Thế giới

Cuộc chiến ngầm của CIA chống mạng lưới buôn lậu từ Triều Tiên

Dù không rầm rộ, CIA vẫn miệt mài âm thầm theo dõi các hoạt động buôn lậu bị nghi do Triều Tiên thực hiện trên khắp thế giới.

Cuộc chiến ngầm của CIA chống mạng lưới buôn lậu từ Triều Tiên
Tàu buôn lậu vũ khí của Triều Tiên bị Ai Cập bắt giữ hồi năm 2013.

Các cơ quan tình báo Mỹ đang nỗ lực để phát hiện và chặn đứng những mạng lưới buôn lậu và điệp viên được cho là bắt nguồn từ Triều Tiên trên toàn cầu. Cuộc chiến diễn ra thầm lặng, trong bóng tối nhưng kết quả nó thu được rất đáng kể. Tuần trước, chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đã áp dụng lệnh trừng phạt đối với 6 tàu Triều Tiên, 16 cá nhân và 9 công ty mà họ cho rằng góp phần giúp Bình Nhưỡng phát triển chương trình hạt nhân, theo Popular Mechanic.

Giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) cho biết họ "có đội ngũ quan chức ở khắp nơi trên thế giới làm việc chăm chỉ để đảm bảo luôn hỗ trợ hết khả năng cho những chiến dịch gây áp lực của Mỹ nhằm thắt chặt các lệnh trừng phạt" với Triều Tiên.

Nỗ lực thầm lặng

Triều Tiên cần tiền mặt để sống sót trước các lệnh trừng phạt từ Liên Hợp Quốc. Theo giới chuyên gia, Bình Nhưỡng đã xây dựng một mạng gồm những cỗ máy kiếm tiền mặt trên toàn cầu từ năm 2006, thời điểm các lệnh trừng phạt bắt đầu. Trong 6 tháng qua, những bằng chứng về cuộc chiến âm thầm của Mỹ đang dần gây chú ý.

Tháng 8 năm ngoái, các chuyên gia Liên Hợp Quốc công bố một báo cáo nêu rõ "cấm mọi hoạt động hợp tác về hóa học, tên lửa đạn đạo và vũ khí truyền thống" giữa Syria và Triều Tiên, theo Reuters.  "Hai quốc gia thành viên đã ngăn chặn các chuyến hàng đến Syria. Một quốc gia thành viên khác thông báo đến hội đồng rằng họ có lý do để tin những lô hàng này là một phần của một bản hợp đồng giữa Tập đoàn Thương mại và Phát triển Khai khoáng Triều Tiến với Syria".

"Các quốc gia thành viên" ban hành lệnh cấm không được nêu tên nhưng những người am hiểu vấn đề tiết lộ kết quả trên chắc chắn có sự liên quan của Mỹ.

Washington Post năm ngoái đưa tin vào tháng 8/2016, một tin nhắn bí mật đã được gửi từ Washington tới Cairo, Ai Cập, để cảnh báo về một con tàu bí ẩn đang hướng tới kênh đào Suez. Tàu chở hàng mang tên Jie Shun cắm cờ Campuchia nhưng lại đi từ Triều Tiên, có thủy thủ đoàn người Triều Tiên và hàng hóa thì không rõ lai lịch.

Cuối cùng, con tàu bị phát hiển chở trái phép 30.000 quả đạn súng phóng lựu. "Giới chức Mỹ xác nhận rằng việc vận chuẩn vũ khí này chỉ bị lật tẩy khi các cơ quan tình báo Mỹ phát hiện ra con tàu và cảnh báo với nhà chức trách Ai Cập thông qua kênh ngoại giao, ép họ phải hành động", Washington Post dẫn một nguồn tin giấu tên cho biết.

Những nỗ lực ngăn chặn hoạt động buôn lậu của Bình Nhưỡng chủ yếu nhắm vào các con tàu bởi chúng là phương tiện chính phục vụ thương mại quốc tế ở Triều Tiên. Khi chở than hoặc hàng hóa, các tàu Triều Tiên thường cập vào một cảng, tháo dỡ hàng rồi tàu mang cờ quốc gia khác sẽ tới và mang hàng đi nhằm che giấu dấu vết giao dịch. Các tàu Triều Tiên cũng có thể cắm "cờ thuận tiện" để giấu điểm xuất phát ban đầu.

"Cờ thuận tiện" là chế độ mà các tàu biển được đăng ký tại những nước không phải quốc gia của chủ tàu, thường vì các nước này yêu cầu thuế ít hơn và những tiêu chuẩn đối với thuyền viên và an toàn cũng thấp hơn.

Những phương pháp trên hoàn hảo cho việc buôn lậu vũ khí và các thiết bị chế tạo vũ khí tới tay những người mua đầy háo hức trên toàn cầu, cây bút Joe Pappalardo từ Popular Mechanic nhận định. Tuy nhiên, buôn lậu bằng đường biển không phải phương pháp tuyệt đối an toàn bởi việc vận chuyển vẫn bị giám sát và chịu sự chi phối của các luật thương mại hàng hải quốc tế hiện hành cùng những dữ liệu thương mại sẵn có.

Trung tâm Nghiên cứu Quốc phòng Cao cấp (CADS) trụ sở ở Washington, Mỹ, đã sử dụng các dữ liệu từ thế giới tài chính, bao gồm cả những hồ sơ lưu chuyển hàng hóa, để điều tra về hoạt động buôn lậu của Triều Tiên.

"Việc dùng dữ liệu mở, đặc biệt trong ngành hàng hải, có thể trở thành một công cụ hữu hiệu để thúc đẩy sự minh bạch đối với những lĩnh vực từng được coi là mối đe dọa không rõ ràng" từ phía Bình Nhưỡng, ông David Thompson, nhà điều tra cấp cao về mạng lưới kinh tế Triều Tiên tại trung tâm CADS, nhấn mạnh.

Theo nhóm của ông Thompson, "các mạng lưới bất hợp pháp ở nước ngoài mà Triều Tiên sử dụng để vận chuyển vũ khí và tạo ra tiền mặt" hoàn toàn có thể ngăn chặn được.

"Chúng tôi dần dần nhận ra rằng những mạng lưới này khá tập trung, còn nhiều giới hạn và rất dễ bị tổn thương", ông nói.

Các nỗ lực thầm lặng nhưng quan trọng như vậy vẫn sẽ tiếp diễn, giám đốc CIA Pompeo quả quyết. Theo ông, những công việc mà các cơ quan tình báo Mỹ đang thực hiện có thể chưa lập tức phát huy tác dụng mạnh mẽ nhưng tương lai, nó chắc chắn sẽ trở thành một mảnh ghép không thể thiếu trong chiến lược đối phó Triều Tiên của chính quyền Tổng thống Trump.

"Chúng tôi chưa đến được nơi chúng tôi cần đến nhưng sứ mệnh của chúng tôi vẫn chưa hoàn thành", giám đốc CIA tuyên bố.

Theo Vũ Hoàng (VnExpress.net)