Thế giới

Cựu chủ tịch Interpol - từ người săn cáo đến con cáo bị săn

ựu chủ tịch Interpol Mạnh Hoằng Vĩ, người từng gây lo ngại về việc Trung Quốc sử dụng Interpol cho chiến dịch “săn cáo” chống tham nhũng, giờ lại trở thành “con cáo bị săn".

Tại kỳ họp thứ 85 của Đại hội đồng Tổ chức Cảnh sát Hình sự Quốc tế (Interpol) tổ chức tại Bali, Indonesia, vào tháng 11/2016, Thứ trưởng Công an Trung Quốc Mạnh Hoằng Vĩ đã được bầu làm chủ tịch nhiệm kỳ 2016 – 2020.

Ông Mạnh, sinh năm 1953 tại tỉnh Hắc Long Giang, phía Đông Bắc Trung Quốc, là chủ tịch người Trung Quốc đầu tiên của tổ chức này. Ông tốt nghiệp Cử nhân Luật tại Đại học Bắc Kinh và trở thành đảng viên đảng Cộng sản Trung Quốc từ năm 1975.

Ông Mạnh cũng từng giữ nhiều chức vụ trong Bộ Công an Trung Quốc, bao gồm giám đốc sở Cảnh sát Tuần tra, tổng cục trưởng Kiểm soát Giao thông, trợ lý bộ trưởng và thứ trưởng Bộ Công an.

Theo thông tin trên trang web chính thức của Interpol, tại thời điểm nhậm chức năm 2016, ông Mạnh đã có gần 40 năm kinh nghiệm trong ngành cảnh sát hình sự, giám sát các vấn đề liên quan đến các tổ chức pháp lý, kiểm soát ma tuý, chống khủng bố, kiểm soát biên giới, nhập cư và hợp tác quốc tế.

Với việc trở thành chủ tịch của Interpol, ông Mạnh làm việc tại trụ sở của tổ chức này tại Lyon, Pháp, và tham dự thường xuyên các cuộc họp chống tội phạm. So với vị trí tổng thư ký, ông sẽ ít can thiệp trực tiếp hơn vào các hoạt động của Interpol.

Cựu chủ tịch Interpol - từ người săn cáo đến con cáo bị săn
Ông Mạnh Hoằng Vĩ được bầu làm Chủ tịch Interpol từ tháng 11/2016. Ảnh: Reuters.

Theo CNN, Bắc Kinh đã hoan nghênh nhiệt liệt việc bổ nhiệm này, nói rằng người Trung Quốc đã sẵn sàng "chịu trách nhiệm lớn hơn và đóng góp nhiều hơn để thúc đẩy việc thực thi pháp luật toàn cầu".

Trong bài phát biểu nhậm chức, ông Mạnh cam kết sẵn sàng "làm mọi việc để ngăn chặn các hoạt động phá hoại an ninh thế giới".

Người săn cáo
Tuy nhiên, bản lý lịch đồ sộ cùng tuyên bố này của ông Mạnh không trấn an được cộng đồng quốc tế. Theo BBC, ngay khi ông Mạnh được tuyên bố trúng cử, Tổ chức Ân xá Quốc tế đã lo sợ rằng động thái này có thể giúp Trung Quốc bắt những người có tiếng nói trái chiều hoặc quan chức bị tình nghi tham nhũng bỏ chạy ra nước ngoài.

Nicholas Bequelin, một quan chức của Tổ chức Ân xá Quốc tế, nói: “Việc bổ nhiệm có thể giúp Trung Quốc bắt giữ những người bất đồng chính kiến và người tị nạn ở nước ngoài, và có vẻ mâu thuẫn nguyên tắc hoạt động của tổ chức”.

"Mặc dù Interpol không có quyền bắt giữ trực tiếp, nhưng nó có ảnh hưởng đáng kể với vai trò là tổ chức cảnh sát lớn nhất thế giới", ông Bequelin khi đó nói với BBC. "Vì vậy, tôi nghĩ rằng cần phải giám sát chặt chẽ các thông báo Interpol đưa ra đối với công dân Trung Quốc trong thời gian tới."

Những lo ngại này không phải là không có căn cứ. Trong năm 2014, Interpol đã phát đi thông báo đỏ, tức lệnh truy nã quốc tế, cho khoảng 100 kẻ tình nghi tham nhũng Trung Quốc bỏ chạy ra nước ngoài. Interpol cho biết tổ chức này đã hợp tác để dẫn độ khoảng 1/3 đối tượng trong danh sách truy nã của Trung Quốc về nước.

Các đối tượng đều nằm trong diện tình nghi của chiến dịch truy quét và trừng phạt các quan chức tham nhũng, còn được gọi là chiến dịch “Săn cáo” do Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phát động từ năm 2014.

Cựu chủ tịch Interpol - từ người săn cáo đến con cáo bị săn - 1
Những kẻ đào tẩu đã bị bắt và dẫn độ về Trung Quốc thông qua chiến dịch "Săn cáo". Ảnh: CCTV

Ông Tập cũng thành lập Cơ quan Điều phối Chống tham nhũng Trung ương để thực hiện chiến dịch, thể hiện rõ quyết tâm “tăng cường siết chặt kỷ luật đảng” và nhấn mạnh tầm quan trọng của lòng trung thành chính trị đối với đảng.

Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương Trung Quốc thống kê rằng tính tới thời điểm ông Mạnh nhậm chức năm 2016, đã có khoảng 2.020 tội phạm đào tẩu, bao gồm 342 cựu quan chức, được dẫn độ về nước từ hơn 70 quốc gia và khu vực. Số tiền được trả về trong năm 2016 là 2,4 tỷ nhân dân tệ (348 triệu USD).

Theo CNN, với sự hợp tác của Interpol và các nước thành viên, chiến dịch “Săn cáo” đã truy nã và dẫn độ thành công cả những quan chức cấp cao của Trung Quốc như ông Chu Vĩnh Khang, cựu Bộ trưởng Công an và cựu Chủ nhiệm Ủy ban Chính trị - Pháp luật Trung ương.

Trước mối lo ngại của thành viên tổ chức cũng như cộng đồng quốc tế nhằm vào mình, ông Mạnh giữ thái độ trung lập trong các phát ngôn chính thức. “Trong bối cảnh tội phạm quốc tế trở thành một vấn đề an ninh toàn cầu, tôi hy vọng rằng chúng ta sẽ giữ vững vị trí và thái độ trung lập đối với các vấn đề chung", ông Mạnh tuyên bố trong một bài phát biểu tại Ireland hồi tháng 5.

Con cáo bị săn

Vào ngày 5/10, cảnh sát Pháp bất ngờ tuyên bố điều tra vụ Chủ tịch Interpol Mạnh Hoằng Vĩ mất tích. Vợ ông Mạnh, hiện sống ở Lyon, Pháp, đã báo với cảnh sát nước này sau khi mất liên lạc với ông. Theo lời bà Mạnh, vào ngày 29/9, chồng bà trở về Trung Quốc. Sau đó bà nhận được lời tin nhắn cuối cùng cùng biểu tượng con dao qua tin nhắn từ tài khoản mạng xã hội chồng.

Ngày 6/10, Interpol đã yêu cầu Trung Quốc cung cấp thông tin về ông Mạnh “thông qua các kênh hành pháp chính thức”. Ngày 8/10, Bộ Công an Trung Quốc có phản hồi chính thức, cho biết ông Mạnh đang bị giam giữ để điều tra hành vi nhận hối lộ. Cảnh sát Trung Quốc cũng sẽ thành lập một đội đặc nhiệm để điều tra những người có liên quan đến ông Mạnh.

Cựu chủ tịch Interpol - từ người săn cáo đến con cáo bị săn - 2
Bộ Công an Trung Quốc cho biết ông Mạnh đang bị giam giữ để điều tra hành vi nhận hối lộ. Ảnh: TNS

"Tôi cực kỳ chắc chắn rằng họ mong đợi một phản ứng đặc biệt từ cộng đồng quốc tế trước khi đưa ra quyết định như thế", nhà bình luận chính trị Zhang Lifan tại Bắc Kinh nói với South China Morning Post. "Tôi đoán hẳn có điều gì đó khẩn cấp. Đó là lý do cơ quan chức năng chọn cách hành động ngay lập tức như thế, bất chấp nguy cơ mất hình ảnh trên trường quốc tế".

Việc ông Mạnh trở thành quan chức cấp cao mới nhất bị bắt giữ cho thấy chiến dịch “Săn cáo” của Bắc Kinh vẫn chưa dừng lại. Vào tháng 4/2017 Trung Quốc tuyên bố chiến dịch “Săn cáo” đã đạt được nhiều thành tựu và sẽ tiếp tục tăng cường “cho tới khi tội phạm tham nhũng nhận ra rằng chạy trốn ra nước ngoài là vô ích”, ông Wang Defu, giám đốc Công an quận Triều Dương, Bắc Kinh, cho biết.

Giới quan sát phán đoán rằng có thể ông Mạnh đã chịu nhiều áp lực từ phía Trung Quốc kể từ khi nhậm chức chủ tịch Interpol. Vào tháng 4, ông Mạnh đã không được bầu vào Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, cơ quan đầu não của nước này. Đây có thể là dấu hiệu cho thấy vai trò chính trị của ông Mạnh đã bắt đầu suy giảm, hay đơn giản đó chính là khúc dạo đầu cho việc ông bị bắt giữ và điều tra.

Theo Hương Ly (Tri Thức Trực Tuyến)