Thế giới

Đập thủy điện làm biến đổi cuộc sống người dân bên bờ Mekong

Việc Bắc Kinh đầu tư cho các dự án thủy điện trên sông Mekong được nhiều nước nghèo ở Đông Nam Á hoan nghênh, nhưng kèm theo đó là cái giá lớn mà môi trường và xã hội phải trả.

Giống như nhiều người khác sinh sống gần sông Mekong và các chi lưu của nó ở Campuchia, nông dân người Khmer Srey Ly Bik coi nguồn nước là sống còn.

Srey Ly Bik đã bị tách khỏi gia đình trong suốt thời kỳ cai trị tàn bạo của Khmer Đỏ vào cuối những năm 1970, lưu lạc từ nơi này đến nơi khác cùng với một nhóm bác sĩ cho đến khi ông tìm thấy cha mình ở làng Kbal Romeas trên một khúc sông Srepok, một nhánh của sông Mekong, vào năm 1979.

Ông gặp vợ ở đó và họ có với nhau 6 người con. Nhờ trầm tích giàu dưỡng chất mà con sông mang theo, đất đai màu mỡ giúp ông trồng rau và lúa. 

Thế nhưng, tháng 8/2015, ông buộc phải rời nơi này khi chính phủ công bố ngôi làng ông ở cùng vài làng lân cận sẽ nằm trong diện tích 75 km2 bị ngập nước bởi việc xây con đập lớn nhất của Campuchia, đập Hạ Sesan 2.

"Tôi trở lại nơi ở cũ một vài ngày trước để kiểm tra mực nước, và ngôi nhà cũ của tôi đã bị ngập hoàn toàn, tôi thậm chí không thể nhận ra nó đang ở đâu nữa", Srey Ly Bik nói.

Ông cho hay mình đã bán hết tài sản, bao gồm 30 con trâu và một chiếc máy kéo, bởi ông quá già để canh tác trên đất đá ở khu vực mà ông phải chuyển tới.

Đập thủy điện làm biến đổi cuộc sống người dân bên bờ Mekong
Một ngư dân kéo lưới trên phần sông Mekong ở tỉnh Kandal của Campuchia. Con sông hùng vĩ cung cấp sinh kế cho hàng chục triệu người, nhưng đang bị đe doạ bởi các con đập của Trung Quốc.

Nâng cánh kinh tế

Dự án đập thủy điện Hạ Sesan trị giá 8 tỷ USD với công suất 400 megawatt là một trong những biểu tượng cho sức ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc khi Bắc Kinh tiến hành xây dựng cơ sở hạ tầng cho các quốc gia nghèo hơn ở Đông Nam Á.

Trong khuôn khổ sáng kiến "Vành đai, Con đường" của Chủ tịch Tập Cận Bình, một nền tảng cho chính sách đối ngoại của Trung Quốc và công cuộc trẻ hóa quốc gia, Bắc Kinh đang tìm cách biến đổi giao thông vận tải và thương mại trên khắp khu vực Âu - Á và Đông Nam Á thông qua đầu tư cơ sở hạ tầng khổng lồ.

"Trung Quốc tin rằng những con đường phải được xây dựng trước khi kiếm  ra tiền, và đây là một cách phát triển mà Trung Quốc muốn giới thiệu với thế giới thông qua sáng kiến Vành đai, Con đường", South China Morning Post dẫn lời Hu Zhiyong, giáo sư tại Viện Khoa học Xã hội Thượng Hải.

"Một khi thành công ở khu vực Đông Nam Á, mô hình như vậy, phần quan trọng của Vành đai Con đường, có thể được giới thiệu đến những nơi khác, chẳng hạn như Châu Phi và Nam Mỹ", ông nói.

Hôm 31/3, sáu quốc gia khu vực tiểu vùng sông Mekong mở rộng đã thông qua một kế hoạch đầu tư đầy tham vọng nhằm phát triển 227 dự án trị giá 66 tỷ USD trong 5 năm tới.

Stephanie Jensen-Cormier, giám đốc chương trình của tổ chức phi chính phủ International Rivers có trụ sở tại California, cho biết các công ty thủy điện Trung Quốc đang xây dựng 41 con đập ở Đông Nam Á. "Số lượng dự án là rất nhiều và tác động lên môi trường cũng như xã hội do đó rất đáng kể", bà nói.

Đầu tư từ Trung Quốc có thể hấp dẫn các nước như Campuchia. Các quan chức Campuchia cho biết tiềm năng thủy điện của sông Mekong có thể là một nam châm thu hút đầu tư và giúp kéo người dân khỏi cảnh nghèo đói.

"Đang nổi lên những khó khăn của một đất nước hậu khủng hoảng, dù muộn tận 20 năm. Chúng tôi đang gặp khó khăn trong việc cạnh tranh nếu không có cơ sở hạ tầng cần thiết", Sok Siphana, luật sư và cố vấn của chính phủ Campuchia, khẳng định. "Cơ sở hạ tầng là yếu tố quan trọng nếu phí điện cao hơn nhiều so với những quốc gia hàng xóm và bản thân đất nước mình lại là một thị trường nhỏ, không giống như Việt Nam, Thái Lan hay Myanmar".

"Đối với chúng tôi, khả năng cạnh tranh nằm ở chỗ làm thế nào để giảm chi phí kinh doanh, và điện có lẽ là nhân tố lớn nhất có thể giúp chiến thắng", ông nhận định.

Đập thủy điện làm biến đổi cuộc sống người dân bên bờ Mekong - 1
Vị trí đặt đập thủy điện Hạ Sesan 2. Đồ họa: SCMP.

Người dân lao đao và phản ứng

Tuy vậy, với những người như gia đình anh Futh Kheun, đã sống ở làng Srekor từ nhiều thế hệ, việc xây dựng con đập đồng nghĩa với việc đất đai, tài sản, truyền thống và văn hoá bị cuốn trôi, theo đúng nghĩa của nó.

Cùng với 66 gia đình khác trong làng, người đàn ông Lào 39 tuổi đã từ chối di dời. Thay vào đó, anh chuyển tới nơi cao hơn, có rừng, từ đó anh có thể nhìn thấy nước dâng cao, gây ngập lụt làng quê cũ.

Kheun cho biết anh xem dự án đập là một hợp đồng giữa giới tinh hoa của hai nước mà người dân địa phương chẳng mấy quan tâm. "Những nước khác không có sông, không có nguồn nước nhưng họ vẫn có điện, còn đất nước chúng tôi có mọi thứ, từ than đá, sông ngòi và nước", Kheun giãi bày. "Tại sao người ta ưu tiên xây đập để sản xuất điện? Việc xây dựng đập khiến người dân địa phương khổ sở."

Trung Quốc là nhà viện trợ và đầu tư nước ngoài lớn nhất của Campuchia, nhưng cách nhìn của người Campuchia đối với Trung Quốc có thể không được tích cực. Người dân thành phố phàn nàn về việc khách du lịch Trung Quốc bất lịch sự tràn ngập các điểm tham quan và về chất lượng kém của hàng hoá Trung Quốc, trong khi người dân nông thôn lo ngại các nhà đầu tư Trung Quốc lấy đi tài nguyên thiên nhiên mà họ dựa vào để sống.

Leang Bunleap, giám đốc điều hành Mạng lưới Bảo vệ các sông Sesan, Srepok và Sekong ở tỉnh Stung Treng, nơi đặt đập Hạ Sesan 2, nói rằng nhiều nhà đầu tư Trung Quốc không quan tâm đến vấn đề của địa phương, nhưng luôn tìm kiếm mối quan hệ tốt đẹp với chính phủ, điều có thể gây ra phản ứng dữ dội.

"Các nhà đầu tư Trung Quốc dường như khuyến khích chính phủ tiếp tục cung cấp giấy phép cho các dự án khi họ nói rằng có thể giúp tăng thu nhập, phát triển kinh tế và tạo ra nhiều việc làm, nhưng không phải ai cũng được hưởng lợi, một số người buộc phải rời khỏi quê nhà và môi trường thì bị hủy hoại", Leang Bunleap nói.

Đã có những bài học đau đớn cho các nhà đầu tư Trung Quốc ở những nơi khác trong khu vực Đông Nam Á.

Năm 2011, chính phủ Myanmar đã tuyên bố đình chỉ xây dựng con đập Myitsone trị giá 3,6 tỷ USD ở đầu sông Irrawaddy do những lo ngại về môi trường sau khi người dân phản đối mạnh mẽ.

Thủ tướng Campuchia Hun Sen cũng đã ra lệnh đình chỉ dự án đập thủy điện Chhay Areng do Trung Quốc tài trợ xây dựng ở tỉnh Koh Kong từ năm 2015 đến nay nhằm ngăn chặn sự phản đối ngày càng gia tăng.

Đập thủy điện làm biến đổi cuộc sống người dân bên bờ Mekong - 2
Hoàng hôn trên sông Mekong. Ảnh: Laura Zhou.

Hồ nghi và chịu đựng

Ren Peng, chuyên gia về đầu tư ở nước ngoài của Trung Quốc với Viện môi trường toàn cầu, cho hay khi Trung Quốc mở rộng đầu tư trên toàn thế giới, phản ứng dữ dội của cư dân địa phương dường như trở nên phổ biến hơn, đặc biệt là ở Đông Nam Á, Châu Phi và Nam Mỹ.

Không giống như các đối tác Nhật Bản hay phương Tây, thường xuyên áp dụng cách tiếp cận "hai hướng" để đáp ứng nhu cầu của chính phủ và người dân địa phương, các công ty Trung Quốc có xu hướng chỉ quan tâm đến quan hệ với các quan chức chính phủ mà bỏ qua các nhu cầu thực sự của người dân địa phương.

"Không giống như ở Trung Quốc, nơi chính phủ là nhà hoạch định chính sách duy nhất, ở Đông Nam Á, chính phủ thường nhận thắc mắc từ người dân", Ren nói. "Các nhà đầu tư càng gần gũi với chính phủ thì càng có nhiều đối thủ".

Với ít thông tin từ chính quyền địa phương, việc thảo luận công khai về xây đập và sự tham gia của Trung Quốc vào dự án dường như đều là điều cấm kỵ. Một quan chức địa phương giấu tên cho biết quyết định tiếp tục xây đập sẽ có ảnh hưởng nghiêm trọng bởi vì nó sẽ là con đập chính gần bờ biển nhất của sông Mekong, và là đập lớn nhất ở Campuchia.

Dự án đập thủy điện Hạ Sesan 2 được Huaneng Group của Trung Quốc miêu tả là một "thành quả khác của Vành đai Con đường" và "bản lề" cho tập đoàn này đầu tư vào Đông Nam Á trong tương lai.

Một khi đi vào hoạt động đầy đủ, đập có thể tạo ra khoảng 1,97 tỷ kWh điện mỗi năm để sử dụng tại Campuchia, "giảm đáng kể chi phí điện và có ý nghĩa to lớn đối với sự phát triển kinh tế của Campuchia".

Công ty cũng cho biết đã mở đường, làng tái định cư và trường học để cải thiện sinh kế cho những người đã di dời để nhường đường xây đập.

Tuy nhiên, Thun Phann vẫn tự hỏi liệu quyết định di dời sau nhiều năm đấu tranh của mình có đúng hay không. Năm ngoái cô trở thành người cuối cùng chuyển vào một ngôi làng tái định cư và hiện sống ở đó cùng chồng và đứa con trai 16 tuổi.

Cô và chồng canh tác trên những mảnh đất mới được phân cho gia đình, nhưng những gì thu được là quá nhỏ để bán với giá tốt trên thị trường, và thay vào đó họ chặt gỗ trong rừng để bổ sung thu nhập.

Nước trong giếng gần nhà không thể uống được đã làm gia tăng chi phí của gia đình. Không có nguồn cung cấp nước từ sông, Thun Phann phải trả 15 USD một tháng cho nước đóng chai.

Cô cũng trả khoảng 0,75 USD cho mỗi kilowatt điện, mặc dù các nhà phát triển con đập nói với dân làng rằng điện sẽ được miễn phí trong ba năm đầu tiên kể từ khi họ di dời.

Thun Phann cho biết cô rất vui khi thấy một bệnh viện được xây dựng trong ngôi làng mới, nhưng ngay sau đó cô cũng nhận ra mình phải trả tiền mua thuốc, bất chấp lời hứa của các nhà phát triển rằng người dân sẽ không phải trả chi phí đó trong năm đầu tiên.

"Họ không bao giờ xuất hiện, có lẽ sợ rằng chúng tôi sẽ nêu lên tất cả vấn đề này," cô nói.

Thun Phann cho biết cô nhớ nhất là nguồn nước.

"Tôi đã mất nước và sông", cô nói. "Tôi không muốn di dời, nhưng tôi chẳng thể làm gì khác được".

Theo Hoa Hạ (Tri Thức Trực Tuyến)