Thế giới

Điều tra mafia: Phóng viên Italy làm bạn với tử thần

Hàng trăm phóng viên tại Italy phải sống dưới sự bảo vệ của cảnh sát 24/7, nhiều người bị cách ly hoàn toàn với gia đình trong nhiều năm vì dấn thân vào cuộc chiến chống mafia.

Suốt 4 năm ròng rã, Paolo Borrometi sống trong cô lập, dù về nghĩa đen thì chẳng bao giờ ông có giây phút riêng tư. Đã từ lâu, đi dạo qua công viên hay sải bước trên nền cát bờ biển Sicily quê hương đã là một mong ước xa xỉ không thành hiện thực của Borrometi. Với người phóng viên 35 tuổi, một buổi tối xem phim lãng mạn hay thậm chí chỉ bữa ăn trong nhà hàng yêu thích đã là dĩ vãng xa xôi.

Mỗi ngày của Borrometi giờ bắt đầu với cốc cà phê, điếu thuốc, trong sự giám sát nghiêm ngặt của cảnh sát. Những buổi sáng buồn tẻ, chán ngắt, nhưng là cần thiết để Borrometi giữ được mạng sống bởi một lý do: ông là phóng viên điều tra về mafia.

Câu chuyện của Borrometi

"Không ai trong chúng tôi muốn trở thành anh hùng hay hình mẫu. Tất cả những gì chúng tôi muốn là thực hiện nghĩa vụ và làm tốt công việc của bản thân", Borrometi phát biểu trước đám đông học sinh một trường trung học ở Rome, nơi ông hiện sinh sống.

Borrometi đắt đầu có các bài viết cho báo chí địa phương từ năm 17 tuổi. Cậu trai mới lớn khi đó được truyền cảm hứng từ một phóng viên điều tra địa phương tên Giovanni Spampinato bị mafia ám sát trong thập niên 1970.

Từ năm 2013, Borrometi bắt đầu xây dựng website độc lập, đăng tải các bài viết điều tra của cá nhân. Bài viết đầu tiên của vị phóng viên can đảm nhắm vào sự cấu kết giữa mafia với các quan chức có máu mặt tại Sicily. Điều tra của Borrometi góp phần quan trọng khiến chính phủ Italy quyết định giải tán hội đồng thành phố.

Điều tra mafia: Phóng viên Italy làm bạn với tử thần
Phóng viên Paolo Borrometi. Ảnh: New York Times.

Chẳng hề có chút nể nang hay nhượng bộ trong các bài viết của Borrometi. Các phóng sự điều tra của ông lột trần chi tiết móc nối giữa quan chức với tội phạm, với đầy đủ tên họ và hình ảnh những kẻ nhúng chàm. "Người dân cần biết rõ họ đang đối mặt với ai trong cuộc sống hàng ngày", Borrometi nói.

Ban đầu chỉ là những lời cảnh báo dằn mặt hay những cuộc điện thoại lúc nửa đêm. Tính mạng Borrometi bắt đầu gặp đe dọa sau khi ông khởi động loạt bài vạch trần sự kiểm soát của giới tội phạm với siêu thị rau và hoa quả lớn nhất Sicily. Borrometi bất ngờ bị hai người lạ mặt tấn công, tay ông bị bẻ quặt ra sau đến mức rách cơ vai.

"Chúng chỉ nói với tôi thế này: 'Lo chuyện của mình đi, đây chỉ là cảnh báo đầu tiên thôi'", Borrometi nhớ lại. Đã 5 năm trôi qua từ sau vụ tấn công, cánh tay của Borrometi mãi mãi không lành.

Vụ tấn công không làm Borrometi lùi bước, ông tiếp tục cuộc chiến vạch trần mafia và đưa không ít trong số những kẻ từng đe dọa mình ra trước vành móng ngựa. Vào một đêm năm 2014, sau một vụ phóng hỏa gần như thiêu rụi căn nhà của Borrometi, cảnh sát Italy quyết định đưa vị phóng viên vào diện bảo vệ 24/7.

"Chúng tao sẽ cắt đầu mày, dù mày có trốn trong đồn cảnh sát", thủ lĩnh mafia địa phương đăng tải thông điệp đe dọa trên mạng xã hội. Giới tội phạm Sicily vẫn chưa từ bỏ kế hoạch thủ tiêu Borrometi.

Những bài viết của cây bút 35 tuổi, cùng với những cuộc điều tra của nhà chức trách, đã phô bày mạng lưới rộng lớn các chân rết của mafia tham gia vào đường dây vận chuyển hàng hóa từ chợ rau quả Vittoria, Sicily, tới các khu vực khác của châu Âu, dưới sự câu kết của các nhóm tội phạm khác.

Trong số các công ty có liên quan, Borrometi lần ra một doanh nghiệp sản xuất loại cà chua Pachino danh tiếng được cấp phép hoạt động bởi bộ trưởng bộ Nông nghiệp Italy. Công ty này thuộc sở hữu của những người là con trai cặp vợ chồng bị kết án hơn 20 năm tù vì liên quan tới hoạt động của mafia.

Thông tin nhanh chóng về tới Rome. Bộ Nông nghiệp Italy lập tức gạt tên công ty này khỏi danh sách các doanh nghiệp được phép kinh doanh cà chua Pachino. Điều tra của Borrometi không chỉ vạch trần hoạt động của mafia, nó khiến các tổ chức tội phạm thiệt hại hàng triệu USD doanh thu.

Song hành với tử thần

Những vụ giết người có dính líu tới tội phạm có tổ chức đang tăng nhanh. Đối với giới ký giả tại châu Âu, các đường dây tội phạm giờ là mối đe dọa hàng đầu.

"Xin anh hãy viết tiếp, Paolo. Đất nước của anh và tôi cần báo chí điều tra độc lập như những gì anh làm. Tôi thực sự tôn trọng anh", Borrometi nhận được một lá thư hai ngày sau khi anh bị tấn công bên ngoài tư gia bởi hai kẻ bịt mặt năm 2014.

Điều tra mafia: Phóng viên Italy làm bạn với tử thần - 1
Đài tưởng niệm nữ phóng viên Daphne Caruana Galizia ở Malta. Ảnh: Getty.

Lá thư gửi tới cho cây bút 35 tuổi đến từ Daphne Caruana Galizia, một phóng viên điều tra của Malta. Tháng 10/2017, Galizia thiệt mạng bởi một quả bom cài dưới ôtô sau khi vạch trần đường dây tội phạm đảo quốc Malta cấu kết với các thiên đường thuế ở nước ngoài. Khi Galizia qua đời ở tuổi 53, nữ phóng viên vẫn đang đối mặt 47 vụ kiện, trong đó có cả đơn kiện từ một bộ trưởng chính phủ.

Không bao lâu sau cái chết của Galizia, phóng viên trẻ Jan Kuciak cùng vị hôn thê bị ám sát tại Slovakia hồi tháng 2. Phóng viên 27 tuổi khi đó đang theo đuổi vụ điều tra nghi án tham nhũng trong chính phủ với sự dính líu của các tổ chức tội phạm Italy.

"Đã có 2 phóng viên bị mafia sát hại trên lãnh thổ Liên minh châu Âu EU, cả hai đều đang điều tra các vụ việc bị chính quyền ngó lơ có liên quan tới tội phạm có tổ chức", Pauline Adès-Mével, phụ trách khu vực châu Âu của tổ chức Phóng viên không biên giới, cho biết.

"Italy đã có 'tiếng' vì sự hoành hành của các tổ chức mafia và hiện nhiều phóng viên phải nhờ tới sự bảo vệ 24/24 từ cảnh sát. Hiện tượng này không xảy ra tại bất cứ quốc gia nào khác", bà Ades Mevel nói. Trên khắp đất nước hình chiếc ủng, gần 200 phóng viên hàng ngày hàng giờ sống dưới sự bảo vệ của cảnh sát bởi dấn thân vào cuộc chiến với thế giới ngầm. 

Trong số hàng trăm phóng viên phải nương tựa vào bảo hộ an ninh của cảnh sát phải kể tới Lirio Abbate, một chuyên gia về mafia của tạp chí L’Espresso. Abbate đã sống trong sự bảo vệ của cảnh sát suốt 11 năm qua, sau khi nhà chức trách phát hiện và vô hiệu hóa một quả bom đặt trước tư gia ông ở Palermo. 

Một trường hợp khác là Roberto Saviano, tác giả cuốn sách "Gomorrah", tác phẩm lọt vào danh sách bán chạy nhất, được dựng thành một bộ phim điện ảnh và series phim truyền hình về tội phạm có tổ chức ở Naples. Đến nay, Saviano đã bị "cách ly" với cuộc sống bình thường 8 năm.

Đối với Borrometi, giới tội phạm nóng mắt với ông chỉ sau một năm ông có các bài viết về các hoạt động kinh doanh ngầm và các mối liên hệ chính trị của mafia ở miền Nam của Sicily. Trong 5 năm, Borrometi nhận hàng trăm lời dọa giết từ các nhóm tội phạm.

Tháng trước, mafia Sicily quyết định mạnh tay với Borrometi. Cảnh sát cho biết đã bắt một tên tội phạm khi hắn đang bàn thảo âm mưu ám sát vị phóng viên bằng bom xe.

"Chúng ta cần một 'vụ pháo hoa' như thập niên 90 khiến một kẻ vĩnh viễn không thể đi lại trên phố. Một cái xác sẽ có ích, nó sẽ khiến những kẻ tọc mạch khác kiềm chế lại", đoạn ghi âm của cảnh sát cho thấy lời nói của một tay tội phạm.

"Vụ pháo hoa" được nhắc tới là vụ ám sát hai công tố viên thành phố Palermo, Giovanni Falcone và Paolo Borsellino, cùng các vệ sĩ. Đây là thời kỳ kinh hoàng khi những vụ đánh bom xe diễn ra liên tục ở Italy, sát hại nhiều người qua đường và phá hủy các công trình kiến trúc cổ kính. Từ sau vụ ám sát 2 công tố viên tại Palermo, Italy không chứng kiến thêm các vụ đánh bom xe do mafia tiến hành.

Điều tra mafia: Phóng viên Italy làm bạn với tử thần - 2
Công tố viên Nino Di Matteo giữa vòng vây lực lượng an ninh. Ảnh: Galatino.

"Điều này cho thấy báo chí điều tra đã gây tổn hại việc làm ăn và khiến mafia tức giận như thế nào. Báo chí có vai trò nền tảng trong cuộc chiến chống mafia, đặc biệt ở giai đoạn hiện nay. Tôi tin rằng chúng ta hiện vẫn đánh giá thấp mối đe dọa mà mafia gây ra cho đất nước và nền dân chủ", Nino Di Matteo, công tố viên danh tiếng với các vụ điều tra mafia, nói trên sóng truyền hình vài ngày sau khi âm mưu ám sát Borrometi bị phá. Ông Di Matteo hiện cũng nhận được sự bảo vệ từ cảnh sát.

Về phần Borrometi, cây bút này biết ơn và thở phào bởi cảnh sát đã kịp can thiệp trước khi âm mưu đánh bom xe trở thành kế hoạch thực sự. "Tôi còn sống đến ngày nay là nhờ vào nhà nước, các sĩ quan cảnh sát và thẩm phán".

Sau khi chiếc cửa thép chống đạn của căn hộ ở trung tâm Rome, nơi Borrometi sống, đóng lại, phóng viên 35 tuổi lại trở về với cuộc sống cô đơn hiu quạnh.

"Tôi chẳng có gia đình, cũng chẳng có người để yêu thương. Nhưng bù lại, tôi có một công việc tuyệt vời", Borrometi nói, cười tươi phía sau lớp kính chống nhận diện khuôn mặt.

Theo Duy Anh (Tri Thức Trực Tuyến)