Thế giới

Đặc nhiệm Anh sẵn sàng sơ tán công dân khỏi Thổ Nhĩ Kỳ

Hàng trăm chiến đấu cơ, trực thăng, máy bay vận tải và phương tiện khác đang được Anh chuẩn bị cùng lực lượng đặc nhiệm SAS để sẵn sàng sơ tán hơn 50.000 người Anh khỏi Thổ Nhĩ Kỳ nếu xảy ra thêm cuộc đảo chính.

Hàng trăm chiến đấu cơ, trực thăng, máy bay vận tải và phương tiện khác đang được Anh chuẩn bị cùng lực lượng đặc nhiệm SAS để sẵn sàng sơ tán hơn 50.000 người Anh khỏi Thổ Nhĩ Kỳ nếu xảy ra thêm cuộc đảo chính.

Đặc nhiệm Anh sẽ tham gia sơ tán công dân Anh khỏi Thổ Nhĩ Kỳ nếu xảy ra thêm cuộc đảo chính khác – Getty

Theo Express (Anh) ngày 25.7, tình hình ở Thổ Nhĩ Kỳ hiện còn bất ổn, và có những tin đồn cho rằng rất có thể sẽ xảy ra cuộc đảo chính lần nữa. Do vậy các chỉ huy quốc phòng của Anh đã lên kế hoạch khẩn cấp, sử dụng quân đội để sơ tán nhanh nhất hơn 50.000 công dân Anh khỏi Thổ Nhĩ Kỳ nếu xảy ra biến cố.

Hiện các khí tài quân sự kể trên cùng lính đặc nhiệm SAS đã được triển khai ở căn cứ không quân Akrotiri trên đảo Síp, chỉ cách Thổ Nhĩ Kỳ khoảng 160 km. Ngoài ra tàu chiến hải quân Anh cũng có mặt ở Địa Trung Hải sẵn sàng nhập cuộc một khi có mệnh lệnh từ Thủ tướng Theresa May.

Một quan chức quốc phòng Anh nói với tờ Daily Star rằng nếu xảy ra đảo chính lần nữa ở Thổ Nhĩ Kỳ sẽ dẫn đến nội chiến, và khi đó sẽ bùng nổ thành cuộc khủng hoảng cấp quốc tế. Thổ Nhĩ Kỳ có chung biên giới với Iraq, Syria, Iran và Anh lo sợ một nước Thổ Nhĩ Kỳ bất ổn sẽ càng làm tình hình khu vực thêm trầm trọng. Theo vị này, sẽ có nhiều nước nỗ lực giải cứu công dân mình khỏi Thổ Nhĩ Kỳ nếu xảy ra đảo chính lần nữa, và Anh dự định sẽ dẫn đầu chiến dịch.

Đặc nhiệm Anh sẵn sàng sơ tán công dân khỏi Thổ Nhĩ Kỳ - ảnh 2
Tình hình ở Thổ Nhĩ Kỳ vẫn còn bất ổn sau vụ đảo chính không thành ngày 15.7.2016
 
Đặc nhiệm Anh sẵn sàng sơ tán công dân khỏi Thổ Nhĩ Kỳ - ảnh 3
Đặc nhiệm Anh sẽ chiếm sân bay, nổ súng nếu có sự ngăn cản việc sơ tán công dân Anh ở Thổ Nhĩ Kỳ - Getty

Một khi có biến ở Thổ Nhĩ Kỳ, lực lượng đặc nhiệm SAS Anh sẽ bay đến các khu du lịch có công dân Anh tập trung tại Thổ Nhĩ Kỳ, đồng thời triển khai lập các khu an toàn ở các khu này lẫn bên trong các sân bay, bảo đảm an ninh cho cầu không vận bốc công dân Anh khỏi nước Thổ. Nếu cần thiết, lực lượng Anh có thể nổ súng vào đám đông bạo loạn nào cố ngăn cản việc sơ tán công dân Anh ngay trên đất Thổ Nhĩ Kỳ.

Đặc nhiệm SAS từng triển khai chiến dịch cứu hộ như thế ở Lebanon, nhưng chưa đối diện với quy mô lớn như ở Thổ Nhĩ Kỳ hiện tại.

Nhiều người Anh đã rút ngắn kỳ nghỉ ở Thổ Nhĩ Kỳ sau cuộc đảo chính, nhưng số khác vẫn phải ở lại vì các hãng du lịch từ chối trả lại tiền nếu tự rút ngắn kỳ nghỉ theo hợp đồng. Hiện các khách sạn và bãi biển ở Thổ Nhĩ Kỳ ghi nhận tình trạng sụt giảm du khách sau đảo chính.

Theo Anh Sơn (Thanh Niên Online)