Thế giới

Điều gì thúc đẩy Tổng thống Erdogan xin lỗi vụ bắn rơi Su-24?

Điều gì đã thúc đẩy ông Erdogan, một chính trị gia nổi tiếng là kiên quyết, bất ngờ đưa ra lời xin lỗi và một bước đi khó khăn này?

Điều gì đã thúc đẩy ông Erdogan, một chính trị gia nổi tiếng là kiên quyết, bất ngờ đưa ra lời xin lỗi và một bước đi khó khăn này?

Nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ đã bày tỏ sự cảm thông và chia buồn trước cái chết của viên phi công và nhấn mạnh rằng Ankara quan tâm tới việc giải quyết sự cố đã đưa quan hệ giữa hai nước xuống đến mức nghiêm trọng.

Điều gì thúc đẩy Tổng thống Erdogan xin lỗi vụ bắn rơi Su-24? - Ảnh 1
Người Nga biểu tình trước Đại sứ quán Thổ Nhĩ Kỳ ở Moscow. Ảnh Lenta

Thông điệp nhấn mạnh rằng Thổ Nhĩ Kỳ không muốn làm hỏng quan hệ với Nga, và rằng Moscow là một đối tác chiến lược của Ankara. Các nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ bày tỏ thiện chí của mình để làm mọi thứ có thể để khôi phục lại mối quan hệ tan vỡ với người phương Bắc.

Nền kinh tế vốn khó khăn của Thổ Nhĩ Kỳ đã chịu thiệt hại rất lớn do các biện pháp trừng phạt từ Nga sau sự cố bắn rơi Su-24 vào ngày 24/11/2015. Mối quan hệ giữa hai nhà lãnh đạo của Moscow và Ankara đã đi từ bạn bè sang thù địch khi Tổng thống Putin mô tả sự cố là một hành động "đâm lén sau lưng" của chính quyền Erdogan.

Trong những tháng qua, Nga cứng rắn duy trì lập trường rằng cần một lời xin lỗi trực tiếp và sự đền bù thiệt hại cũng như trừng phạt những người có liên quan trước khi khôi phục lại quan hệ.

Về phần mình, Tổng thống Erdogan đã làm hết sức mình để tránh những lời bào chữa và phủ nhận trách nhiệm. Đầu tiên, ông cáo buộc máy bay Nga vi phạm không phận; sau đó ông nói rằng ông không hiểu yêu cầu của phía Kremlin và cuối cùng là một sự im lặng khiến Moscow khó chịu.

Vậy điều gì đã thúc đẩy ông Erdogan, một chính trị gia nổi tiếng là kiên quyết, bất ngờ đưa ra lời xin lỗi và một bước đi khó khăn này? Đặc biệt là khi chỉ 5 ngày trước đó, một phát ngôn viên của Tổng thống Erdogan, Ibrahim Kalyn, nói rằng lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ không có ý định xin lỗi và bồi thường vụ bắn rơi Su-24.

Tờ Lenta dẫn lời nhà khoa học chính trị Fyodor Lukyanov, Giám đốc Quỹ nghiên cứu của câu lạc bộ "Valdai", cho biết lời xin lỗi của ông Erdogan xuất hiện là nhằm cải thiện tình hình kinh tế và chính trị khó khăn của đất nước, nơi nhiều doanh nghiệp đã chịu ảnh hưởng nặng nề do mối quan hệ với Nga tan vỡ, cũng như do sự thay đổi của tình hình thế giới.

Theo chuyên gia này, sự kiện Anh rời Liên minh châu Âu EU - Brexitcó thể đóng một vai trò trong sự kiện này.

Mặc dù những tác động tới nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ do sự ra đi của Anh vẫn chưa rõ ràng, nhưng nền kinh tế của quốc gia này vốn có liên quan chặt chẽ với châu Âu. Nếu tình hình phát triển theo chiều hướng tiêu cực, đó sẽ là một đòn nghiêm trọng đối với Thổ Nhĩ Kỳ.

Trong một tình huống bấp bênh như vậy, Ankara rất cần các biện pháp chuẩn bị an toàn. Thổ Nhĩ Kỳ muốn chấm dứt căng thẳng với Nga để cứu vãn nền kinh tế và uy tín bị sụt giảm theo các nguồn đầu tư và khách du lịch Nga cũng như những rủi ro sắp tới từ Brexit.

Phó Chủ tịch Ủy ban Hội đồng Liên bang về các vấn đề quốc tế Vladimir Jabbarov tin rằng mối quan hệ Nga-Thổ Nhĩ Kỳ sẽ sớm được khôi phục mặc dù "phá thì nhanh, còn khôi phục thì lâu".

"Moscow đã khẳng định rằng người Thổ Nhĩ Kỳ phải xin lỗi và bồi thường. Bây giờ khi Ankara đã thực hiện điều đó - nó có nghĩa là lời xin lỗi được chấp nhận, và tiến trình giảm căng thẳng sẽ bắt đầu. Tất nhiên, mối quan hệ thân thiện như hai năm trước đây sẽ không còn, nhưng nó sẽ mang tính xây dựng hơn", ông nói thêm.

Theo Lenta, lời xin lỗi của Ankara chỉ là sự khởi đầu của một con đường dài. Moscow sẽ không chấp nhận lời nói suông. Tiếp theo, Thổ Nhĩ Kỳ cần phải giải quyết rất nhiều vấn đề như bồi thường cho gia đình phi công, thanh toán chi phí thiệt hại, xét xử và trừng phạt những người có trách nhiệm liên quan.

Theo Hoàng Hải (Nguoiduatin.vn)