Thế giới

Đối đầu Trung - Ấn "ám" BRICS

Trung Quốc sẽ thúc đẩy tăng cường vai trò lãnh đạo thế giới của BRICS để lấp vào chỗ trống mà nước Mỹ của Tổng thống Donald Trump bỏ lại

Trung Quốc sẽ thúc đẩy tăng cường vai trò lãnh đạo thế giới của BRICS để lấp vào chỗ trống mà nước Mỹ của Tổng thống Donald Trump bỏ lại

Khoản vay "mềm"

Truyền thông Trung Quốc không khỏi hoan hỷ với cái kết "tốt đẹp" này và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi cũng sẽ tới Trung Quốc cùng lãnh đạo các thành viên khác của BRICS (bao gồm Brazil, Nga và Nam Phi) để tham dự sự kiện vốn là một trong những hoạt động ngoại giao "sân nhà" quan trọng nhất của Trung Quốc trong năm 2017.

Thế nhưng, cả New Delhi và Bắc Kinh không tiết lộ chi tiết thỏa thuận dẫn tới chấm dứt trạng thái "không chiến, không hòa" hơn 70 ngày ở Doklam. Trong khi đó, những suy đoán về khoản vay "mềm" không nhỏ Trung Quốc dành cho Ấn Độ ngày càng lan rộng.

Bộ Quốc phòng Trung Quốc ngày 31-8 bác bỏ những thông tin bùng nổ trên mạng xã hội rằng Ấn Độ nhất trí dàn xếp đối đầu Doklam sau khi Bắc Kinh hứa hẹn một khoản vay 20 tỉ USD.

Trả lời chất vấn của báo giới, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc Nhiệm Quốc Cường nhấn mạnh: "Đối với câu hỏi về việc Trung Quốc cung cấp khoản vay để Ấn Độ rút quân, chúng tôi đã kiểm tra các cơ quan chính phủ có liên quan. Tất cả chỉ là bịa đặt".

Trong một tuyên bố tương tự, Bộ Ngoại giao cũng bác bỏ chuyện New Delhi được "lót tay" khoản vay 20 tỉ USD. Tuy vậy, giới quan sát cho rằng những phản ứng dồn dập từ các cơ quan chính thức cũng như báo giới Trung Quốc dường như là cố tình "bôi đậm" suy đoán nói trên, bởi nó thể hiện nền kinh tế số 2 thế giới mạnh về tài chính hơn Ấn Độ, đồng nghĩa là một đối thủ khó chống chọi về mặt quân sự.

 Căng thẳng biên giới giữa Bắc Kinh và New Delhi tạm lắng sau khi Ấn Độ nhất trí rút quân khỏi cao nguyên Doklam Ảnh: AP

Căng thẳng biên giới giữa Bắc Kinh và New Delhi tạm lắng sau khi Ấn Độ nhất trí rút quân khỏi cao nguyên Doklam Ảnh: AP

Cơ hội nói chuyện

Theo đài ABC News, trong lần gặp nhau đầu tiên kể từ khi căng thẳng biên giới bùng phát hồi tháng 6, tại Hội nghị thượng đỉnh BRICS, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và ông Modi sẽ có cơ hội tốt nhất để nói chuyện.

Tuy vậy, trong khi đối đầu Doklam chưa được giải quyết triệt để - và sẽ không thể không bàn thảo tại hội nghị lần này, Bắc Kinh ngày 31-8 đã phát tín hiệu chặn đứng bất cứ ý định "nói chuyện" nào của thủ tướng Ấn Độ về một vấn đề khác cũng gây xích mích từ lâu giữa hai nước. Đó là những cáo buộc liên quan tới Pakistan che chở khủng bố.

Ông Modi từng đưa vấn đề này ra tại Hội nghị Thượng đỉnh BRICS tại Goa - Ấn Độ hồi năm ngoái với chỉ trích khiến Bắc Kinh không đồng tình rằng Pakistan là "mẹ đẻ của chủ nghĩa khủng bố". Tuyên bố đây không phải chủ đề thích hợp với BRICS năm nay, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh còn cảnh báo đưa vấn đề này ra có thể ảnh hưởng tới sự thành công của hội nghị bởi các nhà lãnh đạo Trung Quốc có thể buộc phải bảo vệ đồng minh thân cận của mình.

Tờ South China Morning Post ngày 1-9 cho biết ngoài những xung đột Trung - Ấn nói trên, ít nhất 4 vấn đề khác sẽ nóng tại hội nghị ở Hạ Môn. Trong số đó, các nhà lãnh đạo của khối BRICS phải tập trung tìm lời giải cho các câu hỏi gồm khôi phục tăng trưởng của các thành viên, theo đuổi vai trò lãnh đạo thế giới lớn hơn, cũng như những mục tiêu và dự án phát triển bền vững.

Theo các chuyên gia, tăng cường vai trò lãnh đạo thế giới của các quốc gia BRICS có thể sẽ được Bắc Kinh tập trung đẩy mạnh. Chiếm tổng cộng 23% nền kinh tế thế giới và 43% dân số toàn cầu, khối BRICS có thể lấp phần nào vào chỗ trống do Mỹ để lại khi Tổng thống Donald Trump theo đuổi các chính sách hướng về chủ nghĩa biệt lập kinh tế.

Tham dự hội nghị kéo dài tới ngày 5-9 này còn có lãnh đạo của 5 quốc gia đang phát triển khác không phải thành viên, bao gồm Tajikistan, Ai Cập, Mexico, Guinea và Thái Lan. Và vấn đề "mở cửa" kết nạp các thành viên mới cũng được đưa lên bàn hội nghị.

Theo Thu Hằng (Nld.com.vn)