Thế giới

Cụ bà gốc Việt bị phán tội buôn người

Bốn người gốc Việt đang chờ lãnh án tù sau khi bị một tòa án ở Anh phán quyết phạm tội buôn người.

Cụ bà gốc Việt bị phán tội buôn người
Các bị cáo trong vụ buôn người

Theo tờ Daily Post ngày 21.4, thẩm phán Niclas Parry của tòa án thị trấn Caernarfon (Xứ Wales, Vương quốc Liên hiệp Anh) ra phán quyết tạm giam 4 người gốc Việt để chờ tuyên án về tội buôn người vào nước này sau phiên xử kéo dài 11 ngày. Các bị cáo Nguyen Thi Lien (73 tuổi), Le Thi Hoa (59 tuổi), Kevin Lam (35 tuổi) và Pham Ha Thuy (31 tuổi) bị kết tội tạo dựng một đường dây tội phạm có tổ chức chuyên sử dụng hộ chiếu của người Việt gốc Anh và chỉnh sửa ảnh để đưa lậu người nhập cư. Bà Lien, con trai Kevin Lam và Le Thi Hoa sống tại thủ đô London, còn Pham Ha Thuy ở thành phố Birmingham. Trong đó, bà Lien bị xác định là người đứng đầu đường dây. Ngoài ra, Tony Do (21 tuổi), ra tòa với cáo buộc cho đường dây trên mượn hộ chiếu của mình để sử dụng cho mục đích trái phép, được tuyên vô tội vì không có bằng chứng cho thấy anh này biết việc làm của các bị cáo.

Báo chí Anh dẫn cáo trạng cho hay dù tuổi đã cao nhưng bà Lien thường xuyên đi lại qua nhiều nước châu Âu dưới danh nghĩa du lịch để tổ chức đưa người vào Anh. Kevin Lam và Pham Ha Thuy thì có vai trò lo vé máy bay, giấy tờ thông hành cũng như tìm người Việt gốc Anh để thuê hoặc mượn hộ chiếu. Sau khi có đầy đủ “đồ nghề”, bà Lien sẽ cùng đối tượng trở về Anh qua ngả một nước thứ ba. Tại sân bay, bà sẽ giả vờ ốm yếu, bệnh tật và ngồi xe lăn nhằm khiến hải quan lơi lỏng, không kiểm tra kỹ hộ chiếu. Tại phiên xử, công tố viên Simon Mills cho biết bằng chiêu thức này đã có ít nhất 3 người tìm cách vào hoặc vào được Anh.

Hồi tháng 11.2015, bà Lien đến thủ đô Vienna của Áo để đưa một phụ nữ Việt tên là Ho Le Ha bay đến thủ đô Dublin của Ireland rồi từ đó đến cảng Holyhead ở Xứ Wales bằng hộ chiếu mang tên Le Thi Hoa. “Vào ngày 5.11.2015, hình ảnh trích xuất từ máy quay an ninh tại sân bay Dublin cho thấy Nguyen Thi Lien ngồi xe lăn và đi cùng 3 người khác. Ngay sau khi qua cổng an ninh, bị cáo lập tức đứng dậy và bỏ xe lăn vào một góc. Đến chiều cùng ngày, Ho Le Ha được nhìn thấy xuất hiện tại cảng Dublin Ferryport cùng 2 phụ nữ để đến Wales”, ông Mills trình bày. Theo cáo trạng, tại chốt an ninh ở cảng Holyhead, Ho Le Ha vẫn đóng vai Le Thi Hoa nhưng có lẽ do quá hồi hộp nên lại trình hộ chiếu của một người khác. Giới chức lập tức nghi ngờ nên tiến hành kiểm tra kỹ lưỡng và phát hiện màn gian lận.

Trong một vụ khác, một người đàn ông mang hộ chiếu của Tony Do đến sân bay Dublin nhưng không được cho nhập cảnh và đã biến mất sau đó. “Người đàn ông trên đã bị từ chối nhập cảnh nhưng không bị giam. Người này sau đó cũng mất tích một cách bí ẩn. Không rõ anh ta là ai nhưng chúng tôi biết rằng anh ta đã sử dụng hộ chiếu của Tony Do”, công tố viên Mills nói với bồi thẩm đoàn. Người cuối cùng là một phụ nữ tên Le Thi Hai, bay từ Ba Lan đến Ireland và rồi từ đây vào Anh.

Trong các buổi xét xử, tòa bác bỏ lời biện hộ của Le Thi Hoa rằng bà “không biết tại sao” hộ chiếu của mình lại lọt vào tay bà Lien để đưa cho Ho Le Ha sử dụng. Bị cáo thừa nhận có quen biết bà Lien và thường mang đồ ăn đến thăm tại nhà của bà này ở London. Tương tự, Kevin Lam bị buộc tội nhận tiền của người nhập cư và đặt vé máy bay, vé tàu cho mẹ dù người này tuyên bố “không hay biết về đường dây này và chỉ làm những gì mẹ nhờ”.

Theo Daily Post, việc phá đường dây của bà Lien nằm trong một chiến dịch dài hơi do cảnh sát Anh tiến hành từ nhiều năm qua nhằm ngăn chặn nạn buôn người châu Á, bao gồm nhiều người Việt, vào nước này để làm việc trong những nơi trồng cần sa bất hợp pháp.

Theo Huỳnh Thiềm (Thanh Niên Online)