Thế giới

Cô dâu Pakistan bị cha mẹ ép gả sang TQ qua các đường dây buôn người

Đường dây buôn bán cô dâu Pakistan sang Trung Quốc hoạt động mạnh hơn trong một năm nay, cho thấy đàn ông Trung Quốc ngày càng đi xa hơn tìm vợ do sự thiếu hụt phụ nữ ở nước này.

Muqadas Ashraf mới 16 tuổi khi bị cha mẹ gả cho người chồng Trung Quốc. Nhưng chỉ năm tháng sau, cô trở về Pakistan, nộp đơn ly dị dù đang mang thai và nói bị chồng lạm dụng.

Muqadas và nhiều cô gái khác từ các gia đình nghèo theo đạo Thiên Chúa ở Pakistan đã bị bán sang Trung Quốc, theo các đường dây xuất khẩu cô dâu đang hoạt động mạnh hơn do các tay môi giới cầm đầu. Chúng thường nhắm vào cộng đồng Thiên Chúa giáo nghèo khó ở Pakistan và tìm đến những cha mẹ túng quẫn nhất để đề nghị mua con gái.

Hãng tin AP phỏng vấn hơn chục cô dâu và nhận thấy rằng các chú rể Trung Quốc không phải là những tín đồ Thiên Chúa giáo như họ nói. Các cô dâu thường bị cưỡng ép lấy những người chồng sống ở vùng hẻo lánh của Trung Quốc. Họ bị lạm dụng, thông thể giao tiếp, và thậm chí phải phụ thuộc vào một ứng dụng dịch thuật, dù chỉ để xin một cốc nước.

Cô dâu Pakistan bị cha mẹ ép gả sang TQ qua các đường dây buôn người
Muqadas Ashraf mới 16 tuổi khi cha mẹ cô gả cô cho người đàn ông Trung Quốc. Ảnh: AP.

Buôn bán cô dâu tăng mạnh

“Đây là hành vi buôn người”, Ijaz Alam Augustine, quan chức đứng đầu cơ quan nhân quyền và người thiểu số ở tỉnh Punjab của Pakistan, nói với AP. “Tôi đã gặp một số cô dâu và họ rất nghèo”.

Ông cáo buộc chính phủ và đại sứ quán Trung Quốc ở Pakistan làm ngơ cho các đường dây bằng việc cấp visa mà không xét hỏi kỹ. Bộ Ngoại giao Trung Quốc phủ nhận và nói nước này có chính sách không khoan nhượng với các cơ sở môi giới hôn nhân trái phép.

Tổ chức nhân quyền Human Rights Watch kêu gọi Trung Quốc và Pakistan hành động để chấm dứt buôn bán cô dâu, và nhắc đến “các bằng chứng ngày càng nhiều cho thấy phụ nữ và trẻ em gái có nguy cơ trở thành nô lệ tình dục ở Trung Quốc”.

“Đây đơn thuần là vấn đề cung - cầu”, Mimi Vu, giám đốc vận động chính sách của Pacific Links, tổ chức hoạt động trợ giúp phụ nữ Việt Nam bị buôn bán, nói với hãng tin AP.

Bà cho biết nhu cầu cô dâu nước ngoài ở Trung Quốc đã tăng mạnh sau nhiều thập kỷ thực hiện chính sách một con. Cô dâu ngoại ban đầu đến từ Việt Nam, Lào và Triều Tiên. Nhưng giờ đây đàn ông Trung Quốc phải tìm kiếm xa hơn như ở Pakistan.

“Trước đây họ hỏi ‘Da của cô gái có trắng không?’, còn bây giờ họ chỉ yêu cầu ‘Cô ta có phải là phụ nữ không?’”, bà Vu nói.

Saleem Iqbal, một nhà hoạt động theo đạo Thiên Chúa, nói với AP ông bắt đầu chứng kiến số lượng đáng kể cô dâu bị gả cho đàn ông Trung Quốc từ tháng 10/2018. Kể từ đó, khoảng 750-1000 cô dâu đã bị gả.

Cộng đồng Thiên Chúa giáo thiểu số ở tỉnh Punjab, Pakistan là cộng đồng nghèo nhất cả nước. Ở đây, cha mẹ vẫn chọn chồng cho con gái. Họ vẫn “trọng nam khinh nữ” vì khi cưới xin, gia đình cô dâu phải trả tiền hồi môn và chi phí đám cưới. Nếu tiền hồi môn không đủ, cô dâu có thể bị nhà chồng và chồng ngược đãi.

Ngược lại, các chú rể Trung Quốc lại trả tiền cho cha mẹ Pakistan kèm chi phí đám cưới. Một số chú rể nằm trong số hàng chục nghìn người Trung Quốc đang làm việc ở Paistan trong các dự án Vành đai - Con đường vốn đang khiến hai quốc gia xích lại gần nhau. Một số khác sống ở Trung Quốc, giả cải đạo sang đạo Thiên Chúa, và tìm kiếm thông qua môi giới.

Họ trả từ 3.500-5.000 USD cho cha mẹ cô dâu, các linh mục và môi giới, ông Iqbal nói với AP. Ông đã ra tòa để ngăn chặn một số đám cưới và đang cho các cô dâu bỏ trốn tạm trú, có nạn nhân mới chỉ 13 tuổi.

Mẹ của Muqadas được hứa hẹn 5.000 USD, nhưng bà vẫn chưa nhận được tiền. “Tôi thực sự nghĩ mình đã cho con gái cuộc sống tốt hơn”, mẹ của cô dâu vừa rời bỏ Trung Quốc về Pakistan nói với AP.

Cô dâu Pakistan bị cha mẹ ép gả sang TQ qua các đường dây buôn người - 1
Cảnh bên ngoài ngôi nhà người đàn ông Trung Quốc trả tiền để lấy Mahek Liaqat, cô dâu Pakistan cùng quê với Muqadas. Ảnh: AP.

Nhắm đến các cha mẹ nghèo

Ông Augustine cho biết hàng chục linh mục Thiên Chúa giáo, nhiều người là từ các nhà thờ Tin lành phổ biến ở Pakistan, đã nhận tiền của đàn ông Trung Quốc để tìm kiếm cô dâu.

Ông Iqbal cho biết Gujranwala, thành phố phía bắc Lahore, là điểm đến của những tay môi giới, nơi có 100 phụ nữ và trẻ em gái bị gả sang Trung Quốc trong những tháng gần đây. Đây là một thành phố nghèo, với các khu phố ổ chuột đa số theo Thiên Chúa giáo. Rãnh nước thải lộ thiên, chạy dọc bên cạnh đường đất. Ẩn trong các ngõ nhỏ là các nhà thờ Tin lành không có gì nổi bật, chỉ có thể nhận ra khi chú ý đến cây thánh giá nhỏ bên ngoài.

Mục sư Munch Morris nói ông biết một nhóm linh mục trong khu vực đang hợp tác với môi giới hôn nhân. Thậm chí, một linh mục trong nhà thờ của ông còn rao giảng với tín đồ “Chúa vui mừng vì đàn ông Trung Quốc đang cải đạo sang đạo Thiên Chúa. Họ đến giúp phụ nữ nghèo khổ ở đây”.

Rizwan Rashid, một giáo dân ở nhà thờ Cơ đốc giáo St John’s nói với AP rằng hai tuần trước, một chiếc xe dừng bên ngoài nhà thờ. Hai người đàn ông Pakistan và một phụ nữ Trung Quốc hỏi ông có biết cô gái nào muốn lấy chồng Trung Quốc hay không. Ông đã từ chối.

Những tay môi giới cũng nhắm đến các lò gạch, nơi những người bần cùng nhất làm việc như nô lệ để trả nợ. Những tay môi giới đề nghị trả hộ số tiền nợ, để đổi lấy con gái họ.

Những cô dâu may mắn trở về

Các cuộc gặp mặt được tổ chức thông qua trung tâm môi giới ở thủ đô Islamabad, vợ của một tay môi giới có tên Robinson nói với AP.

Moqadas và cô gái cùng khu phố có tên Mahek Liaqat nói Robinson là người môi giới phi vụ hôn nhân của họ. Họ được đưa đến cùng căn nhà ở Islamabad để gặp chồng và ở cùng nhau đêm tân hôn.

Mahek, 19 tuổi, cho biết trong một tháng ở đó, cô thấy nhiều cô gái khác được đưa đến và có vài đám cưới được tổ chức. Cô nói không muốn lấy chồng, nhưng bị cha mẹ ép buộc.

Cô dâu Pakistan bị cha mẹ ép gả sang TQ qua các đường dây buôn người - 2
Mahek Liaqat cho biết cô không muốn lấy chồng, nhưng bị cha mẹ ép buộc. Ảnh: AP.

Simbal Akmal, 18 tuổi, bị cha mẹ đưa đến một căn nhà tương tự ở Lahore. Hai cô gái khác đang ở đó chọn chú rể. Simbal không muốn lấy chồng, nhưng cha mẹ buộc cô phải chọn một trong ba đàn ông Trung Quốc trước mặt cô. “Họ đã hứa gả tôi... họ chỉ muốn tiền”, cô nói với AP.

Cô vẫn làm đám cưới, nhưng ngay lập tức bỏ trốn. Chị gái cô bị cha mẹ ép cưới cũng bỏ trốn. Cả hai đang ở nhà tạm trú của nhà hoạt động Iqbal.

Sau khi đến Trung Quốc, Muqadas hiếm khi được rời khỏi nhà một mình. Chồng cô ép cô điều trị để có thể mang thai. Ngày Giáng sinh, Muqadas muốn được đi nhà thờ, nhưng cô bị chồng đánh và đập vỡ điện thoại. Cuối cùng, chồng Muqadas để cô về nước sau khi gia đình cô đe dọa sẽ báo cảnh sát.

Còn Mahek cho biết chồng Trung Quốc kiểm soát và không để cô ra khỏi nhà. “Anh ta là con người kinh khủng”, cô nói với AP.

Chồng của Mahek, Li Tao, phủ nhận cáo buộc ông đã ngược đãi Mahek, và nói chính Mahek không muốn rời khỏi nhà. Nhưng sau khi cảnh sát đến nhà ông Li theo lời tố giác của gia đình Mahek, ông đã để Mahek về nước.

Nhiều cô gái khác bị gả sang Trung Quốc không có cơ hội trở về như vậy.

Ông của Mahek cho biết đã nói với phụ huynh các cô dâu Pakistan khác rằng con em họ đang tuyệt vọng và mong chờ được về nhà. Mahek đã trò chuyện với các cô qua mộ ứng dụng nhắn tin Trung Quốc.

Tuy nhiên, các bậc cha mẹ đều nói với ông “Nó lấy chồng rồi, cuộc đời của nó rồi”, ông kể lại với AP.

Theo Trọng Thuấn (Tri Thức Trực Tuyến)