Thế giới

Đảng cầm quyền Campuchia "thất thủ" ở thủ đô

Đảng Nhân dân Campuchia (CPP) thắng lớn trong cuộc bầu cử xã, phường nhưng lại “thất thủ” ngay tại thủ đô Phnom Penh và một số địa phương lớn khiến những người ủng hộ không khỏi lo lắng. 

Đảng Nhân dân Campuchia (CPP) thắng lớn trong cuộc bầu cử xã, phường nhưng lại “thất thủ” ngay tại thủ đô Phnom Penh và một số địa phương lớn khiến những người ủng hộ không khỏi lo lắng. 

Đảng cầm quyền Campuchia 'thất thủ' ở thủ đô

Theo kết quả sơ bộ cuộc bầu cử hội đồng xã, phường ở Campuchia (nhiệm kỳ 4), trong tổng số 1.646 ghế thì Đảng CPP của Thủ tướng Hun Sen chiến thắng với tỉ lệ cao, chiếm đến trên 70% số ghế, tương đương với 1.163 ghế.

Trong khi đối thủ chính của CPP là Đảng Cứu quốc Campuchia (CNRP) chỉ được 482 ghế; đảng nhỏ duy nhất có được ghế hội đồng địa phương là Đảng Đoàn kết dân tộc Khmer, có chỉ một ghế.

Chiến thắng chưa trọn vẹn

Theo các nhà quan sát, tuy giành chiến thắng khá thuyết phục, CPP vẫn chưa thể có được niềm vui trọn vẹn mà nguyên nhân chính là sự trỗi dậy của CNRP tại một số khu vực 
quan trọng.

CNRP ra đời từ sự hợp nhất giữa Đảng Sam Rainsy (của ông Sam Rainsy) và Đảng Nhân quyền (của ông Kem Sokha). Nhiệm kỳ bầu cử hội đồng xã, phường trước (năm 2012), khi hai đảng này chưa hợp nhất, tổng cộng họ chỉ thắng 40 ghế.

Đến năm 2013, khi CNRP ra mắt và chạy đua mạnh mẽ vào quốc hội bằng việc dấy lên làn sóng dân tộc cực đoan, họ đã tạo ra một cú sốc chính trị ở Campuchia khi giành 55/123 ghế đại biểu quốc hội (CPP có 68 ghế).

Tại cuộc bầu cử hội đồng xã, phường vừa qua, tuy chưa giành được số ghế như kỳ vọng nhưng CNRP đã ghi dấu ấn “ngoạn mục” ở những địa bàn trọng yếu, trong đó đáng kể là thủ đô Phnom Penh, Siem Reap, Kampong Cham...

Theo kết quả sơ bộ, tại thành phố du lịch Siem Reap, CNRP giành được 56 ghế, trong khi CPP chỉ được 44 ghế; ở tỉnh Kampong Cham, CNRP áp đảo hơn khi giành tới 76 ghế, so với 33 ghế của CPP. Đặc biệt, tại thủ đô Phnom Penh, CNRP vượt lên CPP với tỉ lệ phiếu sát sao 54-51 ghế.

Nỗ lực của CPP

Đảng CPP cho thấy những cải tổ của mình đã đạt được thắng lợi nhất định, giúp đảng này giành được số phiếu áp đảo. Chính sách kinh tế thông thoáng đã đưa Campuchia trở thành nước có tăng trưởng GDP cao nhất Đông Nam Á, cũng là một minh chứng để CPP ghi điểm.

Điều này là tối quan trọng, bởi “trận chung kết” thực sự sẽ diễn ra vào giữa năm 2018, thời điểm diễn ra cuộc bầu cử đại biểu quốc hội. Kết quả cuộc bầu cử đó sẽ quyết định ai sẽ lãnh đạo đất nước.

Hụt hơi ở các khu vực trung tâm nhưng CPP lại thắng lớn ở các tỉnh vùng sâu, vùng xa và có biên giới với Việt Nam như Kampot, Takeo, Kandal, Svay Rieng, Prey Vieng...

Đây là những địa phương có số ghế lãnh đạo phường, xã cao nhất (thủ đô Phnom Penh chỉ đứng thứ tư về số ghế hội đồng xã, phường với 105 ghế, so với Kandal 127 ghế, Prey Vieng 116 ghế...).

Trả lời Tuổi Trẻ, ông L.Đ., một cử tri gốc Việt ở Phnom Penh, cho rằng việc CPP mất điểm trước CNRP tại một số địa bàn quan trọng cũng là dịp để đảng cầm quyền xem lại việc điều hành của mình.

Còn ông L.M.T., cử tri gốc Việt ở tỉnh Siem Reap, cho rằng do bộ máy chính quyền của CPP cầm quyền có biểu hiện “chủ quan”, xem nhẹ nhu cầu, nguyện vọng dù nhỏ của dân.

Ông T. cho hay tại Siem Reap, ngay khi có kết quả bỏ phiếu sơ bộ, dường như chính quyền do CPP lãnh đạo đã có sự điều chỉnh, một vài vị trí đã được thay đổi.

“Họ làm không tốt, ảnh hưởng uy tín đảng thì đáng ra phải thay lâu rồi. Chứ để người dân thất vọng thì khó mà được phiếu” - ông T. nhận xét.

“Ở cấp độ trung ương, CPP cơ bản là tốt, trong khi ở cấp cơ sở thì gần dân nhưng không tốt như thế, nên dân không thương để bỏ phiếu cho họ. Ông L.M.T. (một cử tri gốc Việt ở tỉnh Siem Reap)

Theo Tiến Trình (Tuổi Trẻ)