Thế giới

Cuộc sống như tù giam lỏng của lao động Triều Tiên ở Trung Quốc

Lao động Triều Tiên tại Trung Quốc, làm việc vất vả dưới sự giám sát nghiêm ngặt, phải đóng góp phần lớn thu nhập cho chính quyền Kim Jong-un.

Lao động Triều Tiên tại Trung Quốc, làm việc vất vả dưới sự giám sát nghiêm ngặt, phải đóng góp phần lớn thu nhập cho chính quyền Kim Jong-un.

Một nữ công nhân Triều Tiên tại ký túc xá của khu công nghiệp Hồn Xuân, tỉnh Cát Lâm, đông bắc Trung Quốc thức dậy vào sáng sớm ngày 4/9. Trên tường của phòng bên cạnh treo bức chân dung của hai cố chủ tịch Kim Nhật Thành và Kim Jong-il. Ảnh: AP.

Khi mặt trời còn chưa lên, những công nhân Triều Tiên lao động tại khu công nghiệp thuộc vùng biên giới đông bắc Trung Quốc lục tục thức dậy trong ánh sáng trắng của đèn tuýp. Cuộc sống của họ bó gọn trong phạm vi từ ký túc xá tới phân xưởng chế biến hải sản cách đó vài bước chân. Ngủ trên giường tầng, ăn uống tập thể, không điện thoại và chẳng thư từ, những lao động này hoàn toàn không có chút riêng tư hay tự do cá nhân. Thậm chí, khi tới nhà máy hàng ngày, họ phải đi theo nhóm và bị giám sát chặt chẽ. Và khoảng 70% tiền lương của họ bị giữ lại để gửi về đóng góp cho chính quyền lãnh đạo Kim Jong-un, theo AP. 

Nhằm đối phó với lệnh trừng phạt kinh tế nhắm vào hàng loạt các mặt hàng xuất khẩu, Bình Nhưỡng đã và đang gửi hàng nghìn lao động ra nước ngoài để đem về thu nhập ước tính lên tới 200 - 500 triệu USD mỗi năm. Nguồn ngoại tệ này chiếm từ 20% đến 50% tổng vốn đầu tư hơn 1 tỷ USD cho chương trình phát triển vũ khí hạt nhân và tên lửa của Bình Nhưỡng, theo đánh giá từ phía Hàn Quốc. 

Công nhân Triều Tiên 'ngoan' hơn lao động bản địa

Ngoài làm việc tại các khu công nghiệp ở Trung Quốc, lao động Triều Tiên còn được xuất khẩu tới các công trường xây dựng ở một số các quốc gia vùng Vịnh ở Trung Đông, các nhà máy đóng tàu ở Ba Lan và các công ty khai thác gỗ rừng ở Nga. Thậm chí, Bình Nhưỡng còn xuất khẩu nhân công tới các thị trường xa xôi như Uruguay, một quốc gia ở Nam Mỹ. Theo thống kê, năm ngoái, có khoảng 90 người Triều Tiên làm việc trên các đoàn thuyền đánh cá ở Uruguay.

Nhưng lao động xuất khẩu Triều Tiên vẫn tập trung đông nhất ở Trung Quốc. Hiện có gần 3.000 công nhân Triều Tiên làm việc tại các nhà máy ở thành phố công nghiệp Hồn Xuân, thuộc tỉnh Cát Lâm, đông bắc Trung Quốc, chỉ cách biên giới với Triều Tiên và Nga khoảng vài cây số. 

Với mục đích thúc đẩy kinh tế địa phương tăng trưởng, từ nhiều năm trước, Bắc Kinh và Bình Nhưỡng đã thỏa thuận cho phép các nhà máy hoạt động ở Hồn Xuân thuê lao động Triều Tiên nhằm tận dụng lợi thế nhân công giá rẻ. Kể từ đó, hàng chục công ty và nhà máy sản xuất, bao gồm dịch vụ chế biến thủy sản, đã được thành lập ở thành phố vùng biên này.

Hợp đồng lao động của công nhân Triều Tiên thường kéo dài từ hai đến ba năm. Họ không được phép trở về quê hương trước hạn. Và đó chỉ là một trong nhiều ràng buộc ký kết trong hợp đồng mà lao động Triều Tiên phải tuân theo. 

cuoc-song-nhu-tu-giam-long-cua-lao-dong-trieu-tien-o-trung-quoc-1

Lao động Triều Tiên tập trung sau giờ ăn trưa trông khuôn viên nhà máy dệt may Hong Chao Zhi Yi, khu công nghiệp Hồn Xuân, tỉnh Cát Lâm, đông bắc Trung Quốc vào ngày 5/9. Ảnh: AP. 

Nhân công Triều Tiên "ổn định hơn" lao động Trung Quốc, theo Li Shasha, quản lý phụ trách bán hàng của công ty thương mại và công nghiệp Yanbian Shenghai, một trong những công ty chế biến thủy sản lớn nhất ở Hồn Xuân xuất khẩu các sản phẩm như mực và cua tuyết sang thị trường Mỹ và Canada. 

Lao động Trung Quốc, được luật pháp bảo vệ, có quyền xin nghỉ phép. Trong khi đó, công nhân Triều Tiên hiếm khi được nghỉ ốm và hầu như không thể bỏ việc trước khi hợp đồng hết hiệu lực. 

"Họ không xin nghỉ vì lý do cá nhân", ông Li nhận xét.

Giá thuê nhân công Triều Tiên cũng rẻ hơn hẳn. Dù các nhà máy khẳng định mức lương của lao động Triều Tiên và người bản xứ ngang nhau, một số nguồn tin cho biết công nhân Triều Tiên được trả khoảng 300 USD mỗi tháng, tức chỉ hơn một nửa so với mức lương trung bình 540 USD của người lao động Trung Quốc. 

Tuy nhiên, dù lương cao hay thấp, tất cả lao động xuất khẩu Triều Tiền đều phải trích phần lớn thu nhập hàng tháng, dao động từ 50% đến 70%, để đóng góp cho chính quyền của lãnh đạo Kim Jong-un. Do vậy, mỗi công nhân chỉ thực sự kiếm được khoảng 90 USD mỗi tháng, tương đương với gần 46 xu cho một giờ lao động, và một ca làm việc kéo dài tới 12 tiếng và liên tục 6 ngày một tuần. 

Cuộc sống như tù giam lỏng

Công nhân Triều Tiên ở Trung Quốc bị giám sát chặt chẽ và nghiêm ngặt hơn so những lao động xuất khẩu sang Nga và Trung Đông, theo các chuyên gia. Có thể do Bình Nhưỡng lo ngại các lao động bỏ trốn như hàng chục nghìn người đồng hương đã đào tẩu khỏi quê hương theo ngả Trung Quốc. Hoặc chính quyền Triều Tiên e ngại nếu được tự do đi lại, công nhân sẽ tiếp xúc với người Hàn Quốc sống ở Trung Quốc. 

"Khi một người Triều Tiên có ý định ra nước ngoài, Trung Quốc là lựa chọn ít hấp dẫn nhất", theo Andrei Lankov, một chuyên gia nghiên cứu về Triều Tiên tại đại học Kookmin ở Seoul. "Bởi vì điều kiện làm việc tại các nhà máy ở Trung Quốc đặc biệt giống nhà tù".

Cuộc sống của công nhân Triều Tiên ở khu công nghiệp Hồn Xuân, Cát Lâm, Trung Quốc. Nguồn: AP. 

Đa số công nhân Triều Tiên tại khu công nghiệp Hồn Xuân là phụ nữ trẻ ngoài 20 tuổi. Khi đặt chân đến Trung Quốc, họ được chia ra thành những nhóm nhỏ. Mỗi nhóm được giám sát bởi một người Triều Tiên. Các công nhân này hoàn toàn bị cô lập, thậm chí, họ còn không được tiếp xúc với chủ nhà máy. 

"Họ không được phép trò chuyện hay kết bạn với người Trung Quốc", theo quản lý cấp cao của một công ty hoạt động trong khu công nghiệp Hồn Xuân thuê khá nhiều lao động Triều Tiên. 

"Chúng tôi chỉ có thể liên lạc hay giao tiếp với người đứng đầu mỗi nhóm lao động này", doanh nghiệp tiết lộ với điều kiện giấu danh tính vì sợ ảnh hưởng tới công việc kinh doanh.

Dưới sự giám sát gắt gao như vậy, dù làm việc tại Trung Quốc, lao động Triều Tiên như thể vẫn đang ở trên lãnh thổ Triều Tiên. 

"Họ chỉ nói khi cần", một nhân viên y tế từng chữa trị cho các lao động Triều Tiên cho biết. "Họ không nói về những điều họ nghĩ trong đầu".

Trong ký túc xá của lao động Triều Tiên, người ta có thể thấy các tấm khẩu hiểu tuyên truyền như "Hãy làm theo tư tưởng của (lãnh tụ)!" treo trang trọng trên tường cùng chân dung của hai cố chủ tịch. 

Bao xung quanh khu ký túc là bức tường bê-tông xám xịt. Ngoài giờ làm việc, không được phép xem các chương trình truyền hình Trung Quốc, các nữ công nhân tự tổ chức các hoạt động giải trí như chơi thể thao hoặc thi hát. Họ tự nấu ăn, tự muối kimchi từ những nguyên liệu trồng sau vườn.

Phía bên ngoài bức tường bê-tông kiên cố là một thế giới hoàn toàn khác. Kinh tế Trung Quốc tăng trưởng nhanh khiến các thành phố vùng biên như Hồn Xuân "thay da đổi thịt" từng ngày. Những con đường cao tốc 6 làn xe, các khu công nghiệp, nhà máy sản xuất chen vai thích cánh mọc trên những khu đất mà mới một năm trước còn là những ruộng ngô trải dài tít tắp. Đường phố ở Hồn Xuân giờ không thiếu bóng dáng những chiếc xe ôtô đắt tiền như Mercedes. Các trung tâm thương mại bán đồ xa xỉ sáng choang ánh đèn mọc lên như nấm.

Vào một chiều hè, khi mặt trời dần tắt, hơn chục nữ công nhân Triều Tiên đổ ra con phố nhỏ thưa thớt người qua lại trước cổng khu ký túc để chơi bóng chuyền. Khi một chiếc xe ôtô chạy ngang qua, thấy tài xế là một người nước ngoài, một nữ công nhân cười to, trêu trọc: "Bye-bye!"

Đi xuất khẩu lao động như 'trúng xổ số'

cuoc-song-nhu-tu-giam-long-cua-lao-dong-trieu-tien-o-trung-quoc-2

Một nữ công nhân đang phơi đồ trong khu ký túc của nhà máy chế biến thủy sản ở thành phố Hồn Xuân, tỉnh Cát Lâm, đông bắc Trung Quốc vào ngày 31/8. Ảnh: AP.

Cơ quan tình báo Hàn Quốc ước tính vào năm 2014, Triều Tiên xuất khẩu 50.000-60.000 lao động sang khoảng 50 quốc gia, đa số tập trung ở Trung Quốc và Nga. Hiện con số này có thể đã lên tới 100.000, theo học giả Lim Eul Chul tại trường đại học Kyungnam của Hàn Quốc, người đã trực tiếp phỏng vấn nhiều lao động. 

Con số ước lượng 200 - 500 triệu USD mà Bình Nhưỡng thu được hàng năm từ hoạt động xuất khẩu lao động cũng dựa trên các báo cáo, thống kê từ nhiều nguồn bao gồm nghiên cứu của các chuyên gia, cơ quan tình báo Hàn Quốc và cộng đồng doanh nghiệp Trung Quốc. 

Nguồn thu ổn định này càng trở nên quan trọng trong bối cảnh Triều Tiên vật lộn với hàng loạt các biện pháp trừng phạt của Liên Hợp Quốc. Theo tính toán của Washington, các lệnh trừng phạt có thể khiến Bình Nhưỡng thiệt hại ít nhất 1,5 tỷ USD mỗi năm do doanh thu xuất khẩu suy giảm. 

Trong khi đó, lao động ở nước ngoài là niềm mơ ước đối với người dân Triều Tiên. Đó không chỉ là cơ hội để cải thiện kinh tế gia đình mà còn là dịp hiếm hoi được ngắm nhìn thế giới bên ngoài.

Thu nhập hàng tháng ở một nhà máy Trung Quốc cao hơn rất nhiều so với mức lương chính thức khoảng 1 USD ở Triều Tiên. Chuyên gia ước tính chi phí sinh hoạt của hầu hết các gia đình Triều Tiên dao động 40-60 USD mỗi tháng, và người dân kiếm phần lớn thu nhập từ hoạt động mua bán trên thị trường chợ đen. 

Đi xuất khẩu lao động có rất nhiều lợi ích. Người lao động, sau một thời gian dành dụm, sẽ có đủ vốn để kinh doanh riêng. Họ buôn bán các mặt hàng như nồi cơm điện, đồng hồ, TV và bát đĩa về nước. Ngay cả việc được đi nước ngoài cũng quý giá đến mức những công nhân khi trở về bỗng nhiên trở thành những đối tượng kết hôn đầy tiềm năng. 

Lim Il, một người đào thoát khỏi Triều Tiên, kể lại rằng đã hối lộ các quan chức và các tay môi giới lao động 20 chai rượu, 30 bao thuốc lá và nhiều phiếu ăn nhà hàng để đổi lấy một suất xuất ngoại, làm việc tại công trường xây dựng ở thủ đô của Kuwait vào cuối những năm 1990 của thế kỷ trước. 

"Lúc đó, tôi cảm giác như mình vừa trúng số. Thời đó, ai cũng mơ tới cơ hội ra nước ngoài làm việc", ông Lim nhớ lại. 

Người đàn ông gần 50 tuổi này đã bỏ trốn sang Hàn Quốc vào năm 1997 và đang viết một cuốn tiểu thuyết về Triều Tiên. Ông cho biết dù được hứa hẹn mức lương 120 USD một tháng, ông chưa bao giờ cầm trên tay số tiền đó. Dẫu vậy, lúc đó ông cảm thấy quá hạnh phúc vì ngày nào cũng được ăn cơm với súp bò.

"Trừ khi anh là một tên ngốc, anh sẽ không bỏ lỡ một cơ hội như thế", ông Lim nói.

Theo An Hồng (VnExpress.net)