Thế giới

Đề xuất sửa hiến pháp để ông Tập tại chức sau 2023 hình thành ra sao?

Chủ tịch Tập Cận Bình là người khởi xướng quy trình sửa đổi hiến pháp vào tháng 9 và bắt đầu lấy ý kiến cũng như sự ủng hộ của giới lão thành trong đảng.

Trong bản báo cáo đọc trước Đại hội đại biểu Nhân dân toàn quốc (Nhân Đại, tương đương quốc hội) hôm 5/3, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Nhân Đại, ông Vương Thần cho biết việc sửa đổi hiến pháp được Chủ tịch Tập khởi xướng trong một cuộc họp của Bộ Chính trị ngày 29/9/2017.

Sau đó, ông Tập thành lập một nhóm do Chủ tịch Nhân Đại Trương Đức Giang dẫn đầu để triển khai ý tưởng này. Hỗ trợ cho ông Trương là Lật Chiến Thư và Vương Học Ninh, hai người trở thành Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị vài tuần sau đó, trong Đại hội đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 19.

Đề xuất sửa hiến pháp để ông Tập tại chức sau 2023 hình thành ra sao?
Ông Trương Đức Giang và Tập Cận Bình trong phiên họp khai mạc kỳ họp của Quốc hội Trung Quốc ở Đại lễ đường Nhân dân hôm 5/3.

Không lâu sau đại hội, với việc thông qua việc "Tư tưởng Tập Cận Bình" sẽ được bổ sung vào điều lệ đảng, Bắc Kinh bắt đầu quá trình tham vấn nội bộ để tìm kiếm sự đồng thuận và ủng hộ. Các quan chức thu thập 2.600 ý kiến từ các đơn vị cấp khu vực và cả các đảng phái khác.

Ông Vương không nói rõ việc bỏ giới hạn nhiệm kỳ được đề xuất vào giai đoạn nào, dù vậy, South China Morning Post nhận định việc đề xuất được tiến hành khá nhanh cho thấy ý tưởng này có thể đã có ở những giai đoạn đầu.

Lần cuối cùng hiến pháp Trung Quốc được chỉnh sửa, khi học thuyết "Ba Đại diện" của cựu chủ tịch Giang Trạch Dân được thêm vào, quá trình tham vấn và chuẩn bị kéo dài cả năm trong khi đó, lần thay đổi này, với điều khoản chỉnh sửa "kịch tính" hơn hẳn, lại chỉ mất 5 tháng.

Đề xuất sửa hiến pháp để ông Tập tại chức sau 2023 hình thành ra sao? - 1
Các đại biểu dự đại hội đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 18 đã bỏ phiếu thông qua việc đưa "Tư tưởng Tập Cận Bình" vào điều lệ đảng.

Sau đại hội đảng, các lãnh đạo tiến hành một vòng thảo luận khác và quyết định tham vấn các lão thành vào giữa tháng 12/2017. "Lãnh đạo trung ương xin ý kiến từ một số đồng chí lão thành trong đảng", báo cáo của ông Vương cho biết nhưng không nêu đích danh ai.

Ông tuyên bố tất cả những người tham gia vào quá trình tham vấn đều "bày tỏ sự ủng hộ hoàn toàn" đối với việc sửa đổi.

Đây là lần hiếm hoi đảng Cộng sản Trung Quốc công khai về quy trình thay đổi chính sách trong đảng. Một học giả Trung Quốc giấu tên cho rằng bản báo cáo đọc trước Nhân Đại có vẻ là phản ứng chính thức từ Bắc Kinh sau những tin đồn và suy đoán về việc có sự phản đối bên trong hàng ngũ lãnh đạo. 

Tuần trước, Ủy ban Trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc đề xuất loại bỏ khỏi hiến pháp nội dung quy định chủ tịch và phó chủ tịch nước sẽ không tại chức quá 2 nhiệm kỳ.

Đề xuất sửa hiến pháp để ông Tập tại chức sau 2023 hình thành ra sao? - 2
Quốc hội Trung Quốc dự kiến thông qua thay đổi quan trọng nhất đối với chính trị Trung Quốc trong thập kỷ qua khi xóa bỏ hạn chế hiến định về số nhiệm kỳ tối đa của chủ tịch và phó chủ tịch nước.

Quốc hội Trung Quốc, vừa bắt đầu họp ngày 5/3, dự kiến thông qua chỉnh sửa này. 

Chính phủ Trung Quốc đã thông báo báo chí sẽ không được tiếp cận quá trình bỏ phiếu thông qua sửa đổi vào cuối tuần này.

Theo Phương Thảo (Tri Thức Trực Tuyến)