Thế giới

Đoàn Thị Hương: Số phận nào cho ngày tuyên án?

Từ cô gái mang trong mình giấc mơ đổi đời, Đoàn Thị Hương bỗng trở thành nhân vật chính trong vụ án mạng chấn động mà các luật sư cho rằng cô đã bị biến thành "dê tế thần".

Với cảnh sát điều tra và công tố viên Malaysia, Hương là nghi phạm giết người. Với ông Đoàn Văn Thạnh, Hương là đứa con gái út "đến chuột còn sợ". Với các luật sư bào chữa, Hương là một trong hai "con dê tế thần". Với truyền thông quốc tế, Hương là một trong hàng triệu cô gái nông thôn ở Đông Nam Á lớn lên với giấc mơ đổi đời.

Thế nhưng, Đoàn Thị Hương rốt cuộc sẽ là gì trong mắt các quan tòa ở Malaysia vào ngày 16/8?

Sau hơn một năm rưỡi, nghi án Kim Jong Nam, trong đó Hương bị cáo buộc ra tay sát hại người được cho là anh trai cùng cha khác mẹ của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un hồi tháng 2/2017, cuối cùng cũng bước vào ngày tuyên án.

Phán quyết của tòa án Malaysia sẽ định đoạt số phận của cô gái Nam Định sinh năm 1988. Kết luận có tội, cô sẽ đối mặt với án tử hình; nếu phán quyết ngược lại, cô có thể được thả ngay tại phiên tòa. 

Cô gái có thể từng muốn bản thân trở thành tâm điểm chú ý nhưng hoàn toàn không phải theo cách mà cô đã và đang nếm trải trong 550 ngày qua.

Đoàn Thị Hương: Số phận nào cho ngày tuyên án?

"Con tôi ngoan lắm, cả làng cả xã biết. Đến chuột còn sợ thì sao dám làm chuyện tày trời", ông Đoàn Văn Thạnh, cha của Đoàn Thị Hương, từng trả lời Zing.vn không lâu sau khi Hương bị bắt giữ tại Malaysia. Người đàn ông 64 tuổi vừa nói vừa bặm chặt tay vào thành bàn, hai chân rung liên hồi.

Những ngày tháng 2/2017 có lẽ là ký ức không thể nào quên đối với ông cũng như nhiều người dân xã Nghĩa Bình, vùng quê cách thành phố Nam Định khoảng 50 km. Lần đầu tiên một đứa con của làng trở thành tâm điểm của báo chí quốc tế khi vụ Kim Jong Nam xảy ra.

Đoàn Thị Hương: Số phận nào cho ngày tuyên án? - 1

Là con út trong nhà có 5 anh em, Hương rời quê lên Hà Nội hơn chục năm nay, kể từ khi theo học một trường trung cấp dược. Cô về nhà một năm chỉ hai lần, gần nhất là dịp Tết vừa rồi, ít liên lạc với gia đình nhưng chưa bao giờ là người hay sinh sự.

Ông Thạnh không tin con gái mình là hung thủ giết người. Những người dân Nghĩa Bình cũng không tin cô gái từng sống trong căn nhà cấp bốn cạnh bờ kênh thủy nông có thể đoạt mạng người khác bằng chất độc thần kinh VX, hợp chất nằm trong danh mục cấm của Liên Hợp Quốc.

"Trăm phần trăm là Hương vô tội. Con bé không thể làm được việc đó", ông Thạnh nói với các phóng viên hồi tháng 4/2017 khi sang Malaysia thăm Hương. Trong cuộc trò chuyện khoảng một tiếng với con gái ở nhà tù, người đàn ông từng chiến đấu ở chiến trường Quảng Trị chỉ biết khuyên con bình tĩnh và nói đi nói lại "bố mẹ vẫn luôn cầu nguyện cho con".

Sau khi mẹ ruột của Hương đã qua đời vào năm 2015, ông Thạnh, thương binh hạng 2/4, đi bước nữa với bà Nguyễn Thị Vỳ. Ông Thạnh kể đợt Tết vừa rồi, Hương về thăm nhà, trong người không có tiền mới xin bà Vỳ 50.000 đồng để đi xe, theo một bài viết trên New York Times.

Đó là lần cuối ông Thạnh và bà Vỳ gặp Hương trước khi họ bàng hoàng nhận ra cô gái mặc áo thun có in chữ "LOL" tại sân bay quốc tế Kuala Lumpur theo cách mà không ai có thể tin được. Hương không nói sẽ đi nước ngoài và cũng không ai trong gia đình biết chính xác Hương ở đâu cho đến khi hay tin cô bị bắt tại Malaysia.

Người mẹ kế cho biết vì điều kiện kinh tế khó khăn, người thân Hương sẽ không sang dự phiên tuyên án dự kiến diễn ra vào ngày 16/8, nói "chỉ biết cầu nguyện cho con được trở về đoàn tụ với gia đình".

"Có sang thì cũng chỉ biết nhìn thôi chứ làm gì được. Bảo là cái gì thì cha mẹ còn gánh cho được chứ như vậy thì làm sao mà gánh được đây?", bà Vỳ nói với Zing.vn qua điện thoại hôm 13/8.

Đoàn Thị Hương: Số phận nào cho ngày tuyên án? - 2

Kể từ khi Hương bị bắt, ông Thạnh mới chỉ một lần gặp con trong tù hồi tháng 4 năm ngoái. Tuy nhiên, ông chưa tham dự bất kỳ phiên tòa nào trong quá trình xét xử.

"Bố cháu cũng chỉ biết thở dài thở ngắn thương con thôi, nhưng cũng không biết làm thế nào. Thương con lắm đấy nhưng giờ biết làm thế nào được", bà Vỳ nói.

"Cũng đi xin bề trên (Chúa) rồi, cơ quan đoàn thể cũng ủng hộ, giúp đỡ. Giờ chỉ chờ xem cháu có được trở về không thôi. Nếu được về thì đó là điều tốt nhất cho gia đình".

Đoàn Thị Hương: Số phận nào cho ngày tuyên án? - 3

Cư dân mạng từng chia sẻ một đoạn video ghi hình một cô gái trông giống Hương tham gia vòng tuyển chọn của cuộc thi Vietnam Idol 2016. Báo The Star của Malaysia cho biết cảnh sát đã dùng công nghệ nhận diện và nhận định ngoại hình cô gái đó trùng khớp với Hương, người khi đó đang bị tạm giam.

Ban tổ chức cuộc thi chưa bao giờ lên tiếng xác nhận về việc này. Song dù cô gái đó có đúng là Hương hay không, Hương chắc hẳn cũng mong muốn cô có được cuộc sống hạnh phúc, có thể bằng cách này hay cách kia nhưng không phải trong tù.

Theo New York Times, nếu không có vụ án mạng, câu chuyện về Hương dường như cũng tương tự câu chuyện của những cô gái khác lớn lên với giấc mơ đổi đời ở các vùng quê nghèo tại Đông Nam Á, nơi có hơn 18 triệu người ra nước ngoài làm việc (số liệu của Liên Hợp Quốc năm 2013).

Trong những năm qua, hàng trăm nghìn người ở vùng đồng bằng sông Hồng cũng như các vùng khác trên cả nước đã xuất khẩu lao động sang Nhật Bản, Malaysia, Hàn Quốc và Đài Loan, những nơi họ có thể kiếm được thu nhập cao hơn ở nhà. Malaysia có gần 2,5 triệu di dân quốc tế vào năm 2013, đứng thứ hai trong ASEAN, sau Thái Lan, về việc thu hút lao động nước ngoài.

Nhiều người đến Malaysia thông qua các hợp đồng lao động chính thức được quản lý bởi hạn ngạch của chính phủ và do các trung tâm môi giới lao động sắp xếp. Song quá trình đó có thể gắn với tiêu cực khi những người muốn xuất khẩu lao động bị buộc phải chi hàng nghìn đô-la cho bên môi giới. Kết quả là một số người phá hợp đồng để làm chui.

Không rõ hoàn cảnh của Hương. Cơ quan điều tra Malaysia ghi trong hồ sơ cô là "nhân viên cơ sở giải trí". Còn nhìn trang Facebook được cho là của cô, tài khoản có tên "Ruby Ruby", người ta có thể thấy cô đi lại nhiều, thường xuyên ở Campuchia và Malaysia trong những tuần trước vụ án mạng.

Những bài đăng của Hương từ Malaysia, với những tấm hình và video cô cười chu môi, khó lòng cho thấy hình ảnh của một sát thủ máu lạnh. Ảnh chụp món kem, cánh gà rán và một con gấu bông trên giường ở một khách sạn.

"Sống là để ăn", Hương viết trong một bài đăng bằng tiếng Anh. "Em có thể ăn rất nhiều".

Siti Aisyah cũng là cô gái lớn lên từ một vùng quê nghèo ở phía đông Jakarta, thủ đô Indonesia. Cô bỏ học khi hết lớp 6, lấy chồng năm 16 tuổi và ly hôn ở tuổi 20, sau đó đến Malaysia làm việc.

Trước khi bị bắt cùng với Hương với cáo buộc đồng phạm, Aisyah nói với cha cô, ông Sari Nur Hasan (ảnh bên, cùng mẹ của Aisyah), rằng cô được tham gia "một bộ phim ở Malaysia" và bảo ông chúc cô may mắn, theo CNN.

Một ngày tháng 3 năm ngoái, khi ông Hasan đang chuẩn bị hàng hóa để mang bán tại một khu chợ địa phương thì điện thoại bất ngờ đổ chuông. Phía bên kia đầu dây là con gái ông. Cô gọi về từ một nhà tù ở Malaysia.

"Quá bàng hoàng, tôi chỉ biết khóc", người cha 56 tuổi nói với CNN trong căn nhà tại Rancasumur ở thành phố Serang.

"Nó không dám hại ai, kể cả đứa trẻ, chứ đừng nói đến nhân vật quyền lực như vậy", ông chia sẻ. "Đó là lý do tại sao tôi nhớ và thương con gái rất nhiều. Tôi không tin rằng những chuyện này lại có thể xảy ra, vì sao lại có người làm điều này với con tôi?".

"Con bé sẽ được chứng minh là vô tội. Con gái tôi không đời nào làm điều như vậy nếu không bị ai đó thao túng", ông quả quyết.

Ông nói Aisyah chỉ cầu xin một điều: những lời cầu nguyện của cha.

"(Nó nói với tôi) Xin bố hãy cầu nguyện cho con. Hãy cầu nguyện cho con để tất cả những chuyện này sẽ kết thúc sớm, để mọi thứ trôi qua dễ dàng, để con được sớm trở về nhà ở Indonesia. Thánh Allah sẽ giúp con, bảo vệ con, mang con khỏi Malaysia", ông Hasan nhớ lại lời con gái.

Đoàn Thị Hương: Số phận nào cho ngày tuyên án? - 4

Số phận của Aisyah sẽ được định đoạt cùng ngày với Hương, sau những phiên tranh tụng mà luật sư của cả hai đều khẳng định rằng thân chủ của họ đã bị biến thành những "con dê tế thần".

Đoàn Thị Hương: Số phận nào cho ngày tuyên án? - 5

Ba nghi can Triều Tiên đã được Malaysia thả về nước khoảng 2 tuần sau vụ án mạng theo một thỏa thuận giữa hai chính phủ. Trước đó, chỉ vài giờ sau cái chết của người được cho là Kim Jong Nam, 4 nghi can Triều Tiên khác đã tẩu thoát thành công khỏi Malaysia.

Cơ quan điều tra tin rằng 7 người này có liên quan đến việc tổ chức vụ ám sát. Các luật sư nói quyết định của chính phủ Malaysia đã ngăn chặn mọi cơ hội để đưa những kẻ thủ ác thực sự ra trước ánh sáng công lý.

"Hành động này có thể xem là sự thất bại của công lý", ông Gooi Soon Seng, luật sư bào chữa cho Aisyah, nói với phóng viên sau phiên tòa ngày 13/4/2017. "Hai cô gái chỉ là những con dê tế thần. Họ là những cô gái ngây thơ bị những người kia lợi dụng".

Trong khi đó, ông Hisyam Teh Poh Teik, luật sư bào chữa cho Hương, thường xuyên nêu quan điểm rằng phiên tòa xét xử các bị cáo không thể hiện sự công bằng với bản kết luận điều tra thể hiện sự cẩu thả và thiên vị. Sự vắng mặt của các nghi can người Triều Tiên là bất lợi lớn đối với hai nữ bị cáo.

Đoàn Thị Hương: Số phận nào cho ngày tuyên án? - 6

Giới phân tích nói Triều Tiên đã "bắt thóp" Malaysia bằng cách cấm 9 viên chức ngoại giao Malaysia cùng người thân của họ về nước khi căng thẳng dâng cao giữa hai bên sau vụ án mạng. Điều kiện là Kuala Lumpur phải đồng ý bàn giao thi thể nạn nhân cũng như cho 3 nghi can Triều Tiên, những người đang cố thủ trong sứ quán nước này ở Malaysia, xuất cảnh.

"Najib (thủ tướng Malaysia khi đó) muốn toàn bộ nhóm người Malaysia mắc kẹt Triều Tiên được về nước vì những lý do chính trị, nên sẵn sàng để Triều Tiên thoát khỏi tội giết người", New York Times dẫn lời ông James Chin, giám đốc Viện Châu Á Tasmania thuộc Đại học Tasmania ở Australia, nhận xét về vụ thả người.

Ông Koh Yu Hwan, giáo sư chuyên ngành Triều Tiên học tại Đại học Dongguk ở Seoul, Hàn Quốc, nói Malaysia đã "ngây thơ".

"Họ kết thúc sự việc theo cách mà khó ai có thể tin được đó là tình huống pháp lý được xử lý bởi một nước bình thường", ông nói. "Tôi nghĩ Malaysia hoàn toàn rơi vào thế bị động khi Triều Tiên dùng chiêu bắt cóc con tin".

Thực tế, 9 viên chức ngoại giao Malaysia và người nhà của họ chưa bao giờ đối mặt với mối đe dọa về tính mạng, vẫn được tự do sinh hoạt hàng ngày, gọi về nhà và gửi hình ảnh.

Tuy nhiên, các nhà phân tích nói ông Najib hoàn toàn không nên để xảy ra một vụ bắt cóc công dân của mình trong lúc hướng đến cuộc bầu cử toàn quốc diễn ra năm sau (ông Najib cuối cùng thua cuộc trong cuộc bầu cử này và đang phải đối mặt với các cáo buộc tham nhũng).

"Triều Tiên thường nắm thóp được bất kỳ nước nào bị buộc phải đàm phán với họ, gồm cả Mỹ", ông Oh Ei Sun, cựu thư ký chính trị cho ông Najib, nghiên cứu viên cao cấp tại Trường Quan hệ Quốc tế Rajaratnam ở Singapore, nhận xét.

Sau cùng Malaysia cũng có được một nhượng bộ trong vụ dàn xếp "đổi người": Họ được phép thẩm vấn các nghi can Triều Tiên tại sứ quán trước khi những người này rời đi.

Đoàn Thị Hương: Số phận nào cho ngày tuyên án? - 7

"Chúng tôi đã có được mọi thứ chúng tôi muốn có từ họ", ông Khalid Abu Bakar, giám đốc cảnh sát quốc gia Malaysia, nói khi đó. "Họ đã hỗ trợ chúng ta, và họ được phép rời đi".

Ông cũng cho rằng Hương và Aisyah "hiểu rõ" việc họ làm, chỉ ra bằng chứng cho thấy hai nữ bị cáo đã luyện tập hành động "ám sát" tại 2 trung tâm thương mại.

"Chúng tôi tin tưởng chắc chắn rằng đây là việc đã được lên kế hoạch và họ đã được huấn luyện để làm việc đó. Đây không phải quay phim hay trò đùa. Không thể nào", ông nói với báo giới.

550 ngày, những người theo dõi vụ án có lẽ cũng đã nhìn thấy những kẽ hở, những khuất tất chưa được làm sáng tỏ. Và hơn ai hết, những thẩm phán của Malaysia bắt buộc là những người nhìn thấy rõ điều đó vào ngày 16/8.

Theo Vũ Mạnh - Châu Châu (Tri Thức Trực Tuyến)