Thế giới

Cuộc sống tủi nhục của những nữ nô lệ thời hiện đại ở châu Á

Đối với những nữ công nhân nhập cư làm nghề giúp việc, điều mà họ phải đối diện mỗi ngày là nguy cơ bị đánh đập, bạo hành và thậm chí là cái chết... Mỗi ngày, họ phải làm việc liên tục 20 tiếng trong khi chỉ được nhận 200.000 đồng cho 1 tháng lương.

Đối với những nữ công nhân nhập cư làm nghề giúp việc, điều mà họ phải đối diện mỗi ngày là nguy cơ bị đánh đập, bạo hành và thậm chí là cái chết... Mỗi ngày, họ phải làm việc liên tục 20 tiếng trong khi chỉ được nhận 200.000 đồng cho 1 tháng lương.

Cô từng bị mắng mỏ, sỉ nhục, đánh đập, bị nhốt trong nhà chủ suốt nhiều ngày liền. Suốt thời gian đi làm người giúp việc, cô không được đối xử như một con người. Mỗi ngày Susi phải làm việc liên tục 20 tiếng/ngày và chỉ được đi ngủ 4 tiếng, sử dụng toa-lét 3 lần trong ngày và không có ngày nghỉ. Cô rơi vào "địa ngục trần gian" này sau khi được giới thiệu bởi một văn phòng môi giới việc làm cho lao động nhập cư.

Susi (30 tuổi), người Indonesia là 1 trong số các nạn nhân bị bạo hành ở Hong Kong.

Trường hợp của Susi chỉ là một ví dụ điển hình về nạn bạo hành, bóc lột người lao động nhập cư tại các quốc gia châu Á và Trung Đông. Những công nhân này, chủ yếu là phụ nữ, lạ nước lạ cái, thân cô thế cô ở xứ người là một miếng mồi béo bở cho bè lũ "cò" môi giới việc làm. Người may mắn thì lọt được vào các gia đình tốt, được đối xử tốt, người không may mắn thì sẽ phải chịu đựng số phận như Susi, phải đối mặt với sự bóc lột tàn bạo, bị đánh đập và thậm chí có khả năng mất đi tính mạng.

Susi cho biết cô đã bị chủ nhà đe dọa sẽ giết cả gia đình cô tại Indonesia nếu dám mở miệng nói cho người khác về cách mà bà ta đối xử với mình, hoặc dám có ý định bỏ trốn. Quá sợ hãi vì sự hung hãn của người đàn bà độc ác, Susi chỉ còn cách ngậm bồ hòn làm ngọt, chịu đựng đòn roi mỗi ngày, hi vọng rằng bà chủ sẽ không nương tay mà không đánh chết cô.

"Đây là lần đầu tiên tôi làm việc ở Hong Kong, tôi không biết một chút gì, thậm chí cách gọi điện thoại tôi cũng mù tịt. Tôi căm hận bà ta, nhưng tôi quá yếu ớt để có thể tự đứng lên bảo vệ bản thân. Bà ta dọa sẽ giết cả nhà tôi, cả tôi và tự nhận mình vô cùng thủ đoạn, tôi sẽ không có cơ hội nào để chống lại.", người phụ nữ Indonesia đau đớn kể lại.

Sumasri, người Indonesia, bị người chủ Malaysia đổ nước sôi lên lưng, bị dí một chiếc dĩa nung nóng, bị đánh đập nhiều lần liên tục. Số lần cô bị bạo hành nhiều đến nỗi cô không còn đếm nổi nữa. Hiện tại, cô phải đi khám, điều trị vết sẹo thường xuyên.

Cho đến khi người thân của Susi bắt đầu nghi ngờ và muốn biết tình hình cuộc sống của con gái, Susi mới bắt đầu tìm cách trốn khỏi căn nhà địa ngục ấy. Tuy nhiên, Susi vẫn không dám tố cáo bà chủ với các cơ quan pháp luật, mặc dù cô có quyền được Luật pháp Hong Kong bảo vệ. Nhưng rồi khi Susi biết đến trường hợp của Erwiana Sulistyaningsih, một nữ công nhân nhập cư khác đã thoát khỏi 7 tháng sống bị bạo hành sau khi tìm đến sự bảo vệ của Pháp luật, cô mới xốc lại tinh thần, chuẩn bị cho cuộc chiến giành lại tự do cho chính mình.

"Tôi phải đứng lên đấu tranh, bởi nếu tôi không làm vậy, sẽ có một người khác rơi vào hoàn cảnh như tôi. Tôi đã rất sợ hãi, tôi không có kinh nghiệm gì, nhưng tôi không muốn ai phải trải qua những gì mình đã phải chịu đựng.", Susi chia sẻ.

Cuối cùng sau bao nỗ lực và sự ủng hộ của những người tốt xung quanh, Susi cùng công lý đã chiến thắng. Mụ chủ của cô phải đối mặt với 18 tội danh, trong đó có xâm phạm sức khỏe nghiêm trọng, giam giữ người trái phép và đe dọa giết người. Tổng cộng, người phụ nữ vô nhân tính được "tặng" 6 cuốn lịch bóc dần.

Ở một số nơi, có những công nhân nhập cư phải làm việc với mức lương chỉ 9USD một tháng (gần 200.000 đồng), thậm chí nhiều người còn không được trả lương, bị biến thành nô lệ. Trước khi Bộ luật về quyền của người lao động được thông qua, tình trạng này sẽ vẫn còn tiếp diễn rất lâu. Đã đến lúc các nhà chức trách nên cân nhắc, rọi đèn vào những góc khuất trong xã hội, để bảo vệ những công nhân vẫn ngày ngày bị áp bức ấy.

Bộ ảnh sau được thực hiện bởi nhiếp ảnh gia Steve McCurry, về những nữ công nhân nhập cư bị đối xử tàn tệ và may mắn được giải cứu:
 

Haryatin, 36 tuổi, từng bị bạo hành ở Ả Rập Saudi - "Tôi từng nói rằng, nếu họ không thích tôi thì làm ơn hãy trả tôi về cơ quan chủ quản. Nhưng bà chủ lại nói rằng nếu như vậy thì lại dễ dàng quá, bởi nếu bà ta ghét tôi, bà ta sẽ đánh đập hoặc giết tôi." Haryatin làm việc cho một người phụ nữ 9 con, liên tục bị đánh đập và phải ngủ trong nhà kho. Một hôm khi đang giặt đồng phục cho bọn trẻ lúc 3 giờ sáng, cô bị bà chủ lấy miếng tã đầy phân trẻ con trét vào mặt vì không giặt nhanh cho mụ ta. Hiện tại nhãn lực của Haryatin rất yếu do từng bị đánh đập bằng ống tuýp nước

Mary Grace, 35 tuổi, người Philippines, bị bạo hành tại Malaysia - "Chủ cơ quan môi giới từng chửi mắng, sỉ nhục tôi, thậm chí còn nguyền rủa cho con tôi chết sớm. Hắn còn ném cốc cà phê vào mặt tôi.". Cô này từng trải qua 2 chủ nhân, và chẳng ai trong số họ cho cô ăn uống đầy đủ. Vào một buổi đi chợ, cô bị ngất, sau đó tỉnh dậy trong một chiếc xe cứu thương và phát hiện mình bị xâm hại tình dục. Mary đã cố báo cáo sự việc nhưng nhanh chóng bị một y tá tại bệnh viện đó đe dọa bịt miệng. Người phụ nữ tội nghiệp rời khỏi Malaysia mà không cầm được một đồng tiền lương nào.
Anis, 26 tuổi, đến từ Indonesia, bị bạo hành ở Hong Kong - Chỉ sau 5 ngày đặt chân tới xứ Cảng thơm, vì một lần lỡ làm con chó nhà chủ sủa nhặng giữa đêm, cô đã bị bà chủ kéo vào bếp đe dọa chặt tay bằng con dao thái thịt. Anis hoảng sợ giật tay lại thì bị đứt gân và vỡ xương tay. Cô may mắn trốn thoát khỏi mụ đàn bà điên dại với sự giúp đỡ của một nhân viên bảo vệ trong khu nhà và một người giúp việc khác.
 

Sritak, 31 tuổi, đến từ Indonesia, bị bạo hành ở Đài Loan- "Ông chủ cầm một chiếc dĩa được nung nóng dí vào bàn tay tôi. Hắn ta là một con quỷ dữ.". Sritak phải rời bỏ quê hương kiếm sống bởi gia đình cô quá nghèo, không đủ ăn dù chỉ một ngày. Sau khi đến Đài Loan, cô phải làm việc quần quật từ 6 giờ sáng đến đêm muộn. Hộ chiếu của Sritak bị thu giữ bởi nhà chủ, cô cũng không được quyền liên lạc với người thân hay hàng xóm xung quanh. Sritak kể rằng cô từng bị chủ đánh đập bằng thanh sắt, và rưới nước sôi lên cơ thể do nghi ngờ cô ăn cắp tiền. Trên cơ thể cô ước tính có 20 vết sẹo, trong đó có một vết sẹo dài ngang mặt.

 
Beth, 20 tuổi, người Philippines, bị bạo hành ở Manila- "Chủ của tôi rất hay đập đầu tôi vào tường, hất nước nóng vào người tôi. Bà ta còn thích lấy điếu thuốc đang cháy dí vào tay tôi, nói rằng đó là những hình phạt cho tội lỗi mà tôi mắc phải.". Beth bị bán tới Manila bởi chính chị gái của mình khi mới 10 tuổi. Mỗi ngày cô làm việc từ 4 giờ sáng tới đêm, ngày ngày rửa bát quét nhà, trông con cho chủ mà không được trả một xu nào. Nữ chủ nhân của Beth thường xuyên đánh đập cô bằng lọ hoa, gậy, xoong chảo trong nhà. Sau 7 năm bị giam giữ trong nhà, Beth cuối cùng cũng trốn thoát. Kể từ khi bị bán, cô chưa bao giờ được đi học, được xem TV hay thậm chí không có cơ hội nghe nhạc, radio.
 
>> Buôn bán tình dục, hình thức nô lệ mới tại Mỹ
 
Theo L.H.Phúc (Kenh14.vn/Trí Thức Trẻ)