Thế giới

Điều gì xảy ra nếu cử tri Anh bỏ phiếu rời bỏ EU?

Ngày 23/6, cử tri Anh sẽ đi bỏ phiếu để trả lời cho một câu hỏi duy nhất nhưng hệ trọng với tương lai quốc gia: “Liệu nước Anh nên tiếp tục là thành viên EU hay nên rời khỏi EU”.

Ngày 23/6, cử tri Anh sẽ đi bỏ phiếu để trả lời cho một câu hỏi duy nhất nhưng hệ trọng với tương lai quốc gia: “Liệu nước Anh nên tiếp tục là thành viên EU hay nên rời khỏi EU”.

Dư luận Anh đang bị chia rẽ mạnh mẽ với tỷ lệ người ủng hộ rời EU gần ngang bằng phe ủng hộ ở lại trong các cuộc trưng cầu dân ý. (Ảnh: AFP)
Dư luận Anh đang bị chia rẽ mạnh mẽ với tỷ lệ người ủng hộ rời EU gần ngang bằng phe ủng hộ ở lại trong các cuộc trưng cầu dân ý.

Các nghị sỹ này cho rằng Anh đã không còn tiếng nói của mình khi gia nhập EU năm 1975. Và trong cuộc vận động tái cử năm 2015, ông Cameron đã hứa sẽ tổ chức trưng cầu dân ý về vấn đề này nếu đắc cử. “Đã đến lúc người Anh nói lên tiếng nói của mình. Đã đến lúc chúng ta phải giải quyết câu hỏi về châu Âu trong đời sống chính trị Anh”, ông Cameron tuyên bố.

Những người ủng hộ việc rời EU tin rằng sự phát triển của nước Anh đang bị EU cản trở, khi phải tuân thủ quá nhiều quy định trong kinh doanh, đồng thời mỗi năm phải nộp hàng tỷ bảng Anh phí thành viên nhưng ít được hưởng lợi. Họ muốn Anh giành lại quyền kiểm soát hoàn toàn đối với biên giới và giảm lượng người nhập cư từ các quốc gia EU khác đang tự do vào Anh sống và làm việc.

Trong khi đó, Thủ tướng Anh David Cameron cùng 16 thành viên nội các của mình, cũng như khoảng 50% cử tri nước này trong các cuộc khảo sát, cho rằng Anh nên ở lại EU. Bởi theo họ, tư cách thành viên EU giúp hàng hóa Anh dễ dàng tiếp cận các thị trường khác, trong khi người di cư đem đến cho Anh nguồn lao động trẻ, giúp thúc đẩy tăng trưởng. Ngoài ra, họ cũng tin rằng vị thế của Anh trên thế giới sẽ bị đe dọa khi rời EU, và sẽ an toàn hơn khi là thành viên của một khối gồm 28 quốc gia, thay vì đứng đơn độc.

Trong cuộc trưng cầu dân ý này, toàn bộ cử tri Anh, Ai Len và cư dân khối Thịnh vượng chung, trên 18 tuổi đang sống tại Anh, hoặc nước ngoài, nhưng từng đăng ký tư cách cử tri tại Anh trong 15 năm gần nhất đều có thể tham gia bỏ phiếu. Ngoài ra các thành viên Thượng viện và cư dân khối Thịnh vượng chung tại đảo Gibraltar, thuộc Anh cũng được phép tham dự trưng cầu dân ý. Cư dân các nước EU khác, ngoại trừ Ailen, Malta và đảo Cyprus, sẽ không được tham dự.

Ngay sau khi các điểm bỏ phiếu đóng cửa lúc 22 giờ GMT ngày 23/6, 382 trung tâm bầu cử địa phương tại Anh sẽ đồng loạt kiểm phiếu. Dự kiến khoảng từ 4 giờ sáng ngày 24/6, người Anh sẽ có được bức tranh rõ ràng về lựa chọn của mình, trước khi trưởng ban kiểm phiếu công bố kết quả chính thức tại tòa thị chính thành phố Manchester.

Thủ tướng Anh David Cameron (phải) nỗ lực vận động cử tri bỏ phiếu ở lại EU. (Ảnh: Getty)
Thủ tướng Anh David Cameron (phải) nỗ lực vận động cử tri bỏ phiếu ở lại EU. (Ảnh: Getty)

Điều gì sẽ xảy ra nếu cử tri Anh quyết định rời EU? Theo tờWashington Post, có 4 mô hình quan hệ kinh tế với EU để chính phủ Anh lựa chọn, và đây đều là những lựa chọn không dễ dàng.

Mô hình EEA

Anh có thể đi theo mô hình như Na-uy, Iceland và Liechtenstein hiện nay. Điểm lợi đó là đây được tin là lựa chọn ít gây gián đoạn về kinh tế nhất. 3 quốc gia trên hiện đều là thành viên Khu vực Kinh tế châu Âu (EEA), một thể chế giúp các nước này vẫn tiếp cận được thị trường chung châu Âu nếu chấp nhận tuân thủ các quy định của EU, ngoại trừ các lĩnh vực nông nghiệp và thủy sản.

Các quy định của thỏa thuận này sẽ tự động điều chỉnh khi EU thay đổi, do đó các nước sẽ không cần phải liên tục đàm phán lại thỏa thuận. Hiện cả 3 quốc gia này đều được hưởng lợi về kinh tế từ EEA.

Dù vậy điểm bất lợi của lựa chọn này đó là nếu người Anh muốn rời EU để giành lại chủ quyền quốc gia thì đây lại không phải lựa chọn hợp lý. Các quốc gia này về mặt kỹ thuật có thể đứng ngoài EU, nhưng trên thực tế vẫn chịu nhiều chi phối. Mặc khác họ sẽ không có được tiếng nói chính thức trong quá trình ra quyết định của EU. Các thành viên EEA vẫn phải chấp nhận những quy tắc cơ bản của EU, bao gồm cho phép người lao động tự do di cư, điều mà nhiều người Anh ủng hộ rời EU đang phản đối.

Mô hình Thụy Sỹ

Mô hình Thụy Sỹ có điểm tương đồng với EEA khi nước này vẫn được tiếp cận EU với điều kiện tuân thủ luật chơi của EU. Tuy nhiên Thụy Sỹ có được sự linh hoạt cao hơn, khi các thỏa thuận song phương giúp họ được quyền chọn những lĩnh vực nhất định để tham gia, và lựa chọn những quy định mình sẽ tuân thủ. Năm 2014, cử tri Thụy Sỹ từng bỏ phiếu áp đặt quy định hạn chế người nhập cư từ các nước EU khác, điều mà một quốc gia thành viên EU đầy đủ sẽ không được phép thực hiện.

Điểm bất lợi ở mô hình này đó là một quốc gia sẽ phải thường xuyên thương thảo lại các thỏa thuận với EU. Ví dụ như Thụy Sỹ từng trưng cầu dân ý về việc hạn chế người nhập cư cách đây 2 năm, nhưng giới chức nước này và châu Âu vẫn chưa thể thống nhất được cách thức triển khai những hạn chế này.

Mô hình của Thụy Sỹ hiện gây nhiều rắc rối cho giới chức EU tới mức họ tuyên bố không bao giờ để cho Anh có được lựa chọn này. Và cũng tương tự như EEA, Thụy Sỹ không có tiếng nói chính thức trong quá trình soạn thảo và ban hành các quy định của EU. Thỏa thuận của Thụy Sỹ với EU cũng bỏ ngỏ hoạt động trao đổi dịch vụ - một phần quan trọng trong kinh tế Anh.

Mô hình Canada

Cựu thị trưởng London Boris Johnson từng hết lời ca ngợi mô hình quan hệ Canada đang xây dựng với EU, sau khi quốc gia Bắc Mỹ đàm phán thỏa thuận thượng mại tự do với EU. Dự kiến khi được triển khai trong năm nay, thỏa thuận này sẽ giúp bãi bỏ hầu như toàn bộ hàng rào thuế quan đối với hàng hóa của hai bên. Ông Johnson khẳng định Canada là bằng chứng cho thấy hoàn toàn có thể giao thương với EU trong khi vẫn kiểm soát được biên giới.

Dù vậy, thỏa thuận Canada - EU đã mất 5 năm để bàn thảo và rất có thể Anh sẽ còn cần nhiều thời gian hơn để thương lượng do những quan hệ đan xen chằng chịt với châu Âu. Ngoài ra thỏa thuận Canada - EU cũng hầu như bỏ ngỏ lĩnh vực dịch vụ. Ngành tài chính Anh sẽ chịu tổn thất lớn nếu Anh đi đến một thỏa thuận tương tự với EU. Bộ tài chính Anh từng ước tính, mô hình Canada sẽ khiến giá trị sản phẩm quốc nội tính trên đầu người của Anh sụt tới 2500 USD.

Mô hình WTO

Nếu tất cả các mô hình khác đều thất bại, nước Anh sẽ quay về các quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) trong quan hệ thương mại với các thành viên EU. Tổ chức toàn cầu với 162 thành viên này đã đề ra những quy định về hàng rào thuế quan giữa hai quốc gia thành viên. Lựa chọn WTO có nghĩa Anh sẽ không phải tuân thủ các quy định do EU đề ra.

Dù vậy ước tính của Bộ tài chính Anh lại cho thấy, kinh tế nước này sẽ bị sụt giảm 7,5% vào năm 2030 nếu đi theo lựa chọn này, do hàng rào thuế quan cao hơn so với khi ở lại EU, cùng khả năng tiếp cận thị trường bị hạn chế. Và ngay cả lựa chọn này cũng đòi hỏi những cuộc đàm phán marathon kéo dài nhiều năm. Người Anh cũng có thể mất đi quyền được sinh sống, làm việc và học tập tại lục địa châu Âu nếu London không đạt được một thỏa thuận tương tự cho cư dân châu Âu tại Anh.

Theo Thanh Tùng (Dân Trí)