Thế giới

Chuyến thăm của phái đoàn cấp cao Trung Quốc và vụ trộm bí ẩn ở Anh

Vài năm sau vụ trộm, một sản phẩm giống đến mức kinh ngạc xuất hiện ở Trung Quốc.

Vài năm sau vụ trộm, một sản phẩm giống đến mức kinh ngạc xuất hiện ở Trung Quốc.

Kẻ đột nhập đã lấy đi 4-5 chiếc máy tính xách tay, ngoài ra không lấy thêm bất cứ thứ gì khác.Chuyện đột nhập ở công xưởng thì không lạ. Công ty này cũng từng bị mất cắp cáp đồng, nhưng trộm máy tính trong văn phòng thì đây là lần đầu tiên.

Hai tháng trước đó, Pelamis đã đón phái đoàn Trung Quốc gồm 60 đại biểu, do ông Lý Khắc Cường, khi ấy là Phó Thủ tướng Trung Quốc dẫn đầu.

Chuyến thăm của phái đoàn cấp cao Trung Quốc và vụ trộm bí ẩn ở Anh - Ảnh 1.
Ông Lý Khắc Cường tới thăm Pelamis 9/1/2011. Ảnh: Getty

Việc điều tra vụ trộm không có kết quả, và nó cũng dần trôi vào quên lãng. Cho tới vài năm sau, qua những bức ảnh, người ta phát hiện ra một thiết bị "giống tới mức đáng ngạc nhiên" với một thiết kế của Pelamis nhưng lại được sản xuất ở Trung Quốc.

Theo báo The Guardian (Anh), khi đó, một số nhân viên của Pelamis bắt đầu liên hệ mọi chuyện lại với nhau.

Max Carcas, giám đốc phát triển kinh doanh của Pelamis vào thời điểm ấy cho rằng sự tương đồng giữa sản phẩm của Trung Quốc và Scotland rất đáng chú ý: "Một số chi tiết có thể khác biệt nhưng rõ ràng họ đang thử nghiệm một ý tưởng của Pelamis".

Không chỉ bề ngoài, mà ngay cả một số đặc điểm cụ thể như hệ thống giúp đưa thiết bị ra biển và thu về trông cũng tương tự. 

Chuyến thăm của phái đoàn cấp cao Trung Quốc và vụ trộm bí ẩn ở Anh - Ảnh 2.
Thiết bị được Pelamis sản xuất.

The Guardian đưa ra mấy giả thuyết: Có thể các kỹ sư Trung Quốc có cùng ý tưởng với các kỹ sư Scotland. Hoặc có thể Trung Quốc đã cố sao chép thiết kế của Pelamis dựa trên những bức ảnh được đăng tải trên trang web của công ty này. 

Ngoài ra, còn có một khả năng đáng sợ hơn.

Theo tờ báo này, không loại trừ khả năng là Pelamis đã bị Trung Quốc, quốc gia nhiều lần bị cáo buộc sử dụng gián điệp công nghiệp, nhắm tới. Đây là một vấn đề quan trọng, bởi những mối lo ngại an ninh đã nổi lên sau khi Chính phủ Anh trao hợp đồng dự án điện hạt nhân Hinkley Point cho Trung Quốc.

"Lúc ấy, chúng tôi đã rất vinh dự vì là nơi duy nhất tại Anh, ngoài London được Phó Thủ tướng Trung Quốc ghé thăm", The Guardian dẫn lời Carcas cho biết. "Vụ đột nhập xảy ra 10 tuần sau đó, và một vài chiếc máy tính xách tay bị lấy cắp. Lạ ở chỗ, kẻ đột nhập đã đi thẳng tới văn phòng của chúng tôi ở tầng 2 chứ không qua các công ty khác ở tầng một hoặc tầng trệt".

Dự án yểu mệnh

Mỉa mai thay, Pelamis giờ không còn hoạt động nữa nhưng sản phẩm của Trung Quốc, Hailong 1 vẫn đang được phát triển.

Chuyến thăm của phái đoàn cấp cao Trung Quốc và vụ trộm bí ẩn ở Anh - Ảnh 3.
Thiết bị của Trung Quốc.

Scotland đã đi đầu trong việc phát triển công nghệ sử dụng năng lượng sóng suốt hàng thập kỷ và Pelamis từng là một trong những công ty xuất sắc nhất.

Với 50 nhân viên, công ty này đã phát triển một thiết bị năng lượng sóng khổng lồ mang tên của mình: Pelamis. Năm 2004, Pelamis trở thành máy năng lượng sóng đầu tiên sản xuất điện năng cho lưới điện.

Chuyến thăm của phái đoàn cấp cao Trung Quốc và vụ trộm bí ẩn ở Anh - Ảnh 4.
Thiết bị của Pelamis trên biển. Ảnh: E.ON/PA

Tới năm 2010, trong một email gửi Pelamis, Trung Quốc tỏ ý quan tâm: "Ông Lý Khắc Cường, Phó Thủ tướng Trung Quốc và đoàn đại biểu do ông dẫn đầu sẽ tới thăm bộ phận Chuyển đổi Năng lượng Biển Pelamis trong khoảng từ 16:40 tới 17:00 vào Chủ nhật, ngày 9/1".

Ông Lý Khắc Cường, hiện đang là Thủ tướng đương nhiệm của Trung Quốc, cùng với các quan chức cấp cao khác đã được xem các giai đoạn chủ chốt trong quá trình chế tạo Pelamis ở Leith, Edinburgh.

Michael Moore, người đứng đầu cơ quan ngoại giao của Scotland lúc đó là người đón tiếp phái đoàn. Ông còn nhớ người Trung Quốc đã rất ấn tượng. Chuyến thăm kết thúc với tiệc tối tại lâu đài Edinburgh. Theo ghi chép lịch trình của chính quyền Scotland, "Tiệc tối diễn ra ở lâu đài cùng màn thử rượu whisky, múa Scotland và trang sức hoàng gia".

Tuy nhiên, hi vọng mong manh rằng người Trung Quốc sẽ đầu tư cho Pelamis đã tan biến. Ba năm sau, tháng 11/2014, Pelamis cạn vốn sau 17 năm phát triển dự án với chi phí lên tới 95 triệu bảng.

Trong khi đó, Hailong 1 được thử nghiệm vào năm 2014 và 2015 nhưng cả hai lần cuộc thử nghiệm đều bị hoãn do biển động. 

Chuyến thăm của phái đoàn cấp cao Trung Quốc và vụ trộm bí ẩn ở Anh - Ảnh 5.
Thiết bị của Trung Quốc trên biển.

Theo The Guardian, Hailong 1 được chế tạo ở Viện Nghiên cứu 710, thuộc Tập đoàn Công nghiệp Đóng tàu Trung Quốc. Đây cũng là nơi phát triển một số dự án của quân đội nước này.

Tờ báo Anh đã gửi một loạt câu hỏi tới chính phủ Trung Quốc để tìm hiểu chi tiết về nguồn gốc của dự án Hailong 1 nhưng không nhận được câu trả lời. Mặc dù phát hiện thấy 2 dự án có nhiều điểm tương đồng nhưng chính phủ Anh cũng như Scotland không có ý định đặt vấn đề với Trung Quốc về bản quyền.

Calum Macfarlane, phát ngôn viên của một cơ quan phát triển công nghệ năng lượng sóng Scotland, cho hay: "Quyền sở hữu trí tuệ không được bảo vệ ở Trung Quốc". 

Theo Thi Anh (Thegioitre.vn/Infonet.vn)