Thế giới

Cựu thủ tướng Singapore cảnh báo quân sự hóa gia tăng ở Biển Đông

Cựu thủ tướng Goh Chok Tong bày tỏ lo ngại về viễn cảnh Biển Đông bị quân sự hóa và kêu gọi các nước giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình.

Cựu thủ tướng Goh Chok Tong bày tỏ lo ngại về viễn cảnh Biển Đông bị quân sự hóa và kêu gọi các nước giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình.

cuu-thu-tuong-singapore-canh-bao-quan-su-hoa-gia-tang-o-bien-dong

Phát biểu tại hội nghị quốc tế Tương lai châu Á lần thứ 22 tại Tokyo, Nhật Bản hôm qua, ông Goh lưu ý việc Trung Quốc xây dựng các đường băng, cảng và triển khai các thiết bị quân sự ở Biển Đông, cảnh báo "hệ quả sẽ là một Biển Đông bị quân sự hóa hơn nữa", theo tờ Nikkei.

Tuy nhiên, ông khẳng định tranh chấp giữa các nước ở Biển Đông không thể được giải quyết bằng khái niệm "dùng sức mạnh" và cảnh báo sự "tăng xúc cảm của chủ nghĩa dân tộc sẽ đẩy cao nguy cơ xung đột".

Người từng là thủ tướng Singapore trong 14 năm nhắc lại tầm quan trọng của việc giải quyết tranh chấp một cách hòa bình, tuân theo luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước Luật biển năm 1982 của Liên Hợp Quốc (UNCLOS).

"Việc bảo đảm luật pháp và các thỏa thuận quốc tế, bao gồm UNCLOS, không bị suy giảm, là điều quan trọng sống còn với Singapore", ông nói.

Cựu thủ tướng cho rằng sự trỗi dậy của Trung Quốc đang làm cán cân quyền lực ở châu Á thay đổi và không nơi nào rõ hơn ở Biển Đông, cho thấy sự tranh cãi về điều chỉnh chiến lược giữa Trung Quốc và Mỹ.

"Cạnh tranh giữa các nước lớn là điều không thể tránh được, nhưng không nước nào muốn chọn phía nào, giữa Mỹ và Trung Quốc", ông nói.

Cũng tại hội nghị, phó thủ tướng Việt Nam Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh rằng các nước châu Á cần tôn trọng độc lập chủ quyền của nhau để duy trì hòa bình, ổn định trong khu vực. Để vượt qua các thách thức, hướng tới thịnh vượng, các nước cần thúc đẩy hợp tác, tôn trọng lợi ích chính đáng của mỗi nước, giải quyết bất đồng, tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, tuân thủ luật quốc tế.

Với chủ đề "Vươn lên ứng phó với các thách thức toàn cầu và hiện thực hoá tiềm năng của Châu ", hội nghị Tương lai châu Á còn có sự tham gia của lãnh đạo Philippines, Indonesia, Lào, Campuchia, Thái Lan, Ấn Độ, New Zealand, Mông Cổ và 500 đại biểu là học giả, doanh nghiệp Nhật Bản và nhiều nước.

Biển Đông là khu vực có tranh chấp giữa Trung Quốc với một số thành viên của ASEAN là Việt Nam, Philippines, Malaysia và Brunei. Sau khi xây dựng và bồi đắp các đảo trên quy mô lớn, Bắc Kinh gần đây bị phát hiện điều tên lửa, máy bay và các thiết bị quân sự khác đến khu vực này. Nhiều nước đã lên tiếng phản đối và yêu cầu Trung Quốc dừng các hoạt động phi pháp.

Theo Khánh Lynh (VnExpress.net)