Thế giới >> COVID-19 (nCoV)

Chuyên gia Trung Quốc cảnh báo số ca nhiễm Covid-19 'có thể tăng gấp 10 sau 19 ngày'

Số ca nhiễm Covid-19 ngoài Trung Quốc có thể tăng gấp 10 lần sau mỗi 19 ngày nếu không có biện phạm phòng chống dịch bệnh lây lan kịp thời, nghiên cứu của một nhóm chuyên gia cho biết.

Nghiên cứu trên được nhóm chuyên gia do nhà di truyền học hàng đầu Trung Quốc Jin Li thuộc đại học Phục Đán ở Thượng Hải đứng đầu.

"Nếu không có các biện pháp quyết liệt phòng chống dịch bệnh lây lan, số ca nhiễm ngoài Trung Quốc có thể sẽ tăng 10 lần sau mỗi 19 ngày," nhóm chuyên gia cảnh báo. Nếu điều này xảy ra, số ca nhiễm Covid-19 ngoài Trung Quốc sẽ vượt qua số ca đã được ghi nhận ở nước này chỉ trong vòng một tháng.

Tính đến ngày 05/03, WHO đã ghi nhận 14.768 ca nhiễm Covid-19 ở ngoài Trung Quốc, gấp 21 lần số ca được ghi nhận cho tới ngày 16/02. Tại Đức, số ca nhiễm ghi nhận được tăng gấp ba từ 03-05/03, trong khi mức tăng tương tự cũng được xác nhận tại Pháp.

Chuyên gia Trung Quốc cảnh báo số ca nhiễm Covid-19 'có thể tăng gấp 10 sau 19 ngày'
Ảnh minh họa: Sky News

"Tình hình hiện nay rất cấp bách, chúng tôi kêu gọi Thế giới có những biện pháp y tế công cộng quyết liệt, sử dụng những kinh nghiệm phòng, chống dịch mà Trung Quốc và Singapore đã thu thập được," các nhà nghiên cứu cho hay.

Nghiên cứu này cũng cho rằng sự lây lan của virus bên ngoài Trung Quốc có thể quy về 34 "bệnh nhân lây nhiễm không được theo dõi".

Ông Jin Li cho biết một số trong 34 bệnh nhân này có thể không có triệu chứng bệnh, nhưng đã có mặt tại Vũ Hán trong hoặc trước thời điểm chủng mới coronavirus được phát hiện ở thành phố này.

Jin Li là hiệu phó Đại học Phục Đán, một trong những viện nghiên cứu danh tiếng nhất tại Trung Quốc. Trước đây nghiên cứu của ông từng giúp xác định tổ tiên của người Trung Quốc là một nhóm người di cư từ châu Phi tới châu Á vào khoảng 60.000 năm trước. Năm 2016, ông và các cộng sự sử dụng công nghệ phân tích gene tối tân giúp cảnh sát bắt giữ một trong những kẻ sát nhân hàng loạt khét tiếng nhất tại Trung Quốc.

Để lập bản đồ sự lây lan của virus, các nhà nghiên cứu sử dụng mô hình tuyến tính đơn thuần. Do kích thước mẫu thử không lớn, Jin Li cho rằng nếu dùng các model phức tạp sẽ cho kết quả trái chiều, dễ gây nhầm lẫn.

"Virus lây lan theo những con đường rất phức tạp và khác nhau trên phạm vi toàn thế giới. Một mô hình đơn giản sẽ đơn giản hóa tình huống và giúp đưa ra đánh giá dựa trên mô hình hạt thô," Jin Li cho hay.

Sau khi chạy mô hình trên hệ thống máy tính tại trường đại học Phục Đán, nhóm nghiên cứu phát hiện ra rằng đợt bùng phát dịch bệnh ngoài Trung Quốc có thể quy về 34 bệnh nhân ban đầu.

"Có thể họ chỉ có triệu chứng nhẹ nên không tới bệnh viện," nghiên cứu cho hay.

Bệnh nhân Covid-19 ngoài Trung Quốc đầu tiên được ghi nhận là một phụ nữ di chuyển từ Vũ Hán tới Thái Lan. Người này được chẩn đoán dương tính với virus hôm 13/01.

Tính tới 07/03, căn bệnh đã lây lan tới hơn 90 quốc gia và vùng lãnh thổ tại tất cả các châu lục ngoài Nam Cực. Hơn 102.000 người đã nhiễm bệnh.

Trong một báo cáo được xuất bản hồi tháng 01, tiến sĩ Ira Longini, một nhà thống kê sinh học và là cố vấn của WHO dự đoán hai phần ba dân số Thế giới có thể mắc Covid-19.

Nhà dịch tễ học Marc Lipsitch thuộc Đại học Harvard, từng tới Trung Quốc sau khi dịch bệnh bùng phát, nói trong cuộc phỏng vấn với CBS News hôm 02/03 rằng khoảng 40-70% dân số Thế giới có thễ nhiễm bệnh.

"Tôi nghĩ mọi người có lý do chính đáng để lo lắng. Tôi cũng cho rằng lo ngại về dịch bệnh có thể khiến người ta hành động quyết liệt hơn, làm cho tình hình khả quan hơn," ông cho hay.

Bất chấp những dự đoán ảm đạm, tình hình dịch bệnh đã có chuyển biến tích cực tại Trung Quốc. Hồi tháng 01, một nghiên cứu đăng trên tuần san y khoa The Lancet dự đoán rằng số ca nhiễm Covid-19 tại Trung Quốc sẽ vượt 160.000 vào tháng 02. Tuy vậy tới sáng 07/03, con số này hiện ở mức dưới 81.000.

Những biện pháp phòng, chống dịch bệnh của Trung Quốc, bao gồm phong tỏa tỉnh Hồ Bắc, được cho là đã đem lại hiệu quả. Một nhà khoa học của chính phủ Trung Quốc làm việc cho chương trình phát triển của Liên Hợp Quốc tại Bắc Kinh cho rằng số ca nhiễm được ghi nhận trên toàn cầu chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố, trong đó có thay đổi mùa và việc phát triển vaccine.

Nếu số ca nhiễm ngoài Trung Quốc tiếp tục tăng và nếu các nước khác "không làm gì", những biện pháp kiểm soát dịch bệnh quyết liệt của Trung Quốc sẽ không đem lại hiệu quả, ông này nói thêm, bổ sung rằng những hậu quả đối với kinh tế toàn cầu và đối với người dân sẽ rất khó lường.

Tố Linh (Nguoiduatin.vn)