Thế giới

Điệp viên huyền thoại suýt bị lộ chỉ vì vợ giận

Các tài liệu vừa công bố của tình báo Anh MI5 cho thấy, một trận cãi vã giữa điệp viên huyền thoại Juan Pujol Garcia với vợ của ông đã suýt nữa làm hỏng chiến dịch đổ bộ D-Day trong Thế chiến II.

Các tài liệu vừa công bố của tình báo Anh MI5 cho thấy, một trận cãi vã giữa điệp viên huyền thoại Juan Pujol Garcia với vợ của ông đã suýt nữa làm hỏng chiến dịch đổ bộ D-Day trong Thế chiến II.
điệp viên huyền thoại, tình báo Anh, ngày đổ bộ D-Day, Đổ bộ Normandy, phát xít Đức
Juan Pujol Garcia có mật hiệu là Điệp viên Garbo

Trong hàng ngũ MI5 (của Anh), Juan Pujol Garcia có mật hiệu là Điệp viên Garbo. Pujol là người gốc Tây Ban Nha, sống ở vùng Harrow, ngoại ô London. Ông có nhiệm vụ điều hành một mạng lưới điệp viên ‘ảo’, nhằm cung cấp một loạt các thông tin tình báo giả về cho các điệp viên của Đức.

Bản tin báo do ông gây dựng nên nhằm thuyết phục phát xít Đức rằng thời gian đổ bộ D-Day có thể xảy ra tại Pas de Calais. Mục đích của việc làm này là khiến các lực lượng Đức bị đánh lạc hướng khỏi Normandy – nơi quân Đồng minh sẽ đổ bộ thực sự, giúp cứu sinh mạng của vô số binh sĩ.

Dữ liệu do Cơ quan Lưu trữ tại Kew, tây London, vừa công bố cho thấy kế hoạch của Pujol suýt đổ bể chỉ vì trận cãi vã nảy lửa với bà vợ Araceli.

Araceli không chịu nổi cuộc sống tù túng ở London. Vì sợ bị lộ, Pujol kiểm soát nhất cử nhất động của vợ và hai người con. Mọi chuyện trở nên tệ hơn vào tháng 6/1943 – thời điểm một năm trước khi sự kiện đổ bộ Normady diễn ra.

Do vợ chồng bất hòa, Araceli dọa sẽ tới sứ quán Tây Ban Nha và khai hết sự thật nếu như không được về quê thăm mẹ. “Tôi không thể chịu nổi cuộc sống bên chồng, dù chỉ là 5 phút. Thậm chí kể cả họ có giết tôi thì tôi vẫn sẽ đến sứ quán Tây Ban Nha” – Araceli hét vào mặt sĩ quan tình báo hiện trường của Pujol ở MI5, Tomas Harris.

Vấn đề lớn nhất của Araceli là bà rất nhớ nhà. Bà nhớ các món ăn Tây Ban Nha, và luôn buồn phiền vì chồng thường xuyên đi vắng.

điệp viên huyền thoại, tình báo Anh, ngày đổ bộ D-Day, Đổ bộ Normandy, phát xít Đức
Điệp viên hai mang Pujol và vợ Araceli

Vợ chồng Pujol đối mặt với nỗi lo bị nhận ra trên đường phố London. Pujol – tức điệp viên Garbo – không chỉ đóng giả là điệp viên của Đức, cung cấp các thông tin giả cho Đức, mà còn phải đảm bảo vợ ông tuyệt đối phải kín miệng.

BBC cho biết, sĩ quan tình báo hiện trường của Pujol khi đó nảy ra ý tưởng, đó là nói với Araceli rằng Pujol đã bị sa thải. Nhưng điệp viên hai mang này cảm thấy cách đó vẫn chưa đủ. Pujol đề nghị nên tìm cách thuyết phục Araceli rằng cơn tức giận của cô đã khiến chồng bị bắt. Kế hoạch được triển khai sau đó.

Tuy nhiên, Araceli dọa sẽ mang lũ trẻ ‘biến mất’. Sĩ quan Harris được cử tới nhà Araceli để kiểm tra tình hình, và phát hiện ra Araceli đã mở tất cả các bình khí gas trong nhà, dường như để tự sát. Harris nhận định, có tới 90% là Araceli chỉ ‘đóng kịch’, nhưng có 10% khả năng tai nạn thật sự sẽ xảy ra.

Nhưng rồi, Araceli đã bị chồng ‘bịt mắt’ ngoạn mục, y như cách ông ‘qua mặt’ phát xít Đức.

Araceli, nước mắt ngắn dài trên mặt, được đưa tới một căn cứ đặc biệt để thăm chồng. Người ta bịt mắt cô, và đưa tới trại thẩm vấn 020 của MI5 gần Ham Common, phía tây London. Pujol xuất hiện trong bộ dạng râu ria bơ phờ, mặc đồ tù nhân. 

điệp viên huyền thoại, tình báo Anh, ngày đổ bộ D-Day, Đổ bộ Normandy, phát xít Đức
Araceli Pujol
 

Trong cuộc đoàn tụ đầy xúc động, Araceli thề thốt với chồng rằng cô không hề có ý định tới sứ quán Tây Ban Nha như đã dọa. Cô chỉ muốn Pujol cân nhắc yêu cầu của cô là về quê thăm mẹ. “Cô ấy hứa là nếu như Pujol được thả, cô sẽ giúp chồng bằng mọi cách, để chồng cô tiếp tục công việc sốt sắng hơn nữa” – Harris ghi lại.

Cố vấn pháp lý của MI5 là Edward Cussen nói với Araceli rằng, ông đã quyết định thả Pujol và cho phép Pujol tiếp tục công việc hiện tại. Nhưng Cussen nhắc nhở, ông không lãng phí thời gian với những người chán ngắt và nếu tên của cô còn liên hệ tới Pujol một lần nữa, thì ông sẽ chỉ thị nhốt cô lại.

Khép lại câu chuyện này, Harris hết lời ngợi khen cách mà Pujol xử lý toàn bộ tình huống tế nhị và phức tạp: “Sự khéo léo tuyệt vời cùng với cách ông ấy (Pujol) hình dung và thực hiện kế hoạch có lẽ đã cứu nguy một tình thế tưởng như không thể nào chịu đựng nổi”.

Theo Lê Thu (VietNamNet)