Thế giới

Đệ tử chân truyền của Diệp Vấn: ‘Lý Tiểu Long chỉ là tay khoái đánh lộn trước khi theo học Vịnh Xuân quyền’

Võ sư Lo Man Kam, 86 tuổi, cháu ruột và cũng là đệ tử chân truyền của huyền thoại Vịnh Xuân Quyền Diệp Vấn trong một bài phỏng vấn mới đây, nói rằng: “Lý Tiểu Long chỉ là một kẻ thích đánh đấm trước khi ngộ ra tinh thần thực sự của võ học khi được dạy Vịnh Xuân quyền”.

Tôi sinh ra ở Hồng Kông vào năm 1933, dù nhiều thập kỷ qua tôi đã sống ở Đài Loan, nơi tôi dạy môn võ thuật Vịnh Xuân. Đầu năm 1950, tôi bắt đầu học Vịnh Xuân quyền ở Hồng Kông dưới sự chỉ dạy của cậu tôi- Diệp Vấn. Diệp Vấn là con trai thứ hai trong khi mẹ tôi là con gái đầu, hơn cậu 2 tuổi.

Đệ tử chân truyền của Diệp Vấn: ‘Lý Tiểu Long chỉ là tay khoái đánh lộn trước khi theo học Vịnh Xuân quyền’
Võ sư Lo Man Kam, cháu ruột và cũng là đệ tử đời đầu tiên của huyền thoại Vịnh Xuân quyền Diệp Vấn

Cậu tôi bắt đầu học Vịnh Xuân quyền năm 7 tuổi. Năm 1949, Diệp Vấn cùng thân gia quyến di tản đến Áo Môn, sau chuyển về Hồng Kông. Hầu hết cơ sở gia tộc đều bỏ lại ở Phật Sơn, Diệp Vấn đành lấy việc dạy Vịnh Xuân làm sinh kế. Năm 1950, được sự giúp đỡ của bạn hữu, cậu mở lớp dạy võ trong một cơ sở của Tổng hội công chức Hương Cảng Cửu Long Phạn Điếm tại ngõ Đại Nam, phố Thâm Thủy.

Dịp Tết Nguyên đán 1950, là lần đầu tiên tôi đến võ đường Vịnh Xuân của cậu. Chỉ có năm hoặc sáu học viên trong lớp học đầu tiên đó. Mỗi tối sau khi hoàn thành 1 buổi học, tất cả chúng tôi sẽ ngồi quanh bàn, ăn những món ăn đơn giản và cùng nhau nói chuyện.

Với Diệp Vấn, võ đường Vịnh Xuân không chỉ là công việc sinh kế bởi ông luôn nỗ lực giúp đỡ học viên của mình, những người mà ông coi là gia đình. Võ đường không phân chia thứ hạng, mọi người đều bình đẳng. Trong số những học viên của lớp đầu tiên ấy, tôi là người duy nhất còn lại.

Đệ tử chân truyền của Diệp Vấn: ‘Lý Tiểu Long chỉ là tay khoái đánh lộn trước khi theo học Vịnh Xuân quyền’ - 1
Lý Tiểu Long được Diệp Vấn chỉ dạy Vịnh Xuân Quyền

Lý Tiểu Long ghi danh theo học Võ đường Vịnh Xuân của chú tôi vào năm 1956. Lúc ấy Lý tầm 15-16 tuổi, đã là một diễn viên nhí khá nổi với khoảng 20 đầu phim. Lý là tay rất hay tham gia đánh lộn nhưng thường thua là chính. Tôi biết Lý được cha dạy Thái Cực quyền từ nhỏ nhưng cậu ta, nói thật, chẳng có chút tinh thần võ đạo nào trong người cả.

Lý chăm chỉ luyện tập, lĩnh hội rất nhanh về chiêu thức nhưng đôi khi cậu ấy quá máu ăn thua nên làm tổn thương những học viên khác. Mỗi lần như vậy, Diệp Vấn thường nói thẳng với Lý rằng: “Thứ cậu học là Kungfu, Kungfu chứ không phải là đánh đấm”.

Một lần, Lý chực sẵn ở cầu thang bên ngoài võ đường. Khi các học viên buổi chiều đến, anh nói với họ rằng sư phụ Diệp Vấn cho mọi người nghỉ buổi học đó. Ý đồ của Lý là muốn được học riêng với Diệp Vấn một buổi. Lần đó cậu ấy được toại nguyện, tất nhiên khi chuyện lộ ra thì Lý bị cậu Diệp Vấn phạt ra trò.

Lý đúng là kẻ phát cuồng vì Vịnh Xuân quyền và cậu ấy quả thực có căn cơ để danh chấn thiên hạ. Nhưng sư phụ Diệp Vấn, cũng phải lao tâm khổ tứ vô cùng để Lý quán triệt một cách sâu sắc tinh thần của Vịnh Xuân quyền.

Đệ tử chân truyền của Diệp Vấn: ‘Lý Tiểu Long chỉ là tay khoái đánh lộn trước khi theo học Vịnh Xuân quyền’ - 2
Theo ông Lo Man Kam, Lý Tiểu Long vốn chỉ là tay khoái đánh đấm phải mất nhiều thời gian mới ngộ được chân lý của Vịnh Xuân

Vịnh Xuân không phải là về chiến đấu, mà là về cách tránh một cuộc chiến. Một người đàn ông không được đánh giá bằng sức mạnh hay khả năng chiến đấu, mà bằng cái Tâm của anh ta. Đấy là thứ mà Lý phải mất nhiều thời gian để ngộ ra trước khi cậu ấy phát triển cho riêng mình môn Triệt quyền đạo.

Quan trọng hơn cả, Vịnh Xuân quyền nói riêng và Kungfu nói chung không phải là để làm tổn thương người khác, nó là sự truyền đạt kiến ​​thức, văn hóa và tinh thần. Là tu thân, tu đức, tu đạo!

Diệp Vấn hy vọng rằng Vịnh Xuân sẽ lan rộng đến mọi nơi trên thế giới, và đó là nhiệm vụ mà cậu truyền lại cho tôi. Tôi đến Đài Loan vào cuối 1960, sau 10 năm học môn Vịnh Xuân dưới sự chỉ dậy của chú Diệp Vấn. Sau khi giải ngũ, vào tháng 1 năm 1975, tôi bắt đầu dạy Vịnh Xuân quyền ở quận Tùng Sơn - Đài Bắc, đến nay cũng được hơn 40 năm rồi.

Học viên tới từ hơn 50 quốc gia đã theo học Vịnh Xuân quyền cùng tôi, ngay tại nơi này, trên sân thượng. Tôi vẫn giữ hình ảnh của tất cả các học viên của mình. Tôi chụp ảnh vào ngày đầu tiên học viên ghi danh và viết tên của họ và ngày nhập môn ở trên cùng. Một vài học sinh nước ngoài của tôi đã mở các chi phái Vịnh Xuân ở Pháp, Anh, Đức, Áo, Hungary, Slovenia.

Đệ tử chân truyền của Diệp Vấn: ‘Lý Tiểu Long chỉ là tay khoái đánh lộn trước khi theo học Vịnh Xuân quyền’ - 3
Ông Lo Man Kam trong buổi ra mắt phần một phim Diệp Vấn

Tôi thậm chí còn dạy cháu trai út của Tưởng Giới Thạch. Nhiều người Đài Loan không hài lòng về điều đó! Nhưng bất cứ ai đến với Vịnh Xuân quyền, tôi đều đón nhận họ, bất kể họ là ai, xuất phát điểm như thế nào, có nguồn gốc ra sao. Đấy là cách để tôi giới thiệu và phát triển Vịnh Xuân quyền ra Thế giới.

Giờ đã 86 tuổi nhưng tôi vẫn có hơn 60 học viên theo học. Một số sinh viên chỉ đến một hoặc hai lần mỗi tuần. Rất ít người đến mỗi ngày. Tôi cố gắng giải thích mọi thứ cho học viên của mình theo toán học, chẳng hạn như sử dụng hình học để hiển thị cách di chuyển đôi chân.

Giống như Diệp Vấn, tôi chưa từng nghĩ rằng dạy Vịnh Xuân quyền là môt công việc kinh doanh đơn thuần. Tôi có thể nghèo, nhưng tôi truyền lại kiến ​​thức, văn hóa và tinh thần Vịnh Xuân cho học viên của mình và điều đó khiến tôi hạnh phúc.

THANH XUÂN (SHTT)