Thế giới

Điệp viên trác táng nổi tiếng với biệt danh "3 bánh"

Dusan Popov được cho là nguyên mẫu của điệp viên huyền thoại James Bond. Ngoài đời thật, anh ta cũng khét tiếng đào hoa, trác táng, được đặt cho mật danh “3 bánh” vì sở thích quan hệ tình dục với 2 phụ nữ cùng lúc.

Dusan Popov được cho là nguyên mẫu của điệp viên huyền thoại James Bond. Ngoài đời thật, anh ta cũng khét tiếng đào hoa, trác táng, được đặt cho mật danh “3 bánh” vì sở thích quan hệ tình dục với 2 phụ nữ cùng lúc.

 Dusan Popov

Vụ tai nạn đáng chú ý

Ngày 18/3/1941, một vụ tai nạn xe hơi đã xảy ra trên con phố đông đúc ở Quảng trường Thời đại ở New York, Mỹ. Những vụ tai nạn như vậy xảy ra như cơm bữa nên cảnh sát thường không quá quan tâm. Tuy nhiên, vụ tai nạn lần này thì lại khác. Trong khi nạn nhân vẫn đang nằm bất động trên mặt đất thì một chiếc xe thứ 2 đã lao tới, cán qua người anh ta. Ngày hôm sau, người đàn ông đã qua đời tại một bệnh viện ở New York.

Trong đồ đạc của anh ta sau đó, cảnh sát phát hiện cuốn hộ chiếu Tây Ban Nha có tên Don Julio Lopez Lido. Từ cuốn hộ chiếu, cảnh sát Mỹ phát hiện người đàn ông đã lưu trú ở Khách sạn Taft. Khi lục soát phòng của anh ta, họ bị sốc khi phát hiện nhiều tài liệu mật, trong đó có một báo cáo về hệ thống phòng thủ của quân đội Mỹ ở Trân Châu Cảng, Hawaii và căn cứ không quân Hickam Field ở gần đó.

Ngay lập tức, các thông tin này được chuyển cho FBI. Kết quả là, sau một cuộc điều tra thấu đáo, FBI phát hiện Don Julio Lopez Lido trên thực tế chính là Ulrich von der Osten – một thành viên cấp cao trong cơ quan tình báo Đức Abwehr. Anh ta được điều tới Mỹ để lập một đường dây tình báo ở Mỹ. Có điều, ở thời điểm đó, FBI không ngờ được rằng cái chết của Ulrich von der Osten sẽ đưa đến một vụ gián điệp khác có liên quan tới cả Anh, Đức và Mỹ.

Popov là ai?

Nhân vật trung tâm của đường dây tình báo quốc tế này là Dusko Popov, sinh năm 1912 trong một gia đình giàu có người Ba Tư. Khi còn trẻ, anh ta từng theo học tiến sỹ luật ở trường Đại học Freiburg của Đức nhưng sau đó đã bị đuổi học và bị trục xuất khỏi Đức vì nói xấu Đế chế Đệ Tam. Thế nhưng, điều trớ trêu là, khi Chiến tranh thế giới II bùng nổ, Popov lại được một người bạn thân người Đức tên Johann Jebsen tuyển mộ vào làm việc cho Abwehr.

Nhiệm vụ đầu tiên mà anh ta được Abwehr giao là tới Pháp để tìm hiểu về bất cứ lãnh đạo chính trị nào có thể giúp ích được cho Đức Quốc xã. Tại đây, ban đầu, Popov thực hiện đúng nhiệm vụ được đề ra, đều đặn gửi thông tin về cho Abwehr.

Nhưng, về sau, anh ta bắt đầu cảm thấy bất mãn với cách thức Hitler sử dụng nhằm khuất phục châu Âu cũng như cách nhà độc tài này đối xử với những nhân vật bất đồng chính kiến trong nước Đức. Sau nhiều ngày suy nghĩ, cuối cùng, Popov quyết định sẽ phục vụ cho người Anh, trở thành một điệp viên 2 mang.

Sau một cuộc làm việc kéo dài, Pospov đã thuyết phục được MI-5 về động cơ xin gia nhập hàng ngũ điệp viên của tổ chức này và đã được tuyển mộ. Tại MI-5, Pospov được đặt cho bí danh “3 bánh” dựa trên tình tiết anh ta thường quan hệ tình dục với 2 người phụ nữ một lúc. Người Anh đã vạch ra một kế hoạch hoàn hảo để Popov có thể dễ dàng qua mặt được Đức Quốc xã trong khi vẫn nằm trong tầm kiểm soát của họ.

Cụ thể, phía Đức muốn Popov thăm dò về tình trạng của ngành công nghiệp vũ khí của Anh, về những loại thiết bị quân sự mà Anh đang sản xuất cũng như sức mạnh cụ thể của không quân Anh. Những yêu cầu này đều được Popov chuyển cho người Anh để họ soạn những thông tin thoạt nghe có vẻ hợp lý nhưng đều là giả mạo để Popov gửi lại cho Berlin.

Sau cái chết của Ulrich van der Osten tại New York vào năm 1941, Abwehr quyết định điều Popov tới Mỹ để lấp chỗ trống quan trọng này. Trong bối cảnh đó, tình báo Anh quyết định cho Mỹ “mượn” Popov vì nghĩ anh ta có thể giúp loại bỏ những điệp viên Đức đang hoạt động ở Mỹ. Đầu tháng 8/1941, Popov rời Anh để tới Mỹ cùng với 58.000 USD được Abwehr cấp cho để thành lập mạng lưới điệp viên ở New York.

Ngay sau khi đặt chân tới New York, Popov đã liên lạc với FBI để hẹn gặp nhưng phải 5 ngày sau cơ quan này mới cử người tới làm việc với anh ta. Người này là điệp viên James Foxworth – người phụ trách FBI ở New York. Tại cuộc gặp gỡ, Popov đã trao cho FBI danh sách những thông tin mà tình báo Đức giao cho anh ta thu thập theo đề nghị của nước đồng minh Nhật Bản.

 Dusan Popov

Dusan Popov

Đáng chú ý, người Nhật tỏ ra đặc biệt quan tâm tới các thông tin về hệ thống phòng thủ của Mỹ ở căn cứ hải quân tại Trân Châu Cảng ở Hawaii, bao gồm vị trí chính xác các đường băng ở Hickam, Wheeler và Kaneohe, bản phác thảo Trân Châu Cảng, độ sâu của nước trong cảng, số lượng và vị trí của hệ thống chống ngư lôi.

Nếu FBI để ý, lẽ ra họ đã có thể nhận thấy những thông tin mà Popov được giao tìm kiếm cũng chính là những thông tin mà họ đã phát hiện trong phòng của Ulrich van der Osten 5 tháng trước đó. Dựa trên những thông tin này và một số thông tin khác có được, Popov cho rằng người Nhật đang muốn tấn công Trân Châu Cảng.

Tuy nhiên, Giám đốc J. Edgar Hoover lại không tin tưởng Popov và cho rằng anh ta vẫn làm việc cho người Đức. Không những thế, ông ta còn đặc biệt không thích có lối sống “tay chơi”, hám gái, thường xuyên dính dáng đến những vụ ngoại tình và tiêu tiền như phá của Popov.

Chính vì thành kiến như vậy nên khi được Popov cảnh báo về khả năng quân Nhật tấn công Trân Châu Cảng 4 tháng trước khi vụ việc thực sự diễn ra, thay vì báo cáo với cấp trên hoặc Tổng thống Franklin Roosevelt, Hoover đã bỏ qua những nghi vấn về âm mưu Trân Châu Cảng khi làm báo cáo gửi Nhà Trắng. Các tài liệu của tình báo Anh được giải mật sau này cho biết, sau khi vụ Trân Châu Cảng xảy ra, Hoover cũng đã tìm nhiều cách để che giấu việc này với cấp trên.

Về phía Popov, tháng 11/1941, anh ta được Abwehr điều tới Rio de Janeiro, Brazil với nhiệm vụ thiết lập đường dây liên lạc giữa Rio và Lisbon, đồng thời thu thập các thông tin về các vũ khí chiến tranh, điểm đến của các đoàn xe của quân đồng minh… Ngày 7/12/1941, khi quân Nhật tấn công Trân Châu Cảng, Popov đang ở Rio. Một tuần sau đó, anh ta trở về Mỹ và đã rất tức giận khi biết người Mỹ đã không để ý một cách thấu đáo cảnh báo của mình.

Nguyên mẫu James Bond

Nói về Popov, ngoài trận Trân Châu Cảng còn có một tình tiết đáng chú ý khác: nhiều nguồn tin khẳng định người này chính là nguyên mẫu điệp viên huyền thoại James Bond của Ian Fleming. Là một người đàn ông thông minh, nhạy bén, Popov có thể nói thành thạo tiếng Đức, Anh, Pháp và Italia. Không những thế, anh ta còn có khả năng thích nghi cao, có thể sống ở bất cứ nơi nào tại châu Âu hay Mỹ, là điển hình của một tay chơi quốc tế.

Ở mỗi thành phố được cử đến, Popov đều có 2 đến 3 cô bạn gái. Popov cũng hút thuốc và uống rượu nhiều, thường xuyên góp mặt ở những nhà hàng, tụ điểm ăn chơi như James Bond trong những cuốn truyện của Fleming. Vẻ bề ngoài của James Bond trong truyện cũng được đánh giá là rất giống với Popov.

Cuộc gặp gỡ đầu tiên giữa nhà văn Fleming với Popov cũng chính là bối cảnh về sau được ông phát triển thành cuốn Sòng bạc Hoàng gia. Cuộc gặp gỡ đó diễn ra vào năm 1941, khi Popov và Fleming đều đang ở Lisbon và thường xuyên có mặt tại Sòng bạc Estoril. Một buổi tối nọ, Popov đến sòng bạc và tình cờ gặp một con bạc tên Bloch – một nhà buôn người Do Thái giàu có. Chướng mắt vì thái độ kênh kiệu của Bloch, Popov đã quyết định hạ bệ ông ta.

Sau khi Bloch tuyên bố không hạn chế số tiền đặt cược trong buổi tối hôm đó, Popov từ tốn rôi ra 50.000 USD mà anh ta được đưa cho để thiết lập mạng lưới tình báo và để lên bàn. Số tiền này có giá trị tương đương 1,4 triệu USD hiện nay. Cả người chơi lẫn người xem đã được một phen phải “há hốc mồm” vì ngạc nhiên bởi số tiền đó lớn gấp hơn 10 lần số tiền mà hầu hết mọi người khi đó kiếm được trong 10 năm. Ngay lập tức, cả sòng bạc yên lặng như tờ.

Bloch không thể ngờ được tình huống như vậy nên cũng xanh mặt. Sòng bạc cũng từ chối cho ông ta vay 50.000 USD nên ông ta buộc phải rời đi trong bẽ bàng. Khung cảnh đầy căng thẳng và kịch tính đó về sau trở thành bối cảnh cho tiểu thuyết đã được dựng thành phim của Fleming.

Theo Minh Ngọc (Pháp Luật Việt Nam)