Thế giới

Dấu ấn một năm cầm quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump

Ngày 20/1 tới đánh dấu đúng một năm cầm quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Trong năm đầu tiên với cương vị người đứng đầu Nhà Trắng, ông Trump đã đưa ra một loạt các quyết định về đối nội được cho là gây nhiều tranh cãi nhất từ trước đến nay.

Dấu ấn một năm cầm quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump
Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: The Nation

Những quyết định nhiều tranh cãi năm 2017

Ban hành sắc lệnh nhập cư: Sắc lệnh nhập cư của Tổng thống Trump đã gây lên cuộc chiến pháp lý sâu sắc và gay gắt ngay trong lòng nước Mỹ.

Ngày 27/1, Tổng thống Mỹ Donal Trump đã ký sắc lệnh nhập cư lần thứ nhất. Theo sắc lệnh này, người tị nạn bị cấm nhập cảnh vào Mỹ trong vòng 120 ngày, người tị nạn từ Syria bị cấm vào Mỹ vô thời hạn, trong khi công dân từ 7 quốc gia Iran, Iraq, Libya, Somalia, Sudan, Syria và Yemen sẽ không được vào Mỹ trong vòng 90 ngày.

Lệnh này cũng áp dụng với cả những người đã có thị thực hợp lệ và thậm chí có hiệu lực đối với cả những công dân có quy chế định cư lâu dài tại Mỹ. Tuy nhiên, sắc lệnh này đã bị chặn đứng bởi các tòa án của Mỹ.

Rút kinh nghiệm thất bại trước đó, ngày 6/3, Tổng thống Mỹ Donald Trump tiếp tục ký sắc lệnh nhập cư lần thứ 2. Sắc lệnh này có những điều chỉnh nhất định, cụ thể là không áp đặt những hạn chế nhập cư đối với Iraq, và công dân Syria không còn bị cấm vào Mỹ vô thời hạn như sắc lệnh lần 1. Tuy nhiên, cũng như sắc lệnh lần 1, sắc lệnh lần 2 đã bị các thẩm phán và tòa án các bang của Mỹ phản đối kịch liệt.

Tiếp đó đến tháng 9/2017, chính quyền Tổng thống Trump ký ban hành sắc lệnh cấm nhập cư phiên bản 3.0, bổ sung Venezuela và Triều Tiên vào danh sách đen.

Ngày 5/12, với 7 phiếu thuận và 2 phiếu chống, Tòa án Tối cao Mỹ đã cho phép chính phủ triển khai toàn diện lệnh cấm nhập cảnh đối với công dân 6 nước có đa số dân là tín đồ Hồi giáo trong thời gian chờ các phán quyết liên quan khác của các tòa án cấp thấp hơn. 

So với sắc lệnh phiên bản 1.0 và 2.0, sắc lệnh cấm nhập cư được mệnh danh là phiên bản 3.0 mới được Tòa án tối cao Mỹ thông qua không phải là sự cho phép chấp hành lệnh cấm một phần, mà yêu cầu phải chấp hành lệnh cấm toàn diện.

Trong đó sắc lệnh 3.0 đã đưa ra những quy định cụ thể với những quốc gia khác nhau sẽ có những sự hạn chế không giống nhau.

Theo các chuyên gia phân tích, sắc lệnh cấm nhập cảnh 3.0 nhằm mục đích bảo vệ nước Mỹ trước các mối đe dọa khủng bố từ các phiến quân Hồi giáo trong bối cảnh tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đẩy mạnh các hoạt động khủng bố nhằm trả thù việc chúng bị mất dần các thành trì tại Vương quốc IS.

Sắc lệnh cấm nhập cư 3.0 là thắng lợi về mặt chính trị đối nội của Tổng thống Donald Trump. Tuy nhiên, sắc lệnh này đã khơi mào cho những tranh cãi gay gắt giữa những người ủng hộ và phản đối. Dự báo, cuộc chiến pháp lý xung quanh sắc lệnh này sẽ không dừng lại, mặc dù nó đã được thông qua.

Bãi bỏ Chương trình DACA: Một quyết định gây tranh cãi nữa trong năm đầu tiên cầm quyền là việc ông Trump quyết định bãi bỏ "Chương trình Trì hoãn hành động đối với người nhập cảnh Mỹ khi còn nhỏ" (DACA). Theo Tổng thống Trump, lý do ông bãi bỏ DACA là vì chương trình này vi hiến.

Chương trình DACA được thông qua theo sắc lệnh hành chính năm 2012 của cựu Tổng thống Barack Obama, theo đó trao quyền cư trú tạm thời và các ưu tiên việc làm cho những người đến Mỹ bất hợp pháp khi họ dưới 16 tuổi.

Chương trình này cũng cho phép những người nhập cư dưới 31 tuổi tính đến ngày 15/6/2012 có thể nộp đơn xin hoãn trục xuất trong 2 năm, được tạo cơ hội làm việc và có thể gia hạn, với điều kiện đến Mỹ trước 16 tuổi, cư trú liên tục trên đất Mỹ, phải hoàn thành bậc học trung học và không có tiền án, tiền sự.

Trong 5 năm qua, khoảng 800.000 người đến Mỹ khi tuổi đời dưới 16 đã tham gia chương trình này. Ngoài ra, ước tính còn một số lượng tương đương những người nhập cư trẻ tuổi không đăng ký với chính quyền.

Khi thông báo bãi bỏ DACA, Bộ trưởng Tư pháp Mỹ Jeff Sessions đã gọi chương trình này là vi hiến, khiến việc làm của hàng trăm nghìn người Mỹ rơi vào tay những người nhập cư bất hợp pháp. Ông nhấn mạnh Chính phủ Mỹ sẽ hành động rất mạnh tay để xóa bỏ chương trình này.

Hàng loạt đơn kiện, nhiều cuộc biểu tình phản đối bùng phát và lan rộng không chỉ ở Mỹ mà cả ở nhiều nước trong khu vực. Quyết định này đã đẩy hàng trăm nghìn người đứng trước nguy cơ chính thức bị coi là nhập cư bất hợp pháp và đối mặt với lệnh trục xuất. Nhiều ý kiến cho rằng quyết định của ông Trump chấm dứt DACA không chỉ sai lầm mà còn "độc ác", làm tiêu tan “giấc mơ Mỹ” của những người trẻ tuổi.

Kể từ khi tiếp quản chiếc ghế ông chủ Nhà Trắng, nhìn chung, các sắc lệnh về nhập cư của tỷ phú Donald Trump thường gây tranh cãi. Quyết định bãi bỏ DACA thực sự là bước đi “mất lòng dân”, khiến chính giới bất bình và châm ngòi cho hàng loạt cuộc biểu tình phản đối trên đường phố, cho thấy nước Mỹ dưới sự lãnh đạo của ông Trump đang ngày càng bị chia rẽ.

Ban hành Luật cải cách thuế: Mặc dù đây được coi là thắng lợi lập pháp quan trọng trong năm đầu tiên trở thành ông chủ Nhà Trắng. Tuy nhiên, chính Đạo luật này và nhiều quy định khác của Tổng thống Trump đã, đang và sẽ đẩy nước Mỹ lún sâu hơn vào chia rẽ nội bộ.

Tổng thống Trump và đội ngũ cố vấn cấp cao thì cho rằng, Đạo luật này là cuộc cải cách và cắt giảm thuế lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ kể từ thời Tổng thống Ronald Reagan.

Mục tiêu của Đạo luật này là nhằm cắt giảm thuế cho các gia đình Mỹ cũng như khuyến khích các công ty đa quốc gia của Mỹ thay vì đầu tư ra nước ngoài sẽ đầu tư trong nước, tạo thêm việc làm cho người dân nước này.

Các quan điểm chỉ trích cho rằng, Đạo luật này sẽ khiến bất công xã hội gia tăng khi chỉ làm lợi cho những người giàu và siêu giàu, còn những người nghèo và trung lưu thì càng nghèo đi.

Ngoài ra, với việc đảo ngược hàng trăm văn bản dưới thời kỳ Obama về môi trường, năng lượng, các chính sách mới của ông Trump được cho là phục vụ những ông chủ doanh nghiệp giàu có, đặt lợi nhuận lên trên yếu tố môi trường, an toàn cũng như như sức khỏe của người dân.

Nước Mỹ năm 2018 vẫn còn nhiều chia rẽ

Các cáo buộc Nga can thiệp bầu cử chưa có hồi kêt, cuộc chiến pháp lý xung quanh các quyết định của ông Trump, và một loạt các vấn đề tôn giáo, sắc tộc , khoảng cách giàu nghèo khiến cho nước Mỹ vẫn còn nhiều chia rẽ sâu sắc.

Đặc biệt, tranh chấp đảng phải, tranh cãi chính trị, xung đột, biểu tình đang có xu hướng tăng lên.

Trong khi đó, tỷ lệ ủng hộ đối với cá nhân Tổng thống Trump ngày càng giảm sút trong khi phe Dân chủ giành được những thắng lợi quan trọng tại các kỳ bầu cử bổ sung nghị sỹ Quốc hội.

Năm 2018, nước Mỹ sẽ tổ chức bầu cử giữa nhiệm kỳ. Nếu đảng Cộng hòa thất bại thì các chính sách mà Tổng thốngTrump đang thực hiện hoặc vận động sẽ gặp không ít khó khăn.

Như vậy, không chỉ là thu nhập giàu nghèo, văn hóa, ý thức hệ, nước Mỹ còn đang chứng kiến sự chia rẽ về tôn giáo, sắc tộc, giới tính khi tâm lý thù địch, chủ nghĩa da trắng thượng đẳng, phân biệt chủng tộc có xu hướng gia tăng nhiều nơi.

Các chính sách này đi ngược với chủ nghĩa dân túy, một trong những vũ khí quan trọng giúp ông giành thắng lợi trong cuộc bầu cử hồi cuối năm 2016. Điều này đang khiến không ít người từng bỏ phiếu cho ông Trump bắt đầu cảm thấy thất vọng.

Chính vì thế, năm 2018 được dự báo sẽ là một năm đầy thách thức cho chính quyền Trump trong các chính sách đối nội.

Theo Đức Thức (Tiền Phong)