Thế giới

Đối thoại liên Triều: 'Phá băng' không dễ

Video Triều Tiên phóng ICBM ngày 4/7/2017

Nếu Bình Nhưỡng lại thử vũ khí hay tập trận Mỹ - Hàn tiếp tục sau Thế vận hội thì kết quả của đối thoại Hàn Quốc - Triều Tiền, cho dù tích cực thế nào đi nữa, cũng chỉ là tạm thời.

Động thái cải thiện quan hệ với Hàn Quốc của Triều Tiên gần đây không hoàn toàn bất ngờ, bởi vì Bình Nhưỡng vốn có "tiền lệ" tiến hành hàng loạt hành động khiêu khích, sau đó theo đuổi đối thoại với Seoul và Washington để đạt được các thỏa thuận.

Nhìn lại diễn biến năm 2017, căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên leo thang nhanh chóng và nguy hiểm, gây lo ngại về nguy cơ bùng phát chiến tranh. AP nhận định cuộc đàm phán cấp cao liênTriều ngày 9/1, lần gặp gỡ chính thức đầu tiên giữa hai nước trong 2 năm qua, ít nhất mang lại hy vọng làm giảm căng thẳng về chương trình hạt nhân và tên lửa của Bình Nhưỡng.

"Cành ô liu" của Kim Jong Un

Trong bài phát biểu năm mới, nhà lãnh đạo trẻ của Triều Tiên Kim Jong Un nói ông sẵn sàng cử phái đoàn tới Hàn Quốc tham dự Thế vận hội mùa đông vào tháng 2, đồng thời tuyên bố ông có một "nút hạt nhân" trên bàn có thể phóng tên lửa hạt nhân vào bất cứ địa điểm nào trên đất Mỹ.

Các nhà quan sát nói thông điệp "hỗn hợp", vừa mềm vừa rắn như vậy của ông Kim là cái bẫy để gây chia rẽ giữa hai đồng minh lâu năm Mỹ và Hàn Quốc, làm suy giảm sức ép trừng phạt quốc tế do Washington dẫn đầu và "câu" thêm thời gian để cho Triều Tiên hoàn thiện chương trình vũ khí hạt nhân của mình. Các biện pháp trừng phạt của Liên Hợp Quốc và các nước được siết chặt hơn sau khi Triều Tiên tiến hành vụ thử hạt nhân lần thứ sáu và cũng là uy lực nhất, và phóng 3 tên lửa đạn đạo liên lục địa trong năm 2017.

Tổng thống theo trường phái tự do của Hàn Quốc Moon Jae In, người mong muốn nối lại đàm phán với Triều Tiên, đã nhanh chóng hồi đáp sự ngỏ ý của ông Kim Jong Un bằng cách đề nghị đối thoại tại làng đình chiến Bàn Môn Điếm ở biên giới hai nước, nhằm thảo luận về sự hợp tác Olympic và toàn bộ mối quan hệ. Kim Jong Un đã chấp thuận lời đề nghị của tổng thống Hàn Quốc.

Đối thoại liên Triều: 'Phá băng' không dễ
Vị trí làng đình chiến Bàn Môn Điếm (Panmunjom) tại khu phi quân sự giữa Hàn Quốc và Triều Tiên, nơi hai nước tiến hành cuộc đối thoại cấp cao ngày 9/1.

Tổng thống Donald Trump hôm 6/1 gọi cuộc đàm phán là "khởi đầu lớn", nói ông hy vọng một số tiến bộ sẽ đạt được trong các cuộc thương lượng. 

Hợp tác Olympic: Dễ trước khó sau

Quan chức Hàn Quốc nói họ sẽ tập trung đối thoại về vấn đề hợp tác Olympic trước khi chuyển sang những vấn đề khó khăn hơn về chính trị và quân sự.

Chính quyền Tổng thống Moon Jae In mong muốn Triều Tiên tham gia vào Thế vận hội diễn ra từ ngày 9-25/2 ở Pyeongchang, Hàn Quốc, với hy vọng làm giảm sự thù địch giữa các bên. Hàn Quốc có thể đề nghị các vận động viên của hai miền diễu hành cùng nhau trong lễ khai mạc và bế mạc Thế vận hội, cũng như tổ chức một đội thi đấu khúc côn cầu nữ chung của cả hai nước.

Đối thoại liên Triều: 'Phá băng' không dễ - 1
Vận động viên thể dục dụng cụ Hàn Quốc và Triều Tiên bắt tay tươi cười trong bức ảnh chụp chung tại Thế vận hội mùa hè 2016 tại Rio de Janeiro, Brazil. Ảnh: AP.

Vận động viên từ hai miền trên bán đảo Triều Tiên từng có những hoạt động tương tự trong các sự kiện thể thao quốc tế. Động thái mang tính biểu tượng kiểu này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng và được cộng đồng quốc tế quan tâm.

Mặc dù vậy, các môn thể thao mùa đông không phải là thế mạnh của Triều Tiên, nước này hiện không có vận động viên nào đủ điều kiện để thi đấu tại Olympic Pyeonghang. Bình Nhưỡng cần được cấp thêm hạn ngạch bổ sung để vận động viên của mình có thể tham gia Thế vận hội.

Truyền thông Nhật Bản cho hay đại diện Ủy ban Olympic Quốc tế của Triều Tiên, Chang Ung, đã tới Thụy Sĩ vào cuối tuần vừa rồi để gặp gỡ các quan chức Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC). Hàn Quốc dự kiến cũng sẽ đề nghị IOC cho phép Triều Tiên tham dự Thế vận hội.

Nhiều cản trở, khó đột phá

Bình Nhưỡng và Seoul có khả năng sẽ đạt được đồng thuận về việc Triều Tiên tham gia Olympic, song họ chắc chắn rất mâu thuẫn về những vấn đề khác liên quan để cải thiện quan hệ.

Chính phủ Tổng thống Moon muốn nối lại các cuộc hội ngộ của những gia đình ly tán sau chiến tranh và đưa ra các biện pháp để giảm những mối đe dọa ở khu vực tiền tuyến. Nhưng đổi lại, Triều Tiên có thể đòi hỏi một số nhượng bộ, trong đó có việc khôi phục các dự án hợp tác bị đình trệ có lợi cho Triều Tiên hoặc ngừng các cuộc tập trận thường niên Mỹ - Hàn mà Bình Nhưỡng cho là hành động chuẩn bị cho xâm lược.

Ông Moon đã tỏ rõ thiện chí đối thoại cùng Triều Tiên, đặc biệt với đề nghị hoãn tập trận chung với Mỹ cho đến khi Olympic và Paralympic kết thúc vào tháng 3. Nhưng cái mà Bình Nhưỡng muốn là một chấm dứt dài hạn - điều mà Seoul sẽ không thể nào chấp nhận. 

Chính quyền Trump đã đồng ý hoãn cuộc tập trận mùa xuân với Hàn Quốc cho đến sau Thế vận hội. Nhưng Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis nhấn mạnh quyết định trì hoãn này chỉ nhằm tạo điều kiện cho Olympic, không phải một động thái mang ý nghĩa chính trị.

Đối thoại liên Triều: 'Phá băng' không dễ - 2
Binh lính Hàn Quốc tuần tra trên con đường nối hai miền Bắc - Nam tại cầu Thống Nhất, gần khu phi quân sự DMZ ở biên giới Hàn Quốc - Triều Tiên ngày 9/1. Ảnh: Getty.

Theo giới phân tích, thỏa thuận của Hàn Quốc nhằm "hồi sinh" khu công nghiệp chung hay một dự án du lịch với Triều Tiên cũng có thể bị chỉ trích là vi phạm các lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc, vì dẫu sao những sự hợp tác đó cũng tạo cơ hội cho tiền của Hàn Quốc chuyển sang "túi" Triều Tiên. 

Các nhà phê bình dự đoán rằng căng thẳng có thể lại bùng lên sau Olympic, với việc Mỹ - Hàn tiếp tục tập trận còn Triều Tiên phản ứng bằng các cuộc thử nghiệm vũ khí mới.

"Với việc tập trận chung tiếp tục diễn ra vào tháng 4, quan hệ Bắc - Nam sẽ lại lạnh nhạt", Cheong Seong Chang, chuyên gia phân tích cao cấp tại Viện Sejong ở Hàn Quốc, nhận định. "Có nhiều lý do để tin rằng mọi thứ sẽ còn tồi tệ hơn trong nửa sau của năm 2018".

New York Times dẫn lời ông Cheong cho rằng nếu Bình Nhưỡng tiến hành thêm các thử nghiệm vũ khí thì cho dù đối thoại Hàn - Triều có mang lại kết quả gì đi chăng nữa, tất cả cũng chỉ là "tạm thời".

Dẫn đầu phái đoàn đàm phán của Triều Tiên là Ri Son Gwon, một chính trị gia cứng rắn, người đứng đầu cơ quan trong chính phủ phụ trách xử lý quan hệ với Hàn Quốc. Ông Ri là cộng sự thân thiết của quan chức cấp cao đảng Lao động Kim Yong Chol, người mà giới chức Hàn Quốc cho rằng đã đứng sau hai vụ tấn công năm 2010 khiến 50 người Hàn thiệt mạng. 

Theo Ngụy An (Tri Thức Trực Tuyến)