Thế giới >> Biển Đông dậy sóng vì Trung Quốc

Cuộc đấu tranh nửa vời với Trung Quốc trên Biển Đông của Duterte

Sự im lặng của chính quyền Duterte trước hành động phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông có thể khiến Philippines thua trong cuộc chiến pháp lý.

Cuộc đấu tranh nửa vời với Trung Quốc trên Biển Đông của Duterte
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte phát biểu tại lễ kỷ niệm 120 năm ngày thành lập hải quân nước này hôm 22/5. Ảnh: AP.

"Tôi không thể tham gia vào cuộc chiến không thể thắng", Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte tuần trước tuyên bố tại lễ kỷ niệm 120 ngày thành lập hải quân nước này, dù ông hết lời ca ngợi "lòng dũng cảm" của các binh sĩ trong hoạt động trên biển.

Từ năm 2015, khi còn là thị trưởng Davao, Duterte đã khẳng định "Philippines không thể gây chiến với Trung Quốc" và kể từ khi đắc cử vào năm 2016, lập trường này được ông giữ nguyên mỗi khi được hỏi về tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc trên Biển Đông, theo Al Jazeera.

Nhiều chuyên gia, học giả và quan chức Philippines cho rằng đây là lập trường "chưa đánh đã nhận thua" của Duterte và chính điều này phần nào đã khiến Trung Quốc có những hành động quân sự hóa ngày càng quyết liệt, bất chấp luật pháp quốc tế ở quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Trong khi nhiều nước Đông Nam Á và dư luận quốc tế lên tiếng yêu cầu Trung Quốc chấm dứt các hành động quân sự hóa phi pháp trên Biển Đông, Philippines gần như vẫn im lặng, dù nước này sở hữu một "át chủ bài" có thể lấn át sức mạnh quân sự của Bắc Kinh: phán quyết của tòa trọng tài do Liên Hợp Quốc hậu thuẫn bác bỏ yêu sách chủ quyền quá đáng Trung Quốc đưa ra trên Biển Đông.

Jay Batongbacal, giám đốc Viện Hàng hải và Luật biển thuộc Đại học Philippines, cho rằng việc Tổng thống Duterte chọn phương án gạt phán quyết của tòa trọng tài quốc tế sang một bên với hy vọng làm hài lòng Trung Quốc để cải thiện quan hệ đã khiến Manila đang thua trong cuộc đấu tranh trên Biển Đông.

"Nếu chính phủ tiếp tục hướng đi hiện nay, phán quyết của tòa trọng tài sẽ trở nên không phù hợp với thực tế tại hiện trường trong một vài năm tới", Batongbacal nhận định.

Trong hai tháng qua, giữa lúc dư luận thế giới tập trung sự chú ý vào vấn đề Triều Tiên, Trung Quốc đã âm thầm đẩy mạnh các hoạt động quân sự hóa trên Biển Đông. Các nguồn tin tình báo Mỹ cho biết trong tháng 4, Trung Quốc đã triển khai tên lửa hành trình chống hạm và phòng không đến các đảo nhân tạo phi pháp ở quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam.

Đến giữa tháng 5, không quân Trung Quốc tuyên bố đã cho oanh tạc cơ chiến lược H-6K diễn tập hạ cánh trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Việt Nam đã phản ứng mạnh mẽ, yêu cầu Trung Quốc chấm dứt đưa oanh tạc cơ ra Hoàng Sa và ngừng các hoạt động quân sự hóa "gây căng thẳng và bất ổn" trên Biển Đông.

Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Philippines chỉ tuyên bố "đang có hành động ngoại giao phù hợp" và sẽ không "công khai mọi động thái", bất chấp việc dư luận nước này sôi sục với thực tế Philippines nằm gọn trong tầm tấn công của các vũ khí Trung Quốc triển khai trái phép trên Biển Đông.

Khi được hỏi về những diễn biến mới nhất trên Biển Đông, người phát ngôn của Tổng thống Philippines khẳng định Duterte coi Trung Quốc "là một mối quan ngại nhưng không phải mối đe dọa". Bản thân Duterte cho rằng ông có rất ít lựa chọn để đối phó với Bắc Kinh nên sẽ không thể làm gì ngoài "hy vọng vào lòng thương của Trung Quốc".

Cuộc đấu tranh nửa vời với Trung Quốc trên Biển Đông của Duterte - 1
Duterte (trái) bắt tay Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong cuộc gặp ở Bắc Kinh năm 2017. Ảnh: AP.

Đề cập đến phán quyết của tòa trọng tài quốc tế, Duterte còn cho rằng phán quyết này không liên quan gì đến nhiệm kỳ của ông. "Đừng tin vào thứ ngớ ngẩn rằng phán quyết trọng tài đó được đưa ra vào thời kỳ của tôi. Tất nhiên là không", Duterter tuyên bố hôm 27/5. Tuy nhiên, thực tế cho thấy phán quyết được Tòa Trọng tài Thường trực đưa ra vào ngày 12/7/2016, hai tuần sau khi Duterte nhậm chức.

Cách phản ứng của Manila đã vấp phải chỉ trích mạnh mẽ từ quyền Chánh án Tòa án Tối cao Philippines Antonio Carpio và cựu ngoại trưởng Albert Del Rosario, những người đã góp phần giúp Philippines thắng trong vụ kiện "đường chín đoạn" Trung Quốc vẽ ra trên Biển Đông tại tòa trọng tài ở The Hague.

Del Rosario cho rằng chính quyền Duterte cần phải "xem xét lại" chính sách đối ngoại và việc Manila quyết định gác lại phán quyết của tòa trọng tài có thể khiến nước này "đánh mất cơ hội thúc đẩy lập trường của mình", tạo điều kiện cho Trung Quốc "tự tung tự tác" ngay trên sân nhà của Philippines.

Phó tổng thống Philippines Leni Robredo thì gọi những hành động gần đây của Trung Quốc "đe dọa an ninh Philippines và toàn bộ khu vực" và yêu cầu chính phủ phải gửi kháng thư nhằm bày tỏ sự phản đối với Trung Quốc, theo Anadolu.

Carpio cũng hối thúc chính phủ "chính thức phản đối" hành động của Trung Quốc và tập hợp những quốc gia sẵn sàng ủng hộ phán quyết của tòa trọng tài trong cuộc đấu tranh pháp lý chống lại các hành vi sai trái của Bắc Kinh trên Biển Đông. "Nếu không, Philippines sẽ phải chấp nhận trở thành nạn nhân của chiến lược chiến tranh pháp lý Trung Quốc", trong đó Bắc Kinh sử dụng sức mạnh quân sự để lấn át lập luận pháp lý của các nước có liên quan.

Đề cập đến nỗi lo sợ chiến tranh với Trung Quốc của Duterte, Carpio cho rằng tuyên bố phản đối chính thức được Hiến chương Liên Hợp Quốc công nhận là "biện pháp đáp trả hòa bình và hợp pháp", nên hành động này sẽ không châm ngòi cho đối đấu quân sự với Bắc Kinh.

'Trợ giúp đắc lực'

Giới quan sát Philippines đã nhiều lần chỉ trích Tổng thống Duterte lấy nỗi lo ngại về chiến tranh với Trung Quốc làm cái cớ để "im hơi lặng tiếng" trước các hành động ngang ngược của Bắc Kinh trên Biển Đông.

Trong bài phát biểu vào tháng 7/2017, Carpio cho rằng Tổng thống Duterte "thiếu hiểu biết nghiêm trọng về luật pháp và quan hệ quốc tế", chỉ ra rằng Trung Quốc sẽ không dám mạo hiểm tấn công quân sự Philippines vì hành động đó sẽ kích hoạt hiệp ước phòng thủ lẫn nhau được ký với Mỹ.

Theo hiệp ước này, bất cứ nước nào gây chiến với Philippines cũng sẽ gây chiến với Mỹ và Washington có nghĩa vụ sử dụng các biện pháp phù hợp để bảo vệ đồng minh, điều mà Carpio tin rằng Bắc Kinh sẽ không muốn xảy ra trong tình hình hiện nay.

Chuyên gia phân tích quân sự Jose Antonio Custodio, người từng là trợ lý Hội đồng An ninh Quốc gia Philippines, thì đưa ra quan điểm quyết liệt hơn, khi cho rằng Duterte không chỉ quá thận trọng trong vấn đề Biển Đông.

"Ngay từ đầu, hành động của chính quyền Duterte đã đoạn tuyệt với việc hình thành sự đồng thuận quốc tế chống lại tham vọng của Trung Quốc trên Biển Đông và biến Manila thành một bên trợ giúp đắc lực cho Bắc Kinh", Custodio nói.

Cuộc đấu tranh nửa vời với Trung Quốc trên Biển Đông của Duterte - 2
Tầm hoạt động của các khí tài Trung Quốc triển khai trái phép đến Biển Đông. Bấm vào ảnh để xem chi tiết.

Không chỉ gạt phán quyết của tòa trọng tài quốc tế sang một bên, Tổng thống Duterte còn tìm cách giảm nhẹ các tuyên bố chung của ASEAN về tranh chấp trên Biển Đông khi Philippines đảm nhiệm vai trò chủ tịch ASEAN năm 2017. Ông còn không ngớt tán dương Trung Quốc, đẩy Manila vào vòng ảnh hưởng kinh tế, chính trị của Bắc Kinh thông qua các khoản viện trợ, cho vay.

Custodio cho rằng các hành động này cho thấy Duterte đang hỗ trợ đắc lực cho các lợi ích của Trung Quốc và "làm lan tỏa bầu không khí chủ bại để bao biện cho việc ngả theo chính sách thân Bắc Kinh".

Chuyên gia Batongbacal thì cho rằng với việc phớt lờ phán quyết của tòa trọng tài, Duterte "đã chấp nhận thua cuộc quá sớm" và chính phủ của ông chỉ có thể tự trách mình vì đã "phung phí cơ hội giành chiến thắng quan trọng nhất" trước Trung Quốc trên Biển Đông.

Theo Thành Nguyễn (VnExpress.net)