Thế giới

Cuộc đua máy bay không người lái của IS và quân đội Mỹ

Các phi cơ không người lái (UAV) giá rẻ đang được IS tận dụng vào việc do thám, quay phim tuyên truyền hoặc mang bom tự sát, gây ra mối nguy lớn trên chiến trường Iraq, Syria.

Các phi cơ không người lái (UAV) giá rẻ đang được IS tận dụng vào việc do thám, quay phim tuyên truyền hoặc mang bom tự sát, gây ra mối nguy lớn trên chiến trường Iraq, Syria.

Những chiếc UAV giá hời

Theo BBC, ban đầu IS sử dụng UAV để quay cảnh từ trên không cho các video tuyên truyền. Sau đó, khi một căn cứ quân sự của Syria bị các phần tử đánh bom liều chết tấn công trùng với thời gian IS tung ra video quay cảnh căn cứ này từ trên cao, người ta mới nghĩ đến khả năng chúng sử dụng các UAV như một phương tiện do thám.

IS còn dùng UAV để điều khiển những chiếc xe mang bom tự sát. Các quan chức quân sự Mỹ cho biết trong cuộc giao tranh để giành lại Mosul, "thủ phủ" của IS ở Iraq, UAV được dùng để theo dõi đường bay của các đợt đạn cối IS bắn ra và điều chỉnh nòng súng cho phù hợp mục tiêu.

UAV Black Hornet siêu nhỏ của quân đội Anh có giá 100.000 USD, nhưng một chiếc DJI Phantom chỉ có giá 1.000 USD và dễ dàng mua được qua mạng. Loại UAV này bay được 30 phút và có thể gửi về video với độ phân giải cao từ cách đó 2 km. 

IS còn đang biến những chiếc UAV dân sự rẻ tiền thành những vật thể bay mang thuốc nổ. 

Cuoc dua may bay khong nguoi lai cua IS va quan doi My hinh anh 1
Nhờ giá thành rẻ và dễ điều khiển, UAV đang được IS sử dụng cho rất nhiều mục đích.

Việc sử dụng các vật thể bay được điều khiển từ xa bằng sóng radio đã là một mối hiểm họa từ lâu. Aum Shinrikyo, giáo phái đứng sau vụ tấn công bằng khí Sarin vào hệ thống tàu điện ngầm Tokyo (Nhật Bản) năm 1993, từng sở hữu một chiếc trực thăng quân sự Nga. Các nhà chức trách nghi ngờ giáo phái này định sử dụng trực thăng để phát tán khí độc lên thành phố.

Tuy nhiên, việc điều khiển một chiếc trực thăng bằng sóng radio đòi hỏi nhiều thời gian và công sức. UAV tiết kiệm, dễ điều khiển hơn và đang được cải tiến nhanh chóng.

BBC lấy ví dụ mẫu UAV DJI Mavic mới nhất được trang bị bộ phận cảm biến có thể nhận ra và tránh các chướng ngại vật như cây cối hoặc nhà cửa. Trong khi đó, Precision Landing có thể hướng đến các vị trí chính xác bằng việc so sánh hình ảnh từ video. Sắp tới, các công nghệ mới sẽ giúp UAV có thể tự vận hành mà không cần người điều khiển hoặc tín hiệu vệ tinh.

Trong khi đó, IS cho thấy tham vọng của chúng không chỉ là tận dụng những UAV đang bán sẵn trên thị trường. Hồi tháng 2, tổ chức Nghiên cứu Vũ khí trong Xung đột (Anh) đã khảo sát một nhà xưởng IS từng chiếm được ở Ramadi (Iraq). Các nhà điều tra phát hiện IS đang thu gom phụ kiện từ Nhật Bản, Hàn Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ để tự lắp ráp UAV.

Họ tìm được trong xưởng này một tên lửa đất đối không Strela do Liên Xô sản xuất. IS có thể đang tìm cách gắn đầu đạn vào UAV của chúng.

Các nhà sản xuất UAV thường hạn chế việc lạm dụng thiết bị của mình cho mục đích xấu bằng việc xây dựng các phần mềm hạn chế bay, không cho UAV tiếp cận các khu vực cấm. Thực tế cho thấy các công nghệ này chỉ làm khó được những người nghiệp dư.

Trong khi đó, bộ phận cảm biến phòng thủ của các tên lửa không thể nhận ra UAV và pháo phòng không cũng không làm gì được thiết bị này.

Cuoc dua may bay khong nguoi lai cua IS va quan doi My hinh anh 2
Khi còn chiếm giữ Ramadi, IS đã có tham vọng xây dựng ở đây một xưởng sản xuất và cải tiến UAV.

Khi quân đội phải chạy theo thị trường

Vì UAV rất khó bị bắn hạ, thứ vũ khí rẻ tiền này đang khiến quân đội Mỹ phải đầu tư kinh phí nghiên cứu các thiết bị đối phó. Các phương án ứng phó UAV đang được cân nhắc gồm việc sử dụng đại bàng, lưới hoặc bóng cao su.

Một bài toán khó trong cuộc "chạy đua" UAV và công nghệ ứng phó là chi phí các UAV dân sự rẻ hơn nhiều. Thị trường rộng lớn đã làm giá cả UAV bán rộng rãi chỉ bằng một phần nhỏ so với các thiết bị quân sự. 

Ủy ban Khoa học Quốc phòng Mỹ đang đề xuất quân đội nước này thay đổi cách phát triển công nghệ. Thay vì sử dụng những linh kiện được đặt riêng cho quân đội, ủy ban này đề xuất chọn những linh kiện có sẵn trên thị trường và phần mềm mã nguồn mở. Từ đó, quân đội có thể lắp ráp những chiếc UAV nhanh và rẻ như những UAV mà IS từng thử nghiệm ở Ramadi.

BBC nhận định nếu đề xuất này trở thành hiện thực, ngành công nghiệp quốc phòng sẽ trải qua một đợt thay đổi lớn khi đây vốn là một lãnh địa khép kín. Thế nhưng, trong một thế giới đầy xung đột và luôn biến đổi, các quốc gia cũng phải thay đổi theo.

Trước khi quân đội các nước, đặc biệt là Mỹ, tìm ra cách hiệu quả để đối phó với chiến thuật UAV của IS và các nhóm vũ trang, một cẩm nang dành cho binh sĩ Mỹ nói rằng trong bất kỳ nhóm tuần tra nào cũng nên có một người lính chịu trách nhiệm để mắt đến những chiếc UAV.

Theo Phương Thảo (Zing.vn)