Thế giới

Đàm phán lịch sử Mỹ - Cuba: Bất đồng ngay từ đầu

Ngày 21-1, cuộc đàm phán khôi phục quan hệ ngoại giao đầu tiên giữa Mỹ và Cuba diễn ra ở thủ đô Havana đã gặp một số bất đồng về chính sách nhập cư của Washington.

Ngày 21-1, cuộc đàm phán khôi phục quan hệ ngoại giao đầu tiên giữa Mỹ và Cuba diễn ra ở thủ đô Havana đã gặp một số bất đồng về chính sách nhập cư của Washington.

Sau 5 thập kỷ đóng băng quan hệ, Mỹ và Cuba quyết định tiến tới một cuộc đàm phán lịch sử vào ngày 21-1. Tuy nhiên, ngày đầu tiên của cuộc đàm phán, 2 nước đã có những bất đồng chính kiến về vấn đề nhập cư.
 
Trong khi Washington cho phép công dân Cuba thường trú trên lãnh thổ mình dưới chế độ bảo vệ đặc biệt, Havana than phiền động thái này, bao gồm cả việc “khuyến khích bác sĩ đào tẩu” của Mỹ khiến Cuba bị “chảy máu chất xám”.
 

Phái đoàn Mỹ tham dự cuộc đàm phán hôm 21-1. Ảnh: Reuters

Theo Đạo luật Điều chỉnh Cuba do Mỹ ban hành, mỗi năm có khoảng 20.000 người dân Cuba được cấp thị thực. Bất chấp sự phản đối của Havana, Washington tuyên bố sẽ tiếp tục thực hiện chính sách “chân ướt, chân ráo”.

Chính sách này quy định những công dân Cuba sang Mỹ bị nhà chức trách Mỹ chặn lại trên biển sẽ phải quay về Cuba. Nhưng nếu họ đặt chân lên đất liền, Washington sẽ cho phép họ ở lại. Havana đã kịch liệt phản đối, cho rằng đạo luật kể trên “khuyến khích vấn đề nhập cư bất hợp pháp” và gây nguy hiểm cho công dân Cuba sang Mỹ qua eo biển Florida trên những chiếc thuyền không đạt tiêu chuẩn an toàn.

Năm 2014, Mỹ chặn 3.722 công dân Cuba trên biển, gần gấp đôi con số năm 2012. Quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ Alex Lee phát biểu tại Havana: “Chúng tôi đã giải thích với chính quyền Cuba rằng Mỹ cam kết duy trì Đạo luật Điều chỉnh Cuba và nó vẫn có hiệu lực”.

Tuy nhiên, người dẫn đầu đoàn đàm phán Cuba Josefina Vidal cho rằng chính sách của Mỹ vi phạm một thỏa thuận song phương, trong đó quy định các phương án thúc đẩy an toàn, hợp pháp và trật tự đối với vấn đề nhập cư.

Ngoài ra, Cuba cũng khẳng định sẽ không cải cách chế độ đơn đảng và nền kinh tế kế hoạch tập trung của nước này. Havana lưu ý tái thiết lập quan hệ ngoại giao không có nghĩa là 2 nước sẽ bắt đầu một mối quan hệ đầy đủ.

Dù tồn tại một số bất đồng nhưng bà Vidal cho biết cuộc thảo luận diễn ra trong “bầu không khí tôn trọng và mang tính xây dựng”. Ngày thứ hai của cuộc đàm phán (22-1) sẽ tập trung vào kế hoạch mở lại Đại sứ quán Mỹ tại Cuba.

Đối với vấn đề này, các quan chức Havana tỏ ra ít lạc quan bởi họ cho rằng Mỹ vẫn chưa rút Cuba ra khỏi danh sách khủng bố nên việc mở lại Đại sứ quán là “mâu thuẫn”.
 
Theo P.Nghĩa (Nld.com.vn)