Thế giới

Đảng Dân chủ Mỹ: Trump sử dụng LHQ làm "vũ đài để tuyên chiến"

Bài phát biểu của Tổng thống Mỹ Donald Trump kéo dài 41 phút trước 193 thành viên Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc (ĐHĐ LHQ) khóa 72 đã nhận được những phản ứng khác nhau từ trong lòng nước Mỹ và dư luận thế giới.

Bài phát biểu của Tổng thống Mỹ Donald Trump kéo dài 41 phút trước 193 thành viên Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc (ĐHĐ LHQ) khóa 72 đã nhận được những phản ứng khác nhau từ trong lòng nước Mỹ và dư luận thế giới.

Ảnh: Reuters

Trọng tâm trong bài phát biểu của ông Trump

Tình hình kinh tế Mỹ, nguyên tắc nước Mỹ trên hết, vấn đề hạt nhân Triều Tiên, vấn đề chủ quyền quốc gia, một loạt điểm nóng trên thế giới từ Syria tới Venezuela là những nội dung chính được đề cập trong bài phát biểu đầu tiên của Tổng thống Mỹ Donald Trump tại phiên họp cấp cao ĐHĐ LHQ khóa 72 ngày 19/9.

Về chính sách đối nội. Mở đầu của bài phát biểu, Tổng thống Trump đã nhấn mạnh tới những thành tựu kinh tế của nước Mỹ kể từ khi ông nhậm chức, như việc thị trường chứng khoán khởi sắc, tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống mức thấp nhất trong lịch sử.

Trong đó, Tổng thống Mỹ khẳng định là người đứng đầu nước Mỹ, ông sẽ luôn đặt nước Mỹ lên trên hết. Theo ông, nguyên tắc “nước Mỹ trên hết” không chỉ phù hợp với mục tiêu hợp tác quốc tế, mà còn là nền tảng hợp lý cho mỗi quốc gia tham gia quá trình hợp tác, bởi tất cả các quốc gia có chủ quyền đều đặt nhu cầu của người dân lên trên hết. 

Đặc biệt, Tổng thống Mỹ đã viện dẫn Hiến pháp đặt trọng tâm vào việc bảo vệ nhân quyền, đồng thời bày tỏ kỳ vọng tất cả các quốc gia đều tôn trọng lợi ích của người dân. Ông Trump kêu gọi mỗi quốc gia sử dụng chủ quyền làm cơ sở cho hợp tác chung đồng thời nêu ý tưởng về việc các nước vì lợi ích của chính công dân mình có sự quan tâm thích hợp đối với việc hợp tác để đương đầu với các nguy cơ, mối đe dọa, và cả những cơ hội chung. 

Về lĩnh vực đối ngoại. Trong bài phát biểu,Tổng thống Mỹ đặc biệt nhấn mạnh đến vấn đề chủ quyền của các quốc gia. Ông Trump kêu gọi thế giới phản đối mọi mối đe dọa đối với chủ quyền tại nhiều quốc gia và khu vực, từ Ukraine tới Biển Đông. Ông nêu rõ: "Chúng ta phải phải tôn trọng luật pháp, tôn trọng biên giới, và tôn trọng tương lai, và sự can dự hòa bình". 

Đối với vấn đề Triều Tiên, Tổng thống Mỹ đã tận dụng bài phát biểu trước ĐHĐ LHQ để huy động sự ủng hộ của quốc tế cho nỗ lực giải quyết vấn đề hạt nhân của Triều Tiên. Ông kêu gọi tất cả các nước thành viên LHQ tăng cường sức ép buộc Bình Nhưỡng phải từ bỏ những tham vọng hạt nhân và tên lửa. Ông cảnh báo rằng nước Mỹ sẽ buộc phải sử dụng hành động cứng rắn đối với Triều Tiên nếu "những sức ép ngoại giao không kiềm chế được chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng". 

Bên cạnh đó, bài phát biểu của nhà lãnh đạo Mỹ cũng đề cập đến tình hình Venezuela và Iran. Theo đó, ông cho rằng Mỹ "không thể tuân thủ thỏa thuận hạt nhân với Iran nếu như văn bản này tạo vỏ bọc cho một chương trình vũ khí hạt nhân". Ông cũng cảnh báo sẵn sàng hành động nếu tình hình an ninh tại Venezuela không có sự cải thiện. 

Về cuộc chiến Syria, ông cho biết nước Mỹ đang tìm cách tháo ngòi nổ cho cuộc xung đột và giải pháp chính trị phải tôn trọng ước nguyện của người dân Syria. 

Phản ứng trái chiều về bài phát biểu của ông Trump

Đã có nhiều phản ứng khác nhau từ trong nước Mỹ và dư luận thế giới ngay sau khi ông Trump hoàn thành bài phát biểu kéo dài 41 phút trước 193 thành viên Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc.

Trong nội bộ nước Mỹ, bài phát biểu của ông Trump đã ngay lập tực nhận được những phản ứng trái chiều từ những nhà lập pháp của hai đảng Dân chủ và Cộng hòa. Những nhà lập pháp của đảng Dân chủ cho rằng, tôn chỉ mục đích của Liên Hợp Quốc là thúc đẩy hòa bình. Tuy nhiên, hôm nay ông Trump đã sử dụng Liên Hợp Quốc như là một "vũ đài để tuyên chiến".

Trong khi đó, những nhà lập pháp của đảng Cộng hòa lại cho rằng, bài phát biểu của Tổng thống Trump tại Liên Hợp Quốc rất rõ ràng, có sức mạnh và đầy nguyên tắc.

Theo đặc phái viên của hãng tin BBC tại Bộ ngoại giao Mỹ, ông Barbara Usher cho rằng, những ngôn từ cứng rắn của ông Trump trong bài phát biểu tại ĐHĐ LHQ khi đề cập tới vấn đề Triều Tiên nguy hiểm ở chỗ, Triều Tiên có thể coi ông Trump là người muốn gây chiến tranh với  Triều Tiên, chứ không phải là người ngăn chặn chiến tranh.

Cũng có nhiều chuyên gia phân tích cho rằng, mặc dù ngôn từ trong bài phát biểu của ông Trump tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc là rất cứng rắn. Tuy nhiên, trừ phi Triều Tiên tiến hành tấn công nước Mỹ hoặc các đồng minh của Mỹ, còn không nước Mỹ dưới thời của ông Trump sẽ không tấn công phủ đầu Triều Tiên.

Trước đó, trả lời câu hỏi của báo chí liệu Mỹ đã có các biện pháp quân sự với Triều Tiên hay chưa và liệu nó có nguy hại đến Hàn Quốc hay không, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ ngày 18/9 cho biết: "Chúng tôi đã có. Nhưng tôi không thể tiết lộ chi tiết”. Người đứng đầu Lầu Năm Góc khẳng định, biện pháp quân sự này đảm bảo Hàn Quốc sẽ không phải hứng chịu bất cứ cuộc tấn công trả đũa nào từ phía Triều Tiên.

Ngoài ra, trong cuộc điện đàm giữa Tổng thống Mỹ Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ngày 18/9, Mỹ-Trung đã thảo luận về các ý đồ của Triều Tiên trong việc tiếp tục đi ngược lại cộng đồng quốc tế. Trong đó, ông Trump và ông Tập đã nhất trí cùng nỗ lực thông qua các nghị quyết của Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc để gây sức ép lớn nhất có thể lên Triều Tiên.

Bên cạnh đó, các chuyên gia phân tích cũng cho rằng, bài phát biểu của ông Trump không chỉ là sự thể hiện lập trường ngoại giao của chính bản thân ông, mà còn là thông điệp gửi tới những cử tri đã bỏ phiểu cho ông Trump trong cuộc bầu cử năm 2016.

Theo Đức Thức (Tiền Phong)