết thương
Dòi không chỉ sắm vai "phản diện" ghê tởm mà còn có giá trị đặc biệt hữu ích trong y học

Việc sử dụng dòi trong các phương pháp điều trị y khoa thực ra đã phát triển độc lập trên toàn thế giới trong hơn một nghìn năm qua bởi một số nền văn hóa cổ đại. Từ những người dân miền Bắc Myanmar đến những lang y người Maya ở Trung Mỹ hay bộ tộc Ngemba của thổ dân New South Wales tại Australia. Ở Australia, “Liệu pháp dòi” của những thổ dân cổ đại đã được sử dụng trong Thế chiến thứ I và thứ II.

Trong chiến tranh thế giới thứ I, một số bác sĩ quân y Mỹ phát hiện ra rằng tỷ lệ lành lặn của những vết thương có dòi cao hơn so với những vết thương (tương tự) không có dòi. Trong thế chiến thứ II, liệu pháp dòi được sử dụng phổ biến để điều trị cho các binh lính ở Anh. Những năm 1930-1940, hàng trăm bệnh viên ở Mỹ đã áp dụng phương pháp trị bệnh này cho tới khi kháng sinh ra đời. Ở Châu Âu, tính tới năm 2008, việc dùng dòi điều trị bệnh đã được áp dụng trên 1.000 trung tâm y tế.

"Dòi loại bỏ vi khuẩn trong những vết thương bằng cách ăn chúng. Thông qua việc tiêu hóa, chất bài tiết từ dòi có tác dụng ngược trở lại vết thương, giúp kiểm soát sự nhiễm trùng đủ để cơ thể lành vết thương", tiến sĩ Stadler nói với các phóng viên. Theo ông Stadler "Trong những năm trở lại đây, “dòi y tế” đã được sử dụng trong các điều trị lâm sàng hiện đại"

Dòi và công dụng gây sốc trong điều trị vết thương - 1
Thực ra hơn 1000 năm qua, đặc biệt là trong 2 cuộc đại chiến Thế giới, người ta đã dùng Dòi để điều trị các vết thương hở

Liệu pháp dòi được giáo sư Stadler mô tả một cách đơn giản như sau: “Những con dòi chữa bệnh được cho vào bao vải mỏng hoặc để trực tiếp lên vết loét và chúng sẽ trú ngụ ở vết thương từ 2 đến tối đa 4 ngày để dọn sách các mô chết. Dùng dòi trị bệnh nghe có vẻ ghê tởm, nhưng liệu pháp này vô cùng hiệu quả. Dòi y tế chỉ ăn các tế bào chết thay vì tế bào sống nên chúng sẽ dọn sạch vết thương giúp nó mau lành”

Nhóm nghiên cứu của Stadler tin rằng công việc của họ không chỉ "đóng góp thực sự cho đời sống và y tế hiện đại" mà “liệu pháp dòi” còn là một giải pháp an toàn - tiết kiệm chi phí “trong bối cảnh kháng sinh đang trở thành một trong những mối đe dọa đến sức khỏe con người và dần bị hạn chế sử dụng”.

Tiến sĩ Stadler khẳng định: “liệu pháp dòi đã chứng minh sự hiệu quả trong các chứng như nhiễm tụ cầu khuẩn, thứ mà thuốc kháng sinh như Pelicilin đã hoàn toàn mất công dụng”.

Những con dòi sử dụng trong các thử nghiệm lâm sàng của bác sĩ Stadler được khử trùng đặc biệt. “Trứng ruồi được thu hoạch trong môi trường hoàn toàn tiệt trùng để ấu trùng (Dòi) nở ra từ trứng là vô trùng khi chúng được đặt vào các vết thương cần điều trị ”, ông nói. 

Hiện ở Australia, Bệnh viện Westmead (Sydney) là nhà cung cấp duy nhất những con dòi y tế tiệt trùng được Bộ Y tế cấp phép. Theo Trưởng khoa nuôi dòi của Bệnh viện Westmead: “chỉ những ấu trùng của giống nhặng xanh (tên khoa học: Lucilia sericata) mới được sử dụng làm dòi y tế vì loại này chỉ ăn những chất thải hữu cơ (mô chết) mà không tấn công những mô sống".

Dòi và công dụng gây sốc trong điều trị vết thương - 2
Dòi - ấu trùng của loại nhặng xanh mới được sử dụng làm Dòi y tế

Điều trị bằng “Liệu pháp dòi”, theo Tiến sĩ Stadler “vẫn bị coi là phương pháp điều trị cuối cùng được xét tới ở Australia trong khi đáng ra nó phải là lựa chọn lý tưởng đầu tiên”.

Đưa ra một ví dụ về việc liệu “Liệu pháp dòi” có thể giúp ích gì ở giai đoạn đầu phát bệnh, ông Stadler nói: “Khi một bệnh nhân tiểu đường xuất hiện những vết loét đầu tiên, Liệu pháp dòi là lựa chọn tuyệt vời trong xử lý viêm loét, giúp khử trùng và làm liền vết loét trước khi chúng ta tiếp tục các bước trị tiếp theo”.

Peter Lazzarini, đồng chủ tịch Hội “Điều trị bệnh tiểu đường Australia”, nói với các phóng viên ABC rằng “một số nghiên cứu đã thử nghiệm “Liệu pháp dòi” trên bệnh nhân loét chân do tiểu đường và kết quả thu được là rất hứa hẹn. Nhưng chúng tôi cần các nghiên cứu lớn hơn để chứng minh liệu “Liệu pháp dòi” có hiệu quả hơn các phương thức truyền thống khác hay không”.

Ngoài việc áp dụng liệu pháp dòi cho những vết thương hở, các bác sĩ còn sử dụng dòi để điều trị các bệnh viêm như viêm đại tràng. Theo đó, thay vì để ấu trùng dòi lên vết thương hở, bệnh nhân sẽ phải... nuốt dòi vào bụng. Theo tin từ ABC, Một bệnh nhân Australia bị viêm đại tràng đã trị dứt điểm bệnh của mình bằng liệu pháp “kinh dị” này. Ông đã phải nuốt khoảng 1500 trứng dòi trong 2 lần điều trị tại Thái Lan. Sau 3 tháng, bệnh viêm đại tràng của ông gần như khỏi hoàn toàn.

TẦM HOAN (SHTT)